GIÚP CON TỰ CHỦ TRƯỚC MUÔN VÀN YẾU TỐ GÂY PHÂN TÂM

Không phải ai cũng thích dậy sớm, nhưng con vẫn luôn phải khống chế thời gian nghỉ ngơi và làm việc của mình nếu muốn tham gia đầy đủ các lớp học.

Không phải ai cũng thích làm bài tập về nhà, nhưng con vẫn luôn phải tìm cách sắp xếp để hoàn thành chúng nếu muốn tiến bộ hơn.

Xã hội hiện đại khiến cuộc sống trở nên tiện lợi hơn nhưng cũng đồng thời phân tán sức lực của các con vào quá nhiều mối bận tâm khác nhau. Thế nhưng, để trở thành một cá nhân thành công và chinh phục được nhiều cột mốc hơn những người khác, con bắt buộc phải kiểm soát tốt bản thân ngay cả khi đứng giữa rất nhiều yếu tố gây phân tâm.

Thông qua bài viết ngày hôm nay, RMIT xin được gửi tới quý phụ huynh một số phương pháp hữu ích, giúp cha mẹ hướng dẫn con trở thành một người tự chủ hơn trong cuộc sống hàng ngày.

✅ Đặt con vào tình huống tự hào hoặc xấu hổ

Tự kiểm soát về cơ bản là lý trí chiến thắng cảm tính. Đối với những tình huống khác nhau, cha mẹ hãy tìm cách đưa con vào trạng thái cảm xúc xấu hổ hoặc tự hào, bởi 2 loại cảm xúc này có khả năng thôi thúc con đưa ra lựa chọn một cách đúng đắn hơn.

Ví dụ như để cải thiện tình trạng học sinh đi muộn, trường học sẽ có hình thức cảnh cáo công khai như nêu tên trước lớp. Điều này sẽ kích thích cảm giác xấu hổ và buộc con phải dậy sớm hơn để đi học đúng giờ. Ngược lại, nếu con đạt điểm tốt hoặc chủ động làm việc nhà, cha mẹ không những khen ngợi ở nhà mà còn có thể khen với cả những người khác. Từ đó, trong lòng con sẽ nảy sinh cảm giác tự hào và dần dần coi những hoạt động đó là trách nhiệm.

Việc đặt con vào các tình huống như vậy sẽ thúc đẩy con tự giác thay đổi để hành động đúng đắn hơn, từ đó cảm nhận được sự tự chủ từ sâu bên trong. Điều quan trọng khi thực hành phương pháp này là giữa cha mẹ và con phải duy trì được sự kết nối và tin tưởng mạnh mẽ, thì những tác động của cha mẹ mới mang lại hiệu quả tích cực.

✅ Thay đổi những “thói quen lười biếng”

Khi còn trẻ, chẳng mấy ai để tâm đến những hành vi nhỏ như tư thế hay dáng người. Nhiều bạn trẻ thường có thói quen đứng không ngay ngắn, ngồi gù lưng, hoặc nằm ườn ra. Đó không hẳn là biểu hiện của sự lười biếng, nhưng lại có khả năng thúc đẩy thái độ lười biếng.

Nếu liên tục duy trì các tư thế sai, cơ thể của con sẽ sớm trở nên trì trệ và đau mỏi. Nếu không sắp xếp tài liệu hay trang phục ngay ngắn, gọn gàng, con sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm ra thứ mình cần. Đây chính là những “thói quen lười biếng” nho nhỏ, chúng sẽ gây ra những tình huống không mong muốn, làm hao mòn ý chí, thời gian, và cả sức khỏe thể chất của con.

Có thể con sẽ nghĩ việc luyện tập để loại bỏ các thói quen lười biếng là không cần thiết, bởi chúng tiêu tốn thời gian. Và rằng ngay cả khi không sửa đổi thì con vẫn có thể làm việc hiệu quả như thường. Thế nhưng xét về lâu dài, con sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề hơn, sức khỏe và sự nhanh nhạy của con cũng sẽ không thể mãi mãi được như lúc trẻ. Khi đó, sự ngăn nắp và nghiêm chỉnh sẽ có tác dụng như một chất xúc tác giúp kích hoạt khả năng tự kiểm soát.

👉 Đọc thêm: Muốn con thành công trong cuộc sống? Hãy dạy con làm việc nhà!

✅ Thường xuyên rèn giũa tính cách của bản thân

Những trạng thái như hưng phấn, tức giận, xúc động, v.v… đều có ảnh hưởng không tốt đến việc kiểm soát bản thân, bất luận đó là cảm xúc tích cực hay tiêu cực. Chúng đều có thể khiến con mất không chế hành vi và lời nói, khiến con không thể chuyên tâm làm việc, thậm chí là mất ăn mất ngủ. Sự kích động còn có thể dẫn đến các quyết định cảm tính, thiếu tỉnh táo, thô lỗ và thiếu thực tế.

Là một con người, việc có những cảm xúc là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu để cảm xúc chi phối hành vi thì cũng đồng nghĩa với việc đánh mất khả năng tự chủ bản thân. Con sẽ chẳng thể nào bảo ban bản thân ngừng chơi game và quay lại học bài, hoặc sẽ cảm thấy rất khó khăn để tự giác nghiêm túc tuân thủ những giới hạn do chính bản thân đặt ra như ăn ngủ đúng giờ.

Tính cách là thứ hoàn toàn có thể được uốn nắn và rèn luyện bởi chính bản thân mỗi người. Và giá trị của việc tự rèn giũa tính cách chính là khiến cơ thể quen với việc hành động theo ý chí, chứ không phải theo cảm xúc. Cụ thể, trước khi làm bất cứ điều gì, con cần ép bản thân trở lại trạng thái bình tĩnh và nhanh chóng nghĩ đến nguyên nhân và hậu quả của sự việc. Từ đó lựa chọn thời điểm, cách ăn nói cũng như cách ứng xử thích hợp để bày tỏ bản thân một cách chính xác nhất.

Bên cạnh những phương án mà RMIT đã giới thiệu ở trên, còn rất nhiều cách thức đơn giản khác để tăng khả năng tự chủ. Ví dụ như “đánh lừa” bản thân bằng những mục tiêu ngắn hạn, hay cải thiện tình trạng sức khỏe của cơ thể. Tất cả những điều đó đều góp phần cung cấp “nhiên liệu” cho ý chí, từ đó giúp con trở thành một cá nhân tự chủ và có đủ khả năng chinh phục những điều con mong muốn trong cuộc đời!


👉 Đọc thêm các bài viết hay về Nuôi dạy conHướng nghiệp

Dạy con nỗ lực trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình

4 sở thích cá nhân tưởng không hữu ích mà “hữu ích không tưởng” cho học tập và làm việc của con

👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các bậc cha mẹ khác.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.