Counter Attack Therapy là một dự án game giúp nâng cao ý thức cộng đồng về sức khoẻ tinh thần được thiết kế và lập trình bởi 3 “thế hệ” học viên RMIT, đó là sinh viên ngành Ngôn ngữ Nguyễn Minh Châu, cựu sinh viên Thạc sĩ Kinh doanh Quốc tế Lê Thục Hiền và nghiên cứu sinh tiến sĩ về Thiết kế Michelle Chen.
Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi vào lớp 10… của các con đang ở rất gần, lại thêm việc phải ở nhà 24/7 để đồng lòng cùng cả nước đánh bại “cô Vy”, cho con dành ra một vài phút chơi “game” tích cực hẳn sẽ giúp ích cho con rất nhiều để giảm căng thẳng, mệt mỏi.
Nội dung Counter Attack Therapy nói về mèo Alex, do vô tình phạm lỗi ở nơi làm việc mà gặp phải một loạt xui xẻo khác dẫn tới mắc chứng rối loạn trầm cảm/lo âu. Với vai trò bạn của Alex, nhiệm vụ của người chơi là từng bước một kéo Alex thoát khỏi vũng bùn cảm xúc tiêu cực này. Game được thiết kế theo dạng trắc nghiệm tình huống, kết hợp với các minigame nhỏ giúp con thực hành thư giãn và giải tỏa lo âu trong quá trình chơi.
Nói về nguồn cảm hứng thôi thúc team xây dựng nên Counter Attack Therapy, thành viên phụ trách lên kịch bản và cốt truyện Lê Thục Hiền chia sẻ, “Hai trong số ba thành viên trong team đều từng có khoảng thời gian khó khăn chống chọi với những vấn đề về tâm lý. Vì vậy, ý tưởng hình thành cốt truyện game đến một cách hết sức tự nhiên sau khi em được chị Michelle Chen, một người bạn thân đặt vấn đề và mời tham gia dự án khi mình du học trao đổi thạc sĩ tại RMIT Melbourne, Úc. Trước đó, khi còn học đại học ngành Truyền thông tại RMIT Việt Nam, em cũng đã từng có thời gian du học trao đổi tại Melbourne và trở thành bạn cùng nhà với Châu. Được biết Châu cũng từng gặp trở ngại về tâm lý, em đã không ngần ngại mời Châu tham gia để cùng mình lên kịch bản sao cho gần gũi và chân thực nhất có thể“.
“Bản thân trò chơi cũng phản ánh rất nhiều về trải nghiệm cá nhân của các thành viên, ví dụ như cùng thích mèo, thích thiền định và tarot. Bên cạnh đó, bộ manga Attack On Titan của tác giả Isayama Hajime cũng xuất hiện với vai trò cameo, vì đây là bộ truyện tranh đã giúp Châu vượt qua những sang chấn tâm lý trong suốt những năm qua,” thành viên đảm nhiệm lên concept cho game Nguyễn Minh Châu chia sẻ.
Quá trình xây dựng game từ lên ý tưởng đến thiết kế sản phẩm cuối cùng không hề dễ dàng bởi khoảng cách địa lý và chênh lệch múi giờ giữa ba thành viên, do Michelle ở Melbourne, Châu ở Sài Gòn còn Hiền ở Hà Nội. Thế nhưng đó chưa phải trở ngại lớn nhất, bởi trong quá trình làm game, một người bạn rất thân thiết của Châu đột ngột qua đời còn Hiền cũng bất ngờ bị biến chứng tay phải kéo khớp và bó bột suốt 2 tuần.
Chia sẻ về khoảng thời gian đầy thử thách ấy, Hiền bộc bạch: “Thời điểm đó đúng là rất khó khăn, nhưng em cảm thấy vô cùng may mắn khi được làm việc cùng 1 team rất ăn ý. Ví dụ như việc họp nhóm có thể linh động khi có thành viên không thể tham gia đúng lịch hẹn, hay khi em bị bó bột tay không đánh máy được thì các thành viên cùng giúp đỡ đánh máy lại nội dung buổi họp thay mình. Chị Michelle thậm chí còn set thời gian trên máy ở múi giờ Việt Nam để tiện nắm được lịch trình sinh hoạt của em và Châu và đặt lịch họp cho phù hợp“.
Cũng nhờ trải nghiệm có một không hai này mà Châu và Hiền nhận ra rằng: Sẽ luôn có ánh sáng ở cuối đường hầm, và gặp phải chuyện đau buồn không có nghĩa mình mất đi tất cả.
“Với chiến lược phù hợp và những đồng đội tuyệt vời, bạn hoàn toàn có thể biến những trải nghiệm tiêu cực thành điều gì đó có ý nghĩa. Lần phối hợp làm game này đã giúp chúng em nhận ra điều đó và sống tích một cách cực hơn.”
Con có thể chơi và ủng hộ team phát triển Counter Attack Therapy tại đây: http://mentaljam.itch.io/cat