Chị Dương Hồng Loan - Giám đốc Đối ngoại chiến lược, Đại học RMIT VN

Một trong những “kì tích” của RMIT Việt Nam trong năm 2020, giữa tâm điểm dịch Covid-19, là việc tổ chức thành công 2 chuyến bay “giải cứu” giúp đưa tổng cộng 617 hành khách, bao gồm 382 sinh viên, cán bộ giảng viên và đối tác của Đại học RMIT Việt Nam về nước sau khoảng thời gian bị gián đoạn kế hoạch đi lại và học tập do dịch bệnh. Đây là nỗ lực của ban lãnh đạo nhà trường cùng sự hỗ trợ từ nhiều bên liên quan, nhưng không thể không kể đến sự đóng góp thầm lặng của chị Dương Hồng Loan, Giám đốc Đối ngoại chiến lược, Đại học RMIT Việt Nam, người đã khởi xướng ý tưởng này và nắm vai trò điều phối chính để biến ý tưởng thành hiện thực.

Một số thông tin về chị Dương Hồng Loan:

✅ Giám đốc Đối ngoại chiến lược, Đại học RMIT Việt Nam

✅ Cựu Trưởng bộ phận Điều phối Chiến lược, Đại sứ quán Úc

1. Cơ duyên nào đã đưa chị đến với RMIT?

Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống về giáo dục, “con nhà giáo” nhiều thế hệ. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm cho Ngân hàng Nhà nước, rồi đi học sau đại học, sau đó làm việc ở Đại sứ quán Úc hơn 16 năm. Cả một quãng thời gian dài, nước Úc trở nên rất đặc biệt trong suy nghĩ của tôi. Bởi vậy khi có cơ hội tại RMIT, tôi nghĩ đây là cơ duyên rất đặc biệt của mình, vừa làm cho một tường đại học quốc tế lớn rất Úc và lại được làm trong lĩnh vực “thuộc về nghề cha truyền con nối”. Và đó là vì sao tôi quyết định đến với RMIT – mặc dù là một quyết định không dễ dàng vì tôi đã thực sự gắn bó hơn nửa chặng đường sự nghiệp với Đại sứ quán Úc.

2. Công việc của chị ở RMIT là gì?

Dù làm gì, ở đâu, tôi cũng luôn có một tiêu chí phấn đấu là mang lại một giá trị gì đó cho nơi mình làm và cống hiến.

Rất may mắn khi mới bắt đầu với RMIT, tôi được tham gia đoàn công tác của Phó chủ tịch Hội đồng trường, Giáo sư Martin Bean, và bị cuốn hút bởi câu dặn dò ngắn gọn đầy ý nghĩa của ông: “Loan, chúng ta làm tất cả cho sinh viên RMIT”. Đó là tôn chỉ cho mọi việc mà tôi làm tại RMIT: đồng hành với đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, cán bộ nhà trường để cùng làm những gì tốt nhất cho sinh viên.

Công việc cụ thể của tôi là phụ trách chiến lược, các quan hệ đối tác, quan hệ với các cơ quan nhà nước các cấp từ Trung ương đến Thành phố, Quận, Phường… nhằm hỗ trợ cho hoạt động của RMIT ở Việt nam luôn tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, gỡ những nút thắt, và mở những cơ hội hợp tác phát triển cho RMIT trong tương lai ở Việt Nam. Và điều đó đóng góp cho một RMIT mạnh hơn, xứng tầm hơn trong vai trò là Đại học quốc tế ở Việt Nam và khu vực, và để các bạn sinh viên được trưởng thành trong một môi trường tốt hơn, được tiếp cận với những kiến thức rộng mở, hiện đại và cập nhật nhất với đẳng cấp quốc tế và để các bạn tự hào là sinh viên RMIT. 

3. 3 từ để mô tả RMIT?

Năng động, giàu cảm xúc, nhiều năng lượng

4. Trải nghiệm khác biệt lớn nhất khi làm việc tại RMIT so với những chỗ chị đã từng làm việc là gì?

Công việc tại RMIT rất thú vị, luôn gặp những thách thức, đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm, và sự phối hợp giữa các nhóm, và đôi khi rất vất vả, nhưng được bù đắp lại bởi những kết quả gặt hái được, là niềm vui của đồng nghiệp và hạnh phúc của sinh viên. Làm việc tại RMIT tôi luôn học được những điều mới mẻ, kể cả sau 25 năm làm việc, học từ đồng nghiệp, học từ bạn bè, và học từ sinh viên (đôi khi là “học lỏm” từ câu chuyện của các bạn SV), luôn được cập nhật những kiến thức và tri thức mới. Và quan trọng nhất, môi trường RMIT là nơi mọi người rất tôn trọng nhau.

5. Kỉ niệm đáng nhớ nhất từ khi làm việc ở RMIT?

Kỷ niệm đáng nhớ nhất ở RMIT có lẽ là việc tổ chức 2 chuyến bay đưa sinh viên và giảng viên RMIT từ Úc về Việt nam trong năm 2020.

