năng lực tự phục hồi

Một năm qua đầy biến động đã tác động rất lớn đến đời sống của mọi gia đình: từ các thói quen như ăn uống, chăm sóc sức khỏe, cho đến các nhu cầu xã hội, học tập, việc làm, v.v…. đều có sự thay đổi. Những bất ổn là chuyện không mong muốn, và bất cứ ai trong số chúng ta cũng đều xứng đáng có được sự bình yên trong tâm trí để cống hiến và yêu thương nhiều hơn. Vậy phải làm như thế nào để vẫn bình thản và kiên cường khi cuộc sống thì cứ tiếp diễn và chúng ta phải liên tục thích nghi với những tác động từ bên ngoài?

RESILIENCE – Năng lực tự phục hồi

Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, “Resilience” có thể được hiểu là khả năng thích nghi tốt trước những nghịch cảnh, tổn thương, biến cố, các thách thức hay những nguồn cơn gây căng thẳng khác như vấn đề về gia đình và các mối quan hệ, vấn đề sức khỏe, hoặc các vấn đề về tài chính và công việc, v.v…

Xuyên suốt quá trình xây dựng gia đình và trở thành một người trưởng thành, chín chắn và dày dạn kinh nghiệm sống như ngày hôm nay, chắc hẳn bố mẹ đã ít nhất một lần trải qua biến cố trong cuộc sống. Đặc biệt là khi thế hệ của bố mẹ không được nuôi dưỡng trong một môi trường có đầy đủ điều kiện về mặt vật chất như ngày nay. Thế nhưng bố mẹ có để ý rằng sau mỗi lần vấp ngã, dù có tổn thương và đau buồn đến đâu thì rồi sẽ có một ngày chúng ta không còn rơi nước mắt vì điều đó nữa, mà chỉ nhớ về nó như một kỷ niệm khó quên trong đời.

“Resilience” hay “năng lực tự phục hồi” chính là từ khóa miêu tả hành trình đó. Mỗi người chúng ta đều sở hữu khả năng hồi phục sau khi gặp phải điều xấu hoặc tồi tệ nào đó xảy ra trong cuộc sống. Trong bối cảnh thế giới có nhiều sự biến chuyển như hiện nay thì đây được đánh giá là một kỹ năng quan trọng, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Bố mẹ hãy cùng khám phá một số cách hiệu quả giúp con nuôi dưỡng và phát triển kỹ năng này!

Đừng ngại con tổn thương

Không ai trong số chúng ta có thể né tránh những sự cố không mong muốn cả đời. Chúng có thể chỉ là những chuyện nhỏ nhặt trong đời sống hoặc thậm chí là cả những biến cố lớn trong cuộc đời như mất đi người thân, gặp tai nạn nghiêm trọng hay bỏ lỡ một cơ hội lớn, v.v…

Luôn muốn điều tốt nhất cho con, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng để con được độc lập và tự chủ. Bố mẹ thường không muốn con phải trải qua những tổn thương và mất mát mình đã từng chịu đựng, và vì thế, hay có xu hướng bao bọc con. Thế nhưng, bố mẹ à, đừng quên mất rằng việc trải nghiệm những tổn thương lại chính là một trong những điều kiện cần để con phát triển sự kiên định và khả năng bền chí. Có nhận thức được những tổn thương, con mới có thể trở thành một con người dũng cảm, vững vàng trước mọi sóng gió.

Hãy để con tự đối mặt

Bố mẹ hãy hiểu rằng bất cứ ai sở hữu một khả năng phục hồi tốt đều phải tự mình trải qua hành trình trau dồi và luyện tập, trong đó có con. Nếu có thể, bố mẹ hãy để con tự đối mặt và giải quyết những vấn đề của chính con. Đừng vội vàng đưa ra giải pháp ngay, nếu muốn giúp đỡ con thì hãy cho con chiếc chìa khóa chứ không phải mở sẵn cánh cửa. Trong trường hợp bắt buộc phải cho con những lời khuyên, thì hãy đặt ra những câu hỏi thay vì cho con sẵn câu trả lời, bởi trong những vấn đề cá nhân thì không ai có thể đưa ra lời giải hoàn hảo và phù hợp hơn ngoài chính bản thân mình.

Sau nhiều lần được bố mẹ dẫn dắt và đồng hành như vậy, con sẽ học được cách tự đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời cho chính mình trước mọi vấn đề con gặp phải. Con cũng sẽ hiểu được rằng nếu không tự mình giải quyết, vấn đề sẽ không biến mất, ai cũng cần sự bền bỉ để vượt qua trở ngại trong cuộc sống.

Đồng hành cùng con đúng cách

Một điều bố mẹ rất hay lầm tưởng chính là nếu con nhạy cảm và dễ bị tổn thương có nghĩa là con không giỏi trong việc tự phục hồi. Thực tế, sở hữu khả năng tự phục hồi tốt không đồng nghĩa với việc con sẽ “miễn nhiễm” với cảm giác tổn thương.

Đối diện với con cái, việc quan trọng nhất mà bố mẹ cần làm chính là duy trì một tâm trí cởi mở và sẵn sàng đón nhận những điều mới. Từ đó, bố mẹ mới có thể hiểu được cảm xúc của con, cho dù bản thân cảm thấy vấn đề đó lớn hay nhỏ.

Tiếp đó, hãy tin rằng con mạnh mẽ nhất khi hiểu rõ chính mình, con cần biết bản thân là người như thế nào, có điểm mạnh và điểm yếu gì, có thuộc tuýp dễ phục hồi sau tổn thương hay không, v.v… Nếu con cảm thấy khó khăn trong việc tự định nghĩa bản thân, hãy giúp con làm điều đó, hãy cho con biết những điểm mạnh của con, những điều con làm tốt và chưa tốt. Và cho dù con lựa chọn giải pháp nào đi chăng nữa, thì bố mẹ cũng hãy tôn trọng quyết định của con.

Hiểu đúng về “năng lực tự phục hồi” là một giải pháp giúp bảo vệ sức khỏe tinh thần cho con và cho cả gia đình trong thời điểm này. Sự phát triển của năng lực tự phục hồi vừa phụ thuộc vào bên trong mỗi người, nhưng cũng vừa có thể chịu ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Khó khăn có thể ập đến bất cứ lúc nào, hãy tạo cho con thói quen sẻ chia cùng bố mẹ để con biết rằng gia đình luôn ở đây, và tất cả chúng ta luôn sẵn sàng đồng hành cùng nhau vượt qua mọi trở ngại.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.