Thân thiện, thẳng thắn và tràn đầy nhiệt huyết, đó là những gì chúng ta có thể cảm nhận được ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên với cô Đỗ Thị Hà Lan – giảng viên bộ môn Quản trị và Marketing tại RMIT Hà Nội.
Là một trong những giảng viên đặc biệt khi giảng dạy tại cả RMIT Melbourne và Việt Nam, cô Hà Lan không chỉ giúp sinh viên từng bước chinh phục tri thức và giấc mơ sự nghiệp mà còn đóng vai trò như một người dẫn đường tận tâm và đáng tin cậy của các con.
1. Cô bắt đầu gia nhập RMIT từ năm nào? Tại sao cô lại quyết định ứng tuyển vị trí giảng dạy tại đây?
Tôi bắt đầu giảng dạy tại RMIT từ 2018. Phải chia sẻ thêm một chút là tôi đã từng gắn bó với RMIT Melbourne 4 năm, vì vậy quyết định làm tại RMIT Việt Nam cô có cảm giác như trở về với “gia đình” khi vẫn được làm việc với những người đồng nghiệp thân quen.
2. Ba từ để mô tả môi trường học tại RMIT?
Năng động, cập nhật và rất vui!
3. Điểm khác biệt lớn nhất mà RMIT có thể mang tới cho sinh viên của mình là gì?
Ở RMIT, các con có nhiều cơ hội để tiếp cận doanh nghiệp, từ đó nắm bắt được tốt hơn các diễn biến thực tế trên thị trường và nhanh chóng thích ứng. Từ những buổi tọa đàm với khách mời là nhà quản lý các doanh nghiệp, tới các cuộc thi mà doanh nghiệp chính là người ra đề… đều là cơ hội để các con xây dựng những mối quan hệ chuyên nghiệp quý giá.
4. Phương pháp giảng dạy của những bộ môn mà cô đang đảm nhiệm tại RMIT có điểm gì khác biệt?
Tôi đặc biệt chú trọng việc học tập trải nghiệm (experiential learning). Với hình thức học này, sinh viên của tôi sẽ phải tư duy và đưa ra quyết định trong các tình huống đa dạng, nhờ đó, bài giảng trở nên sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng hơn với các con.
5. Trước khi giảng dạy ở RMIT, có lẽ cô đã từng giảng dạy ở các trường đại học khác, vậy các cô thấy sinh viên RMIT có gì khác biệt?
Sinh viên RMIT rất bản lĩnh. Các con “dám nghĩ, dám nói”, “học và chơi hết mình”.
6. Kỉ niệm đáng nhớ nhất từ khi giảng dạy ở RMIT?
Có lẽ đó là cảm giác xúc động khi nhận được email của một sinh viên, trong đó con chia sẻ biến cố gia đình và cách vượt qua chính mình để đương đầu với những khó khăn vào giai đoạn ấy. Tôi đã được biết thêm một câu chuyện đầy cảm hứng và thực sự cảm thấy hạnh phúc khi mình là một phần, dù nhỏ “li ti” thôi, trong chặng đường lớn lên của bạn ấy.
7. Cô có những hoạt động gì để trau dồi và mở rộng thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm làm việc, nhằm giúp nâng cao chất lượng bài giảng tại RMIT?
Tôi dành thời gian đọc sách và nghe podcast chuyên ngành, đồng thời, giao lưu trao đổi và tham gia tư vấn doanh nghiệp để nắm được những cập nhật mới nhất, đáng chú ý nhất trên thị trường, từ đó đưa vào bài giảng.
8. Cô làm gì để cân bằng cuộc sống và công việc? Hãy kể ra một sở thích mà cô nghĩ sinh viên có thể làm theo.
Rèn luyện thói quen lãnh đạo trong cả cuộc sống và công việc là một trong những thói quen khá đặc biệt mà các bạn sinh viên cũng có thể thử. Bên cạnh đó, tôi cũng luôn cố gắng đảm bảo dành đủ thời gian cho cả mục tiêu công việc, cuộc sống và gia đình. Tôi thường dành thời gian tập gym để xả stress và làm mới bản thân.
9. Nếu có một lời khuyên dành cho các tân sinh viên RMIT, cô sẽ khuyên gì?
Hãy sống với đam mê và học tập ‘hết mình’ với đam mê ấy.
Xin cảm ơn cô!