Khi dịch covid 19 xảy ra, việc đóng cửa biên giới của các quốc gia đã làm cho việc đi lại trở nên không thể. RMIT là đại học quốc tế, phải có giảng viên quốc tế, sinh viên quốc tế, và có hàng trăm sinh viên VN tham gia chương trình học trao đổi tại RMIT Melbourne và các nơi đã không thể trở về Việt Nam theo dự kiến. Tiền không dư giả, học đã xong, bị giãn cách xã hội, “nhốt” mình trong 4 bức tường ở nơi không người thân… đó là sự lo lắng trăn trở của hàng trăm bạn sinh viên và tương ứng là hàng nghìn bố mẹ, người thân của các bạn.

Ban đầu, tôi chỉ có thể hỗ trợ được một vài trường hợp được về trên các chuyến bay giải cứu công dân của chính phủ. Tuy nhiên, cách này không bền và không thể đưa giảng viên và sinh viên quốc tế sang Việt Nam. Mọi việc tưởng như không thể. Nhiều đêm tôi không ngủ vì nghe điện thoại của các bạn sinh viên và gia đình nhờ can thiệp, có những mẹ đã khóc vì bế tắc, trường sẽ phải điều chỉnh lịch học nếu giảng viên không sang được.

Tôi quyết định “mang” sự dằn vặt lên hỏi Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và được các anh chị tại Văn phòng chính phủ gợi ý RMIT nên trình Thủ tướng cho tổ chức chuyến bay đưa giảng viên và sinh viên từ Úc về Việt Nam nhưng phải tuân thủ mọi quy định cách ly và phòng chống dịch. Tôi đã thành lập ngay nhóm công tác, và thật may mắn, tôi đã có một nhóm công tác mơ ước với các nhân viên của RMIT, những người đã hỗ trợ tôi rất nhiều để có thể đi đến giải pháp cụ thể để giúp các chuyến bay giải cứu thành hình.

Tôi đã gõ cửa cả chục cơ quan để hỏi quy trình, thủ tục, cách thức tổ chức chuyến bay. Nhờ mối quan hệ đối tác sẵn có của RMIT với Bamboo Airlines và Vietnam Airlines, chúng tôi nhanh chóng xin được lịch bay và bàn với hãng, sau đó là thủ tục cách ly với ngành y tế, tổ chức xét nghiệm, rồi Bộ Công An về thủ tục xuất nhập cảnh, khách sạn và UBND tỉnh phê duyệt nơi cách ly…

Nhóm công tác của chúng tôi đã “sản xuất” hàng chục văn bản xin ý kiến cùng rất nhiều nỗ lực và cuối cùng, ngày 6/9, chuyến giải cứu RMIT đầu tiên đã cất cánh. Khoảnh khắc máy bay đáp sân bay Vân đồn là lúc chị em chúng tôi nước mắt tuôn trào, bởi đó là hơn 200 con người (chuyên gia và sinh viên) hạ cánh an toàn, là hơn 200 con người và gia đình của họ vui mừng.. và niềm vui nhân lên khi 2 ngày sau 100% XN âm tính với covid 19.

Kinh nghiệm tổ chức chuyến bay của RMIT được Chính phủ nêu ra trong rất nhiều cuộc họp và đã là mô hình tổ chức nhiều chuyến bay giải cứu sau này của Việt Nam. Sau khi tổ chức thành công chuyến bay thứ 2 vào đầu tháng 12/2020, RMIT có thương hiệu mới và nhóm công tác của chị em chúng tôi thường xuyên nhận được điện thoại hỏi “khi nào RMIT lại có chuyến tiếp chị ơi?”. Nhiều đêm vất vả, cái được là niềm vui của các bạn sinh viên, của giảng viên, là RMIT hoạt động suôn sẻ suốt năm covid 2020, và là một minh chứng cho việc chúng tôi sẽ làm tất cả vì sinh viên RMIT.

6. Điều chị thích nhất ở RMIT?

Trẻ, năng động, không bảo thủ và rất biết tạo niềm vui cho chính mình, cho đồng nghiệp, và chúng tôi rất quan tâm đến nhau. Tại RMIT, tôi nghĩ ai cũng có không gian để phát triển, và quan trọng nhất là môi trường để học hỏi, và hoàn thiện bản thân mình.

7. Chị làm gì để làm tốt hơn công việc của mình mỗi ngày?

Cố gắng thôi, cố có nhiều sức khỏe, kiến thức và kinh nghiệm để giải quyết được nhiều hơn công việc cho RMIT phát triển hơn, và mong có nhiều thời gian để chia sẻ với đồng nghiệp, sinh viên những kinh nghiệm và bài học của mình.

8. Nếu có một lời muốn chia sẻ với các phụ huynh, chị sẽ nói gì?

RMIT là một môi trường rất tốt cho các bạn trẻ thực sự muốn học và trưởng thành và muốn trở thành người có giá trị và chỗ đứng trong xã hội chứ không phải chỉ là chỗ bố mẹ gửi con để có một tấm bằng đại học.

CÁM ƠN CHỊ VÌ CUỘC TRÒ CHUYỆN NÀY VÀ CHÚC CHỊ NHIỀU SỨC KHOẺ!

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.