“Đừng to tiếng cãi nhau, hãy tranh luận bằng lý lẽ.” – Desmond Tutu
Văn hoá Việt Nam nhìn chung chuộng dĩ hoà vi quý. Mọi người thường ưu tiên “nhịn”, “bỏ qua” hơn là tranh luận để làm rõ khi có mâu thuẫn hoặc có quan điểm khác nhau. Kỹ năng “tranh luận” cũng khá kém, vì thế khi tranh luận chỉ biết cãi cọ to tiếng sao cho phần thắng về mình. Dẫn đến chúng ta thường có cái nhìn tiêu cực về tranh luận. Chúng ta không khuyến khích tranh luận trong gia đình, và dạy con “không được cãi” hoặc “ra đường cãi nhau là xấu.”
Thực ra, chính vì không biết cách tranh luận mới dẫn đến tranh cãi. Tranh luận không phải là xem ai to tiếng hơn thì thắng, hoặc công kích cá nhân người kia (anh chẳng ra gì nên quan điểm của anh chẳng ra gì.) Nếu được thực hiện đúng, tranh luận là cơ hội học hỏi tuyệt vời. Khi tranh luận, ta giảng lại những gì mình biết cho người có quan điểm khác, xem mình thực sự hiểu đến đâu. Tranh luận giúp rèn luyện suy nghĩ logic, tư duy phản biên, khả năng diễn đạt mạch lạc và thuyết phục. Thêm nữa, được nghe những quan điểm khác mình bổ sung cho ta rất nhiều. Sau mỗi cuộc tranh luận, không quan trọng là ai thắng thua mà là hai bên đã học được những gì. Tranh luận là một kỹ năng cực kỳ quan trọng khi con ra trường và đi làm.
Tại đại học RMIT Việt Nam, sinh viên luôn luôn được khuyến khích, và phải, tranh luận. Tranh luận với bạn học. Tranh luận với giáo viên. Tranh luận qua lời nói, tranh luận khi viết bài. Thậm chí là tranh luận với các chuyên gia được mời đến giảng dạy và chấm bài tại trường. Các em không được đánh giá cao khi nói “đúng ý” thầy cô và những người có kinh nghiệm. Các em được đánh giá cao khi đưa ra quan điểm của chính mình, phản biện câu hỏi từ mọi người, lập luận chặt chẽ và đưa những minh chứng thuyết phục cho quan điểm của mình.
RMIT không chủ trương đào tạo những sinh viên “ngoan” hay dĩ hoà vi quý, chúng tôi muốn các em là những người có chính kiến. Vì chúng tôi hiểu rằng, chỉ tới khi các em biết tranh luận để củng cố lập trường và mở mang kiến thức, thì lúc đó các em mới sẵn sàng vào đời.
Đọc thêm: “Thà bị ghét vì là chính mình còn hơn được thích mà phải giả tạo”