Cách đây ít lâu, người ta thấy trên báo trầm trồ câu chuyện về một nữ nghiên cứu sinh có thời gian hoàn thành luận án tiến sĩ ngắn kỉ lục tại 1 trường đại học danh tiếng ở Singapore. Nhân vật chính của bài báo – cô Lê Thái Hà, hiện đang là giảng viên kinh tế của đại học RMIT Việt Nam. Cô đã chia sẻ với RMIT & Cha Mẹ về con đường theo đuổi ngành kinh tế học của cô, và chúng tôi nhận ra một điều – làm tiến sĩ đã phải đi một con đường xa, làm một giảng viên đại học giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phải đi một con đường xa gấp nhiều lần hơn thế.
Từ một tiến sĩ trẻ xuất sắc…
Cô Hà yêu kinh tế học. Một tình yêu cũng… khá dễ nhận ra. Tốt nghiệp đại học trong top 5% sinh viên xuất sắc nhất, cô quyết định chọn kinh tế năng lượng và môi trường làm đề tài nghiên cứu chuyên sâu ở bậc tiến sĩ.
Sau đó, cô hoàn thành chương trình tiến sĩ trong 2 năm, với điểm PhD CGPA là 4.92/5 (cao nhất khóa) – điều chưa từng xảy ra tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) – trung tâm nghiên cứu khoa học xếp hạng nhất châu Á (QS World University Ranking 2018). 24 tuổi, cô Hà trở thành tiến sĩ kinh tế học.
Theo ghi nhận của Dự án Nghiên cứu Repec, cô Lê Thái Hà là một trong hai nữ chuyên gia kinh tế Việt Nam có nhiều bài đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín nhất. Cô nhắc đến kinh tế với một danh xưng “kiều diễm” – “nữ hoàng của các bộ môn khoa học xã hội”.
Đến giảng viên tâm huyết trên giảng đường…
Về nước vào tháng 2 năm 2013, cô Hà trở thành giảng viên trẻ nhất của trường đại học RMIT, dạy các môn Kinh tế (Lý thuyết giá cả, Giá cả và thị trường, Thương mại quốc tế, Kinh tế vĩ mô 2). Cô kể giản dị về lí do gắn bó với nghiệp giảng dạy của mình – “Tôi thích nhìn thấy những tâm hồn trẻ, những trí tuệ trẻ được nuôi dưỡng và phát triển.”
Với cô, điều quan trọng bậc nhất trong kinh tế là khả năng ghép các phần kiến thức đã học thành một bức tranh tổng thể – một công việc đòi hỏi tinh thần lao động khoa học thực sự nghiêm túc. Sinh viên của cô cần hiểu và đáp ứng được điều đó. Cô tự đặt ra cho mình thách thức khi giảng dạy kinh tế học cho sinh viên – làm thế nào để “liên kết được các tài liệu môn học với một khối lượng lớn các lý thuyết khác nhau cho sinh viên theo cách các em thấy hấp dẫn và có thể áp dụng.”
“Khắt khe” trong yêu cầu nhưng cách tiếp cận của cô lại rất gần gũi. Cô thường sử dụng phương pháp tình huống – “vì các tình huống và vấn đề trong kinh tế thường dựa trên thế giới thực, chúng cập nhật, phong phú và hấp dẫn hơn nhiều những ví dụ được lấy ra từ sách giáo khoa.” Trong lớp học của cô Hà, hài hước là điều quan trọng. Cô chẳng từ bỏ dịp nào để tận dụng “liệu pháp xoa dịu tâm hồn” hữu ích này giữa vô vàn mô hình, con số, bảng biểu phức tạp.
Cần trang bị những gì?
Tự học là một chuyện, truyền được tinh thần nghiên cứu cho thế hệ kế tiếp là một chuyện hoàn toàn khác. Với một môn học yêu cầu nặng về lý thuyết và mô hình phức tạp như Kinh tế học, “truyền cảm hứng cho các em học tập, giúp các em phát triển sự quan tâm và nhiệt tình đối với môn học, loại bỏ nỗi sợ hãi và ức chế” là một kỹ năng sư phạm không thể thiếu.
Vì thế, trước khi đứng lớp với tư cách là một tiến sĩ kinh tế, cô luôn muốn mình là một người đồng hành với sinh viên. Cô giữ một mong muốn chân thành và giản dị – là “giao tiếp với các em”, là “đảm bảo rằng các sinh viên của tôi có được thông tin đầy đủ về các hỗ trợ luôn sẵn có từ trường ĐH RMIT Việt Nam để giải quyết các vấn đề học tập của các em, chẳng hạn như Dịch vụ trợ giúp học thuật (Program Tutors), Dịch vụ bình đẳng giáo dục (ELS)”, là “cố gắng để cho các sinh viên của mình cảm thấy rằng các em luôn được giảng viên lắng nghe và quan tâm.” Giữa bộn bề công việc và áp lực của một giảng viên đại học và một nhà nghiên cứu khoa học trẻ, mong muốn này thực sự rất đáng trân trọng.
Bằng những điều tưởng như nhỏ bé ấy, cô Hà đã chạm đến sinh viên, chạm đến giấc mơ nghiên cứu khoa học đẹp đẽ của các trí tuệ trẻ. Tôi tin rằng, cô đã, đang và sẽ luôn đem thái độ, hình ảnh sống tích cực đến cho các con – một trí thức say mê, nghiêm túc trong nghiên cứu, một giảng viên đại học tận tâm, một người bạn gần gũi với sinh viên, một người phụ nữ đẹp dịu dàng, yêu ca hát và đam mê piano.