"Gap year" và những điều cha mẹ cần biết

Khái niệm “gap year” hay “năm ngắt quãng” vốn đã quen thuộc với các bạn trẻ Việt Nam nhưng còn xa lạ với nhiều cha mẹ. Vì vậy cũng dễ hiểu khi nhiều phụ huynh hoảng hốt bởi con đột ngột xin “gap year” và xa rời học tập, trường lớp trong gần một năm trời. Thay vì thẳng thừng từ chối, cha mẹ hãy tìm hiểu kĩ về khái niệm này qua bài viết dưới đây để cho con một câu trả lời thuyết phục.

“Gap year” là gì?

“Gap year” có thể hiểu là khoảng thời gian trống sau khi tốt nghiệp cấp 3 hoặc đại học mà các bạn trẻ để dành nhằm thực hiện những mục tiêu cá nhân. Khác với tên gọi, “gap year” không nhất thiết phải kéo dài tới một năm mà có thể chỉ từ 3 – 6 tháng tuỳ vào mục tiêu mỗi người.

Các bạn trẻ thường có rất nhiều mục tiêu đa dạng cho “gap year” của mình. Dương Tuấn Anh, từng là sinh viên một trường đại học trong nước, đã nghỉ hẳn 3 năm để theo đuổi đam mê nhảy. Sau đó với quyết tâm cao độ, Tuấn Anh vào Đại học RMIT, học với 200% sức lực của mình và kết thúc toàn bộ chương trình học trong vòng 2 năm. Tuấn Anh đã thăng tiến rất nhanh trong sự nghiệp và hiện tại là Content Manager cho Garena Việt Nam. Một bạn nữ khác đang học năm 2 tại một trường đại học top đầu thì chia sẻ: “Vào trường được một năm, mình chợt nhận ra bản thân không thể “yêu thương nổi” chuyên ngành đang học. Mình đam mê viết, muốn tạm dừng việc học ở trường để đi đây đi đó trải nghiệm… Mình xin bảo lưu, dành dụm được một số tiền kha khá để gap year.”

Đa dạng là vậy nhưng các mục tiêu tựu chung lại là để nhằm tích lũy kinh nghiệm sống vì thời gian học tập trên trường ở hiện tại chiếm quá nhiều cuộc sống của các bạn trẻ; hoặc định hình lại bản thân sau thời gian dài chịu áp lực từ nhiều bên, cụ thể là gia đình và xã hội.

Vì sao nên cho con “gap year”?

Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An (Giám đốc Chiến lược Trung tâm đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) cho rằng nếu thực hiện đúng đắn, “gap year” có thể mang lại nhiều điểm cộng.

Thứ nhất, các con có cơ hội được mở rộng tầm mắt không chỉ về nghĩa đen là được ngắm nhìn cảnh quan và con người tại những vùng đất mới; mà còn về nghĩa bóng, khi con thấu hiểu hơn về văn hoá và phong tục của những dân tộc khác, từ đó phá bỏ những định kiến từng có trước đây.

Thứ hai, các con có thể tìm lại được chính mình, có một cái nhìn toàn diện về bản thân hơn cả về điểm mạnh và điểm yếu để phát huy và cải thiện.

Thứ ba, “gap year” trang bị cho các con những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống độc lập như quản lý tài chính cá nhân hay tính kỷ luật tự giác để tự chăm sóc bản thân trong thời gian dài. Chính những tình huống phát sinh trong thực tế mới có thể đem lại những bài học đắt giá cho các bạn trẻ, vốn khó lòng đạt được khi còn sống chung với cha mẹ.

Cùng con chuẩn bị gì cho “gap year”?

Thạc sĩ Nguyễn Diệp Quý Vy (giảng viên ĐH KHXH&NV TP. HCM) dù rất ủng hộ xu hướng “gap year” nhưng lưu ý: “Với người Việt thì chuyện học hành và bằng cấp là vô cùng quan trọng, vì thế rất dễ hiểu việc người lớn lo lắng, bất an khi thấy con mình “gap year”. Cá nhân tôi chỉ ủng hộ những bạn có kế hoạch “gap year” rõ ràng, cụ thể và lý giải được vì sao cần tham gia hoạt động này. Người trẻ cũng cần lưu ý đến yếu tố kinh tế…” Đúng như lời khuyên của Thạc sĩ Quý Vy, cha mẹ và các con cần chuẩn bị rất nhiều trước khi bước vào quãng thời gian quan trọng này.

Đầu tiên, con cùng cha mẹ cần lập ra một kế hoạch cụ thể xác định mục tiêu và lộ trình để đạt được mục tiêu ấy. Nếu mục tiêu đặt ra là định hình lại bản thân thì hiện tại con cần phải trả lời được những câu hỏi: “Tôi đang là người như thế nào?”, “Tôi có những khả năng gì?”, sau đó mới tiến tới việc trả lời câu hỏi: “Tôi muốn mình sẽ trở thành người ra sao?” Còn nếu mục tiêu đặt ra là tích luỹ kinh nghiệm học tập thì con cần xác định lịch học chi tiết, các kỹ năng cần cải thiện, thời gian hoàn thành việc học và kế hoạch sau khi “gap year” kết thúc.

