“Nếu chỉ có một từ để miêu tả về bản thân, đó sẽ là dễ gần.” Thực vậy, nồng hậu và chân thành là những gì người đối diện có thể cảm nhận được ngay từ những phút đầu tiên tiếp xúc với cô Anna Lyza Felipe – giảng viên khoa Khoa học & Công Nghệ của cơ sở RMIT Nam Sài Gòn. Cô giải thích vui vẻ “Có lẽ vì tôi đến từ Philippines, và một trong những đặc điểm của người Philippines là hiếu khách nên tôi thừa hưởng được tính cách đó.”

Ban đầu, qua lời giới thiệu của một người bạn, cô Anna đã tìm hiểu và lập tức yêu thích ngôi trường đến từ Úc này. Đến nay, cô đã gắn bó với RMIT Việt Nam được 9 năm và hoàn toàn say mê với công việc của mình. Đối với cô, niềm vui lớn nhất là được nhìn thấy các sinh viên khao khát tìm hiểu khoa học.

1. Nếu chỉ có 3 từ để mô tả RMIT, đó sẽ là gì?

Thân thiện, vượt trội và toàn cầu hóa.

2. Trước đây, cô cũng đã từng đi du học. Vậy môi trường học tập của RMIT so với trường đại học trước đây của cô có gì giống và khác?

Môi trường học tập tại trường đại học trước đây của tôi thiên về việc lấy giáo viên làm trung tâm – rất truyền thống. Theo đó, giáo viên sẽ giảng bài và sinh viên phải thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. RMIT lấy sinh viên làm trung tâm nhiều hơn, biến người học từ thụ động thành hoàn toàn chủ động. Học sinh được thực hiện các hoạt động học tập khác nhau và giảng viên sẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

3. Theo cô, điểm khác biệt lớn nhất mà RMIT có thể mang lại cho sinh viên là gì?

Học sinh được khuyến khích khám phá và nghiên cứu độc lập. Ngoài ra, tại Khoa học & Công Nghệ của RMIT, chúng tôi còn hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành để sinh viên có kinh nghiệm cọ xát, trải nghiệm qua các dự án thực tế.

4. Có điều gì đặc biệt trong phương pháp giảng dạy mà cô muốn chia sẻ không?

Phương pháp giảng dạy của tôi chú trọng việc học thông qua các dự án. Tức là học sinh phải hiểu các nguyên tắc và áp dụng được vào thực hành dự án cụ thể. Tôi muốn để học sinh của mình tự do sáng tạo, khám phá và tìm ra giải pháp cho các vấn đề.

5. Trải nghiệm đáng nhớ nhất của cô kể từ khi cô làm việc tại RMIT là gì?

Đó là trong ngày hội công nghệ, nơi tôi có cơ hội gặp gỡ các sinh viên đại học tương lai đầy khát vọng và cho các em thấy cách chúng tôi tổ chức lớp học tại RMIT.

6. Cô đã từng giảng dạy ở các trường đại học khác chưa? Nếu có, cô có thể chia sẻ về sự khác biệt giữa sinh viên RMIT và sinh viên các trường đại học khác không?

Tôi đã tham gia giảng dạy ở một vài trường đại học ở Philippines và Bahrain. Nhìn chung, không có sự khác biệt giữa sinh viên Philippines và sinh viên tại RMIT Việt Nam. Cả hai đều ở châu Á và vì vậy có văn hóa tương đồng. Các em đều tôn trọng giảng viên, kiên nhẫn và có động lực học hỏi. Trong khi đó, thực lòng thì các sinh viên ở Bahrain hơi thiếu kiên nhẫn.

7. Điều cô thích/ghét nhất ở RMIT?

Tôi rất trân trọng tình bạn thân thiết với các đồng nghiệp của tôi tại Khoa học & Công Nghệ.

8. Cô có hoạt động nào khác nhằm giúp có thêm kiến ​​thức và kinh nghiệm, từ đó tạo ra trải nghiệm giảng dạy/học tập tốt hơn tại RMIT không?

Tôi thường trao đổi ghi chú với đồng nghiệp về phương pháp giảng dạy và tham dự hội thảo do phòng Học tập & Giảng dạy tổ chức. Ngoài ra, tôi cũng nghiên cứu về phương pháp giáo dục STEM để nắm được các cách học khác nhau.

9. Cô thường làm gì để cân bằng giữa công việc và cuộc sống? Cô có sở thích nào mà các sinh viên của mình có thể tham gia cùng không?

Thực ra tôi không có một môn thể thao “tủ” nào đâu. Tôi thường ăn tối với đồng nghiệp và đi du lịch. Tuy nhiên, với tình hình COVID-19 như hiện nay, để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tôi chuyển sang thực hiện một dự án nhỏ ở nhà thôi.

10. Nếu cô chỉ có thể đưa ra MỘT lời khuyên cho các tân sinh viên RMIT, đó sẽ là gì?

Hãy tận hưởng cuộc sống đại học, không ngừng khám phá và sáng tạo.

Xin cảm ơn cô!

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.