Khi đã chọn môi trường quốc tế cho con, cha mẹ chắc chắn mong con nhận được môi trường học tập chất lượng tốt nhất từ những giáo viên giỏi nhất. Các giáo viên giỏi giảng dạy tại môi trường quốc tế có thể đến từ nhiều quốc tịch khác nhau, có bằng cấp quốc tế từ các tổ chức hàng đầu, học vị cao, trải qua quy trình tuyển chọn gắt gao từ trường.
Tuy nhiên, có một ‘hiểu nhầm’ và ‘so sánh’ chúng tôi vẫn bắt gặp trong cộng đồng cha mẹ về giáo viên nước ngoài và giáo viên Việt Nam, giáo viên nói tiếng Anh mẹ đẻ và giáo viên các nước khác. Nhiều cha mẹ lo lắng rằng sự khác nhau này có thể ảnh hưởng tới chất lượng và trải nghiệm học tập của con tại trường. Trong bài viết này, chúng tôi muốn cùng cha mẹ đi sâu vào vấn đề này.
Vì sao chúng ta thích giáo viên nước ngoài?
Trước tiên chúng tôi muốn cha mẹ hiểu rằng, tâm lý thích giáo viên nước ngoài là một tâm lý hết sức bình thường, không có gì sai hay đáng phê bình. Đây là hiện tượng thường xuất hiện khi một quốc gia mở cửa, bước vào hội nhập không riêng gì tại Việt Nam.
Nước Nhật rất phát triển hiện nay, nhưng vào thế kỷ 19 cũng từng có tình trạng này. Nhà tư tưởng vĩ đại Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản từng viết “Văn minh phương Tây đúng là hơn hẳn chúng ta, nhưng không có nghĩa là cái gì của họ cũng hoàn hảo. Văn minh phương Tây cũng đầy rẫy những khuyết điểm. Phong tục phương Tây không phải thứ gì cũng hay ho. Ngược lại phong tục Nhật không phải cái gì cũng kém cỏi, cũng cổ hủ.”
Một lý do nữa là do đất nước chúng ta trải qua nhiều năm chiến tranh, mới bắt đầu hội nhập vài chục năm gần đây, vì vậy sự phát triển chắc chắn chưa bằng các nước Mỹ, phương Tây – đặc biệt về công nghệ, kỹ thuật. Chúng ta có cơ hội sử dụng và mua sắm các mặt hàng ngoại quốc có chất lượng tốt hơn hàng nội địa.
Tuy nhiên, để đánh giá một giáo viên dạy đại học, quốc tịch chỉ là một tiêu chỉ nhỏ trong vô vàn các tiêu chí khác.
Tiêu chí nào để đánh giá một giáo viên chất lượng
Với môi trường quốc tế, ngôn ngữ là tiêu chí quan trọng một giáo viên cần có. Dù là giáo viên nói tiếng Anh là tiếng mẹ để hay giáo viên đến từ các nước khác, tất cả các giáo viên đều cần có bằng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế theo yêu cầu, ví dụ tại RMIT là tối thiểu IELTS 7.5. Chính vì vậy, việc giáo viên sinh ra ở nước nào không phải và không nên là một tiêu chính đánh giá chất lượng giảng dạy. Chất lượng giảng dạy nên được đánh giá bằng các tiêu chí dưới đây.
Đầu tiên là kinh nghiệm giảng dạy, giáo viên đó đã có bao nhiêu năm giảng dạy, bao nhiêu năm nghiên cứu, bao nhiêu năm làm trong doanh nghiệp? Trình độ chuyên môn cũng cần được coi trọng, thể hiện qua các bài báo, các bài nghiên cứu, các bằng cấp chứng chỉ liên quan đến nghiệp vụ ngành dạy của giáo viên. Tiếp theo là kỹ năng sư phạm, khả năng truyền đạt và tạo cảm hứng cho người học. Đây là những tiêu chí cha mẹ chúng ta nên tìm hiểu về một giáo viên.
Lấy ví dụ, khi Đại học RMIT tuyển dụng một giáo viên bất kỳ, chúng tôi thường yêu cầu kinh nghiệm giảng dạy ít nhất 3 năm trở lên, trình độ chuyên môn thạc sĩ trở lên, có bằng cấp về sư phạm hoặc tương đương, có bằng quốc tế về lĩnh vực giảng dạy và nhiều tiêu chí khác – dù là giảng viên nước ngoài hay giảng viên Việt Nam đều cần vượt qua các tiêu chí này.
Giáo viên Việt Nam cũng giỏi không kém
Nếu chúng ta nghĩ rằng giáo viên đến từ Việt Nam không giỏi bằng giáo viên nước ngoài, đây là một sự hiểu nhầm. Nếu như giáo viên nước ngoài có những lợi thế về ngôn ngữ tiếng Anh và am hiểu văn hoá phương Tây, giáo viên Việt Nam cũng có những lợi thế khác biệt.
Ngoài tiếng Anh tốt và cũng phần nào am hiểu văn hoá phương Tây (vì giáo viên Việt Nam để giảng dạy môi trường quốc tế cũng cần có kinh nghiệm tu nghiệp tại nước ngoài), giáo viên Việt Nam có lợi thế am hiểu môi trường kinh doanh đặc thù tại Việt Nam, am hiểu tính cách con người Việt Nam – từ đó có cách chia sẻ bài giảng và đào sâu các nội dung học gần gũi hơn.
Ngoài ra, giáo viên Việt Nam còn có những mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp trong nước, từ đó dễ dàng giới thiệu cơ hội việc làm cho sinh viên. Thực tế đã chứng minh, rất nhiều giáo viên Việt Nam tại RMIT là giáo viên xuất sắc của trường và được sinh viên đánh giá rất cao.
Môi trường quốc tế không chỉ là giáo viên
Như chúng tôi đã nhắc đến đầu bài, với việc tạo điều kiện cho con học môi trường quốc tế, cha mẹ chắc chắn mong con nhận được không chỉ kiến thức mà con tư duy phát triển ở môi trường này. Giáo viên là một phần quan trọng trong việc học của con, nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Tại môi trường quốc tế, con được trải nghiệm các hoạt động ngoại khoá, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ (ví dụ như thư viện tiếp cận các đầu sách quốc tế), đây cũng là những yếu tố quan trọng, cha mẹ cần khuyến khích con tận dụng bên cạnh việc học.
Dù ở môi trường nào, nỗ lực bên trong cũng đều quan trọng
Cơ sở vật chất, giáo viên, các hoạt động ngoại khóa là những tác nhân bên ngoài hỗ trợ con phát triển ở môi trường đại học. Để tận dụng tối đa những điều này, bản thân con cũng cần rèn luyện cho mình những đức tính như ham học hỏi, khiêm tốn, không sợ thất bại, tự tin. Đây là những điều cha mẹ cũng có thể đồng hành hỗ trợ cùng con để xây dựng những kỹ năng cốt lõi từ bên trong.
Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về thực trạng giáo viên tại các trường quốc tế. Chúc các cha mẹ và các con có hành trình đại học thật bình an và gặt hái nhiều thành tựu.
👉 Tìm hiểu thêm về Đại học RMIT tại ĐÂY