Tiếp theo, các bậc phụ huynh cần trao đổi kĩ với con về vấn đề tài chính trong thời gian “gap year”. Các bạn trẻ, trong trạng thái tâm lý phấn khích trước những kế hoạch đề ra, có thể trở nên không thực tế về mặt tài chính cần thiết cho những dự định của mình. Hãy cùng con liệt kê tất cả những khoản chi phí cần có cho “một năm trì hoãn” đồng thời những khoản hỗ trợ, những công việc con có thể làm để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống độc lập, bên cạnh nguồn tài chính của cha mẹ.

Cuối cùng, cha mẹ và các con hãy chuẩn bị cho những điều nằm ngoài kế hoạch, luôn có kế hoạch dự phòng khi “gap year” không diễn ra đúng như dự kiến. Không ai có thể chắc chắn 100% về mức độ thành công của kế hoạch “gap year”, vậy nên cha mẹ và các con hãy luôn có cho mình một kế hoạch dự phòng dành cho trường hợp xấu nhất, hạn chế tối đa tổn thất về tài chính và tinh thần cho cả gia đình.

Khi nào không nên cho con “gap year”?

Dựa trên các mục tiêu ban đầu và điều kiện cần có trước khi bắt đầu một “gap year” hiệu quả, cha mẹ hoàn toàn có cơ sở để quyết định xem “năm ngắt quãng” của con có cần thiết hay không.

Một trong những lý do phổ biến khiến các bạn trẻ “gap year” là chán nản học tập, đặc biệt ở sinh viên đại học. Lấy mục tiêu dành thời gian để học thêm kỹ năng mới hoặc định hình lại bản thân, người trẻ có thể dùng “gap year” như một công cụ để né tránh trường lớp tẻ nhạt thay vì cải thiện tình hình hiện tại. Việc này có thể dẫn đến một khoảng thời gian bị lãng phí vô ích. Cha mẹ cần chú ý thảo luận kĩ với con về mục đích thực sự khi con “gap year”, tránh biến thời gian dành cho học tập và cải thiện bản thân thành một kì nghỉ trá hình.

Quay lại ví dụ bạn nữa sinh viên năm 2 ở đầu bài viết, với mục tiêu “gap year” ban đầu để tạm dừng việc học không mấy thú vị tại trường, bạn đã gặp nhiều khó khăn khiến thời gian trải nghiệm tại TP. HCM bị rút ngắn: công việc làm thêm đem lại thu nhập không ổn định, cuốn sách phối hợp cùng anh bạn cộng tác bị bí ý tưởng nên chưa thể tiếp tục, cuốn sách cá nhân, do thiếu trải nghiệm, nên cũng chưa được viết thêm. Bạn trở về Hà Nội trong tâm trạng buồn chán và thất vọng về “gap year”, đồng thời mất thêm một khoảng thời gian nữa để thích ứng lại với môi trường đại học cũ.

Thạc sĩ Quý Vy có chia sẻ thêm về xu hướng “gap year”: “Đôi khi chúng ta cũng cần một giải pháp linh hoạt hơn (chẳng hạn tranh thủ thời gian rảnh để rèn luyện kỹ năng, học những môn mình thích…) vì không phải lúc nào cũng phải sống chết làm điều chúng ta muốn”. Đối với những trường hợp tài chính gia đình chưa ổn định, bản thân các con có thể chưa sẵn sàng về mặt sức khoẻ hoặc tinh thần cho “gap year” thì “năm ngắt quãng” không phải là lựa chọn tối ưu.

Nếu con chán học vì ngành học và môi trường không phù hợp thì chuyển trường cũng là một lựa chọn để cân nhắc. Bạn Hoàng Ngọc Dung từng cảm thấy vô cùng chán nản sau một kỳ học đại học. Tuy nhiên, Dung không lựa chọn gap year mà quyết định tham khảo các trường khác, và chuyển sang học tại RMIT vào kỳ học sau đó. Ở đây bạn lấy lại được động lực học tập, đạt được nhiều thành tích, và nhận được học bổng sang Mỹ học trường Chicago Booth, top 10 trường đào tạo kinh doanh ở Mỹ.

Kết luận

Theo bà Nguyễn Hà Thanh (Quản lý Truyền thông và Marketing Đại học RMIT Việt Nam), học sinh sinh viên nước nhà còn quá thiếu định hướng và hỗ trợ quy củ để có thể tham gia “gap year”, dễ để lại những “lỗ hổng” (gap) về kiến thức, kỹ năng và sự tự tin vốn có. Tuy vậy, bà cũng khẳng định rằng, với cách tiếp cận đúng đắn với sự ủng hộ giúp đỡ tích cực từ phía cha mẹ, các bạn trẻ có thể nắm lấy cơ hội mà “một năm trì hoãn” mang đến, từ đó có một bước phát triển nhảy vọt trên nhiều phương diện, điều mà không trường lớp nào mang tới được. Cha mẹ, thay vì từ chối con thẳng thừng khi con xin “gap year”, hãy cùng con tìm hiểu về những vấn đề con đang gặp phải và nếu thấy hợp lý, lên kế hoạch cụ thể để có một “năm ngắt quãng” đáng nhớ.

Comments

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.