Bạn còn nhớ hay chăng, thế hệ chúng ta được nuôi lớn bằng những vần thơ ngọt ngào, những câu ca dao trìu mến, những giai điệu thân thương về tình cha, tình mẹ và đạo làm con. Hai chữ “gia đình” đầy thiêng liêng ấy vẫn luôn đi theo ta từ những ngày còn đỏ hỏn nằm trong vòng tay cha mẹ, cho tới khi những đứa con của chúng ta sinh ra, lớn lên và bước vào độ tuổi trưởng thành. Nhân kỷ niệm ngày Gia đình 28/06, chúng ta hãy cùng nhau nhắc nhở bản thân và các con về nét văn hoá tuyệt vời này của người Việt Nam – một nét văn hoá đẹp cần được lưu giữ.
Làm sao có thể quên được những ngày giáp Tết, dù ở phương trời nào cũng phải đặt cho bằng được chiếc vé máy bay, vé tàu, vé xe khách để trở về nhà. Chỉ là vài công việc lau dọn nhà cửa, quét tước sân vườn, rửa xe, dọn bể nước, nhưng mỗi người một tay, rồi vừa làm vừa kể cho con cháu nghe về “cha mẹ ngày ấy”. Có những đêm hè nhau ra mổ lợn, nấu bánh chưng, bọn trẻ con ngày thường chẳng được thức khuya, cũng tranh thủ cậy ông bà cô bác bận bịu mà chạy đuổi nhau đùa vui rồi cười khinh khích. Ôi chao, chẳng phải ốc đảo bình yên là đây chứ đâu? Không ồ ạt tấp nập những còi xe, cũng không doanh số, áp lực hay bực bội. Chỉ còn lại những gương mặt thân thương, những tiếng cười nói ấm áp, và những kỉ niệm tuổi thơ vẹn nguyên, tròn đầy. Gia đình vẫn luôn ở trong trái tim ta như vậy đấy.
Và làm sao có thể ăn bữa tối một mình, chỉ vì những thành viên khác trong gia đình về muộn? Hình ảnh người vợ chờ cơm chồng, người mẹ chờ cơm con, có lẽ đã khắc sâu trong tâm trí mỗi người con đất Việt. Bữa tối truyền thống của người Việt, dù đạm bạc hay cầu kì, cũng luôn được cha mẹ và con cái cùng ngồi bên nhau thưởng thức. Bữa cơm gắn kết cả gia đình, chứa đựng bao yêu thương từ người mẹ, cất giữ bao câu chuyện thường nhật thân thương. Chồng gắp cho vợ miếng cá kho đậm đà. Mẹ xới cho con một bát cơm đầy ắp. Con mời cha mẹ dùng cơm, ngày qua ngày, thành một nét đặc trưng trong văn hoá gia đình Việt.
Thời đại mới, khi các nền văn hoá giao thoa, con được tiếp xúc với những tư tưởng mới mẻ hơn từ phương Tây, nên ít nhiều mất đi những thói quen thời ông cha để lại. Điều đó là lẽ tất yếu, nhưng nếu như chúng ta có thể giúp con thấy được ý nghĩa tuyệt đẹp mà văn hoá gia đình Việt mang lại cho mỗi người, con nhất định sẽ có ý thức gìn giữ và duy trì nét văn hoá tuyệt vời ấy.
Cuối tuần này, tại sao bạn không thử tổ chức một bữa ăn nhỏ và trò chuyện cùng con về nét văn hoá gia đình Việt nhỉ?