Nhiều ý kiến cho rằng sinh viên RMIT sau khi ra trường không cần đối mặt với nỗi lo kiếm việc vì có thể quay về làm cho gia đình, nhưng chuyện nối nghiệp và phát triển doanh nghiệp gia đình chưa bao giờ dễ dàng. Hôm nay, hãy cùng RMIT & Cha Mẹ gặp gỡ cặp đôi cựu sinh viên Minh Quân và Lan Hương và hành trình đưa doanh nghiệp gia đình sang một chương mới.
Quen nhau từ thời còn là còn là sinh viên đại học, Lê Minh Quân (Cử nhân Thương mại, niên khoá 2014–2017) và Vương Lan Hương (Cử nhân Marketing, niên khoá 2014–2017) hiện đã kết hôn và xây dựng một gia đình nhỏ đáng yêu.
Cả hai hiện đang đồng quản lý thương hiệu đồ da WT Leather – doanh nghiệp gia đình với thâm niên 20 năm trong ngành. Dưới sự tiếp quản và dẫn dắt của Quân và Hương, tình hình kinh doanh khu vực miền Trung và miền Nam của WT Leather ngày một phát triển và được ưa chuộng bởi phân khúc người tiêu dùng trẻ.
Trong bài phỏng vấn này, Quân và Hương sẽ chia sẻ về hành trình chuyển tiếp quản và chuyển đổi công ty gia đình, cũng như những trải nghiệm vui ở RMIT thời còn là sinh viên.
Nhiều người “gắn mác” sinh viên RMIT là “sinh ra ở vạch đích”, tốt nghiệp xong là “có bố mẹ lo”. Là những người lèo lái công ty gia đình, Quân và Hương nghĩ sao về điều này?
“Quân và Hương may mắn có cơ hội được duy trì và tiếp quản công ty gia đình, nhưng đây cũng là một thử thách.”
Khó khăn lớn nhất bắt nguồn từ khoảng cách thế hệ. Thế hệ bố mẹ Hương đã kinh doanh rất thành công theo mô hình phân phối sản phẩm thông qua các kênh cửa hàng truyền thống tại các trung tâm thương mại lớn trong nước (hơn 30 cửa hàng trên cả nước), do đó cả hai vợ chồng cũng gặp nhiều khó khăn để thuyết phục bố mẹ thay đổi và ứng dụng những cái mới trong kinh doanh.
Cái khó tiếp theo là làm sao để chuyển đổi mô hình kinh doanh mà vẫn duy trì được những điểm mạnh của mô hình kinh doanh cũ. Trước đây, WT Leather tập trung nhiều vào thị trường miền Bắc, nên chưa có sự chỉn chu và sát sao trong công tác quản lý thị trường phía Nam. Năm 2017, Hương quyết tâm thay đổi diện mạo và cải cách quản lý cho hệ thống cửa hàng phía nam. Sau chiến dịch F5, doanh số miền Nam tăng trưởng gấp đôi.
Sau đó, Quân và Hương phát hiện ra mình chưa khai thác hết phân khúc khách hàng trẻ tuổi – nhóm khách hàng có xu hướng chi tiêu mạnh cho các sản phẩm thời trang trung đến cao cấp. Người trẻ sẵn sàng chi tiền để mua sản phẩm đồ da cho bản thân mình, và làm quà tặng cho bố mẹ. Quân và Hương bắt đầu từ những bước nhỏ trước, và từ những thành công nhỏ (small wins) sau mỗi chiến dịch, cả hai đã thuyết phục bố mẹ tin tưởng để giao cho mình nắm một mảng lớn hơn.
Sau giai đoạn thành công 2017-2018 là giai đoạn khủng hoảng kinh tế do đại dịch 2019-2021. Khi đứng đầu doanh nghiệp, mình còn phải chịu đựng và lèo lái công ty qua những giai đoạn khó khăn. Quân và Hương phải đưa ra những quyết định khó khăn là đóng cửa một vài cửa hàng ở TP.HCM để giảm thiểu chi phí cho công ty. Tuy vậy, đây cũng là giai đoạn thử thách đầy cơ hội giúp thúc đẩy WT Leather đến với tệp khách hàng trẻ 24–30 qua kênh mạng xã hội, website và sàn thương mại điện tử. Đến nay, WT Leather đã dần tạo được vị thế riêng trong phân khúc người tiêu dùng U30 bằng chiến lược marketing hiệu quả. Khác với trước đây khi nguồn doanh thu phụ thuộc lớn vào kênh cửa hàng, thì sàn thương mại điện tử giờ đây đóng góp không hề nhỏ cho doanh thu hằng tháng của WT.
Những kiến thức được học tại RMIT có giúp ích cho hai bạn trong công tác quản lý hay không?
Có 2 bài học mà Quân và Hương cảm thấy giúp ích rất nhiều cho việc kinh doanh chính là
- Bài học Marketing: Quân và Hương có hơi thiệt thòi so với thế hệ sau này vì chúng mình là lứa cuối cùng của RMIT học Cử nhân Marketing. Sau đó, RMIT thay chương trình cũ bằng Digital Marketing. Tuy nhiên, khi làm thực tế thì bọn mình thấy rằng Digital Marketing cũng được xây dựng trên nền tảng và các nguyên lý Marketing truyền thống. Nền tảng kiến thức Marketing vững chắc ở trường đã giúp chúng mình dễ dàng cập nhật và ứng dụng Digital Marketing trong kinh doanh. Khái niệm cơ bản về Marketing giúp cả hai rất nhiều về thấu hiểu thị trường cũng như khách hàng của mình, từ đó đưa ra sản phẩm cùng những chiến dịch quảng bá, truyền thông phù hợp.
- Bài học quản lý: Hơn nữa, vì Hương theo học chuyên ngành phụ là Quản lý, nên cũng được tiếp cận với những khái niệm và hành vi của tổ chức để từ vận hành trong công ty dễ dàng hơn.
Đi làm cho gia đình và làm cho doanh nghiệp bên ngoài có gì khác biệt hay không?
Lan Hương cho hay – “Đúng là khi có công ty gia đình, Hương không phải trải qua những bước đầu khó khăn khi đi xin việc. Tuy nhiên, cái khó của người lãnh đạo công ty là trách nhiệm với sự sống còn của công ty và đội ngũ nhân viên, do đó mình cần phải chuyên tâm với công việc. Có những ngày Hương làm việc từ 7h sáng đến 1-2h đêm là chuyện bình thường.”
Minh Quân chia sẻ – “Riêng Quân là người có kinh nghiệm đi làm cho doanh nghiệp bên ngoài rồi thì Quân cảm thấy sự khác biệt lớn nhất chính là sự sẵn sàng cống hiến. Khi mình làm cho công ty gia đình, thời gian và công sức mình bỏ ra là không bao giờ có giới hạn và điều kiện.”
Quân và Hương có lời khuyên gì cho các bạn trẻ có dự định theo đuổi và tiếp quản công ty gia đình hay không?
Một lời khuyên mà Quân và Hương muốn dành cho các bạn trẻ đang làm việc cho công ty gia đình chính là: Nếu ngay từ đầu mình muốn chuyển đổi thật nhanh thì sẽ rất khó có được sự chấp nhận của bố mẹ, là những người lớn với tuổi đời và tuổi nghề nhiều hơn mình. Mình nên bắt đầu từng bước nhỏ và thuyết phục gia đình bằng những cải thiện tích cực để xây dựng sự tin tưởng, để bố mẹ giao mình những trọng trách lớn hơn.