[Gương mặt RMIT] Bùi Xuân Thư – hành trình từ một cô gái “low tech” trở thành chủ nhân học bổng toàn phần ngành Kinh doanh Kỹ thuật số
Home /Humans of RMIT, Tìm hiểu RMIT/[Gương mặt RMIT] Bùi Xuân Thư – hành trình từ một cô gái “low tech” trở thành chủ nhân học bổng toàn phần ngành Kinh doanh Kỹ thuật số
Với mong muốn giúp các bạn học sinh có thể tiếp cận được những thông tin chính xác và quý giá để cải thiện hồ sơ ứng tuyển học bổng, Bùi Xuân Thư, chủ nhân Học bổng Toàn phần RMIT, đã cùng nhóm các bạn của mình cùng nhau chắp bút nên “Cẩm nang chinh phục Học bổng” của các trường Đại học Quốc tế tại Việt Nam, trong đó có RMIT. Cô gái trẻ này cảm thấy rất tự hào khi bản thân có thể đóng góp một phần nhỏ bé giúp tiếp thêm ngọn lửa chinh phục Học bổng tới các bạn học sinh đang quan tâm.
Đồng tác giả của Scholarship Guidebook (Cẩm nang chinh phục Học bổng)
Em chọn ngành học bây giờ như thế nào? Ba mẹ có ảnh hưởng đến quyết định của em không?
Em chọn ngành vì 2 lý do chính ạ. Đầu tiên thì từ cấp 3 tới giờ, em hay bị bạn bè chọc là “low tech girl’’ nên lên Đại học tuy là em đã xác định là em muốn học Business nhưng em vẫn muốn có một ít kiến thức về “digital’’ (kỹ thuật số) để không bị lạc hậu nữa ạ. Lý do thứ hai là khi đọc chương trình giảng dạy của ngành thì em bất giác thốt lên “Ồ! Nghe thú vị quá ta’’. Nên sau một khoảng thời gian cân nhắc, em quyết định đăng ký ngành chính là Kinh doanh Kỹ thuật số và ngành phụ là Quản lý Chuỗi cung ứng Logistics ạ.
Thật ra lúc em chọn ngành thì em chỉ thảo luận với mẹ thôi. Còn ba em thì tới tận ngày em nhận được học bổng ba em mới biết em nộp RMIT, như một bất ngờ ạ. Tuy chỉ thích em theo học làm bác sĩ thôi nhưng vì thấy em “bướng” quá nên ba mẹ em cuối cùng cũng “đầu hàng” ạ . Tuy cả nhà không cùng suy nghĩ trong chuyện chọn ngành nghề, nhưng từ những ngày đầu em chuẩn bị hồ sơ, thi SAT, thi IELTS, ba mẹ em luôn luôn ủng hộ em hết mình ạ.
❓ Em có thể chia sẻ câu chuyện đằng sau dự án Scholarship guidebook (Cẩm nang chinh phục Học bổng) được không?
Cẩm nang chinh phục Học bổnglà mộtdự án phi lợi nhuận do 12 bạn đã có kinh nghiệm nộp học bổng các trường quốc tế tại Việt Nam cùng viết. Em biết đến dự án thông qua bạn em là người sáng lập của dự án. Tụi em đã cùng nhau lên bản thảo và chỉnh sửa cuốn cẩm nang này trong vòng 2 tháng trước khi chính thức công bố trên các nền tảng mạng xã hội và trong các hội nhóm săn học bổng. Đây là một cuốn cẩm nang hoàn toàn miễn phí.
Mục tiêu của tụi em khi làm cẩm nang này thật ra chỉ đơn giản là cố gắng tạo ra một nguồn thông tin tham khảo đáng tin cậy cho các bạn học sinh cấp 3 có nguyện vọng chinh phục học bổng từ 4 trường quốc tế lớn ở Việt Nam bao gồm RMIT, VinUni, BUV, Fulbright. Mong muốn duy nhất của đội ngũ tác giả chính là có thể chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các bạn học sinh đang vật lộn với quá trình nộp đơn nhưng không có điều kiện đến các trung tâm tư vấn.
Riêng đối với cẩm nang dành cho học bổng RMIT, em hy vọng rằng có thể làm rõ các hiểu lầm mà mọi người thường có đối với Học bổng Toàn phần RMIT như “không đạt GPA 9.8, 9.9 thì làm gì có cơ hội’’. Bởi em tin rằng cơ hội luôn dành cho tất cả những ai phấn đấu và em thật sự hy vọng cẩm nang về Học bổng Toàn phần RMIT có thể tiếp thêm lửa cho những bạn nào đang quan tâm.
❓ Có khó khăn nào mà em cùng nhóm đã gặp phải trong quá trình làm guidebook không?
Các nội dung trong cẩm nang được tổng hợp từ nhiều nguồn. Tuy nhiên phần lớn vẫn dựa trên trải nghiệm cá nhân của nhóm trong quá trình làm hồ sơ và quá trình ứng tuyển học bổng. Vậy nên, khó khăn lớn nhất đó chính là đảm bảo rằng nội dung mà tụi em soạn ra có cơ sở lập luận tương đối chắc chắn chứ không chỉ đơn giản là những phỏng đoán chủ quan thiếu cơ sở.
❓ Cảm xúc của em khi guidebook được rất nhiều bạn học sinh đón nhật và ủng hộ?
Em cảm thấy rất nhẹ nhõm và tự hào ạ. Vì đây là thành quả sau cùng của cả một đội ngũ tác giả trong suốt 2 tháng, em không ngờ là chúng em có thể phối hợp ăn ý và hiệu quả được như thế. Có thể nói tinh thần đồng đội lần này thắng lợi mỹ mãn ạ.
❓ Em có dự định trong tương lai sẽ phát triển thêm cẩm nang nào không?
Tạm thời thì nhóm chúng em muốn tập trung quảng bá cho cẩm nang này đến được càng nhiều độc giả càng tốt như là một nguồn tham khảo đáng tin cậy giúp cải thiện hồ sơ ứng tuyển và tiếp thêm động lực cho các bạn. Trong tương lai em nghĩ mình muốn dành nhiều thời gian cho các dự án cá nhân khác liên quan đến ngành học hơn ạ.
❓ “Đặc sản” của RMIT là các dịch vụ hỗ trợ sinh viên. Em đánh giá như thế nào về các dịch vụ hỗ trợ của RMIT?
Em đã sử dụng qua SAS (Trung tâm Hỗ trợ Học thuật), Thư viện và em cảm thấy các dịch vụ hỗ trợ học tập thật sự rất có ích cho các tân sinh viên như em ạ. Các anh chị tư vấn đều rất tốt bụng và nhiệt tình. Em học được rất nhiều kĩ năng mới và quý giá từ các anh chị ở thư viện và ở SAS ạ.
❓ Nếu so sánh chính mình của bây giờ khi là sinh viên RMIT so với hồi học cấp 3, em thấy bản thân thay đổi như thế nào?
Em nghĩ là môi trường học tập ở RMIT có tính thực tiễn rất cao ạ. Khác với hồi cấp 3, chúng em chỉ cần học thuộc lòng thì có thể được điểm cao thì RMIT đòi hỏi mỗi sinh viên phải hiểu kĩ tính ứng dụng của kiến thức thì mới có thể làm tốt các bài kiểm tra cũng như bài tập. Em nghĩ so với hồi cấp 3 thì em đã học cách chủ động tiếp cận với các kiến thức trên lớp thay vì chỉ thụ động tiếp thu ạ.
👉 Đọc thêm về dự án xây dựng môi trường bền vững của Như tại đây