Cha mẹ vẫn thường coi con cái là một khoản đầu tư, và cũng rất nhiều bậc cha mẹ dùng mức lương con kiếm được sau khi tốt nghiệp đại học để đánh giá “hiệu quả” của khoản đầu tư này. Cũng dễ hiểu thôi, bởi mức lương dù sao cũng là thứ hữu hình và dễ cân đo đong đếm nhất. Nhưng liệu đánh giá lãi/lỗ dựa trên tiền lương có phải là một tư duy đúng đắn?
Công việc lương cao không phải tất cả
Mong muốn sự thành đạt của con sau khi ra trường có thể “bù đắp” vào khoản học phí mà cha mẹ đã đầu tư là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng đứng trước cuộc sống bộn bề, đôi khi cha mẹ lại vô tình quên rằng con không phải một món tài sản để tính toán thiệt hơn, bởi con cũng có những cảm xúc và lựa chọn của riêng mình.
Ở độ tuổi 17, chắc chắn bất cứ người trẻ nào cũng có những trăn trở và suy nghĩ của riêng mình. Có thể nếu xét về kinh nghiệm sống, thì con không thể bằng được cha mẹ, và cha mẹ luôn là những người thấu hiểu thời cuộc hơn. Tuy nhiên khoảng cách thế hệ có ảnh hưởng không nhỏ tới sự khác biệt trong tư duy của cha mẹ và con cái.
Đối với cha mẹ, một ngành học có thể đem lại công việc với mức thu nhập cao là một lựa chọn sáng suốt. Nhưng với con, thu nhập có thể quan trọng, nhưng vẫn còn thứ khác quan trọng hơn, chính là việc được sống và làm thứ mình yêu thích. Cho dù con học bất kỳ ngành nào, chỉ cần con đam mê và giữ một thái độ cầu tiến, thì con luôn có cơ hội trở nên vượt trội và thành công. Ngược lại, sẽ rất khó để đòi hỏi con hay bất cứ ai nghiêm túc học tập và làm một công việc không mang lại sự hứng thú hay niềm vui.
Do đó, trước khi đặt ra câu hỏi về mức thu nhập tương lai của ngành học, thì cha mẹ hãy thử tự hỏi bản thân rằng mình đã lắng nghe con đủ nhiều hay chưa. Con muốn trở thành người như thế nào, con thích thú với lĩnh vực gì, con muốn học ở đâu, v.v… Cha mẹ muốn con hạnh phúc, nhưng hãy hiểu rằng mức lương không phải tiêu chí quan trọng nhất để tạo nên sự hạnh phúc của con trong tương lai.
“Lãi” mà cha mẹ nhận được không đến từ thu nhập tương lai của con
Nếu không thể dựa vào mức lương của ngành học, và cũng không thể coi con như một món tài sản để tính “lãi” và “lỗ”, thì cha mẹ phải dựa vào đâu để có thể cảm thấy an tâm về con? Có thể cha mẹ chưa sẵn sàng để con tự vẫy vùng trong cuộc đời, và cha mẹ sợ rằng nếu không dẫn đường thì con sẽ lạc lối. Nhưng cha mẹ đừng quên rằng mình không thể ở bên con suốt cả cuộc đời.
Dường như cha mẹ muốn bảo vệ con khỏi mọi thách thức và tạo điều kiện tốt nhất để con tiến nhanh đến một tương lai đầy đủ về mặt vật chất. Nhưng con cũng cần được hòa mình vào sự phức tạp và rối ren của cuộc sống, để học cách thích nghi và trưởng thành về mặt cảm xúc.
Một công việc tốt với thu nhập cao có thể sẽ thỏa mãn mong muốn của cha mẹ, nhưng chỉ vậy thì chưa đủ để giúp con thành công. Con sẽ cần nhiều hơn thế để có một tương lai trọn vẹn. Có thể kể đến như những mối quan hệ tích cực được xây dựng trong suốt quá trình con theo học phổ thông và đại học. Những kiến thức và kỹ năng mà con thu nhận được không chỉ trên trường lớp, mà còn ngoài “trường đời”, những va chạm xã hội để giúp con dạn dĩ hơn và tự tin hơn khi đối diện với thử thách. Một tư duy cầu tiến, nghĩ được làm được, hay nói khác đi là khả năng linh hoạt và phát triển bản thân để thích nghi với sự đổi thay chóng mặt của cuộc sống. Tất cả những điều kể trên cộng với một đam mê nghề nghiệp mới chính là khoản “lãi” lớn nhất mà cha mẹ nhận được. Và thành công này bắt đầu từ một ngành học con thật sự yêu thích.
Vậy thì cha mẹ, thay vì làm một “nhà đầu tư”, thì hãy trở thành một người đồng hành, giúp con hiểu bản thân, tự xác định được lộ trình cho bản thân, và giúp con biết tự cam kết với lựa chọn của chính mình.