Giới thiệu sách: Trauma-proofing your kids: a parents' guide for instilling confidence, joy and resilience (bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý)

Trong những năm gần đây, cụm từ “đứa trẻ bên trong” được quan tâm nhiều khi nói về sức khỏe tinh thần, chữa lành những tổn thương thời thơ ấu bởi với nhiều người, những tổn thương này khiến chúng ta “mắc kẹt” trên hành trình trưởng thành.

Có lẽ vì thế, khi trở thành cha mẹ, chúng ta luôn đau đáu làm sao để những đứa con của mình không phải lớn lên bởi những tổn thương như mình đã từng gặp phải và có một tuổi thơ lành mạnh.

Hiểu những trăn trở ấy, cuốn sách Trauma-Proofing Your Kids: A Parents’ Guide for Instilling Confidence, Joy and Resilience (tên tiếng Việt: “Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý”) được hai tác giả tiến sỹ Tâm lý học Peter A.Levine và Maggie Kline – chuyên gia tâm lý học đường, chuyên gia trị liệu hôn nhân gia đình và trẻ em dành hết tâm sức chia sẻ lại những kiến thức và hiểu biết của mình về công cụ phục hồi sang chấn tâm lý.

Cuốn sách được tiến sỹ tâm lý giáo dục Lê Nguyên Phương hiệu đính và giới thiệu là cuốn sách “gối đầu giường” cho các chuyên gia tâm lý, nhà chuyên môn về chấn thương cũng như cho giáo viên, phụ huynh… bởi những lý do sau:

✔️Chỉ rõ nguồn gốc của chấn thương tâm lý: chấn thương tâm lý có thể là những biến cố nghiêm trọng như bạo hành, xâm hại hoặc do tai nạn, mất mát người thân, nhưng nó cũng có thể đến từ các sự kiện đời thường trong cuộc sống như cha mẹ ly hôn, bị ngã, khám chữa bệnh hoặc những điều không như ý của trẻ… Hiểu được nguyên nhân này giúp phụ huynh nhận diện được các vấn đề về sức khỏe tâm lý và tinh thần của con để can thiệp, hỗ trợ con kịp thời không để lại những hậu quả lâu dài.

✔️Cung cấp các kỹ thuật phục hồi chấn thương ở trẻ: Chấn thương tâm lý là một phần tất yếu trong cuộc sống nhưng điều đáng mừng là chúng ta luôn có khả năng hồi phục tinh thần. Khi xảy ra những bất trắc, chúng ta có một năng lực kỳ diệu (khi được hỗ trợ) để có thể dễ dàng vượt qua những cảm giác đau đớn ấy. Hiểu cơ chế của sang chấn giúp cha mẹ có thể biết cách “sơ cứu” bằng những kỹ thuật đơn giản cho con hoặc biết cách để tìm kiếm chính xác sự giúp đỡ từ những chuyên gia trong ngành. 3. Xây dựng sự gắn kết trong mối quan hệ của cha mẹ và con cái:

Bằng cách học những công cụ để “Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” trước tiên cha mẹ cũng sẽ học được cách chữa lành những tổn thương thời thơ ấu của chính mình, từ đó, biết cách rèn luyện kỹ năng quan sát, hòa hợp với nhu cầu và nhịp điệu của con để thấu cảm và nuôi dưỡng những đứa trẻ tự tin, hạnh phúc và giàu lòng trắc ẩn.

Đây là một cuốn sách về tâm lý học, mặc dù được viết với ngôn từ mộc mạc và có tính ứng dụng cao nhưng nó không phải là một cuốn tiểu thuyết. Bởi vậy cần ở bạn sự kỷ luật và nghiêm túc để áp dụng những điều từ sách vào thực tế của mình.

“Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” giúp chúng ta hiểu rằng ta không thể lựa chọn hoàn cảnh thời thơ ấu của mình nhưng chúng ta có thể học cách tạo ra những mối quan hệ gắn bó và một ngôi nhà an toàn cho mình và những đứa trẻ của mình như lời của hai tác giả: “Chưa bao giờ là quá trễ để có một tuổi thơ hạnh phúc, cho dù bạn bao nhiêu tuổi đi chăng nữa.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.