Mẹ hay bảo với con rằng: Con là niềm tự hào của cả nhà. Không hiểu tại sao, càng lớn, con càng sợ nghe mấy chữ này. Con không biết phải sống thế nào cho vừa chiếc áo ngày càng rộng của những kì vọng đan dệt quanh mình, càng không biết liệu chiếc áo này con có thực sự thích hay không. Giữa trăm ngàn lối rẽ của tuổi trẻ, con bỗng thấy bấy nhiêu cố gắng, bấy nhiêu hi vọng thật mong manh, vì con chẳng biết mình đang sống cho giấc mơ của ai.

“Con sẽ giỏi hơn mẹ”

Mẹ hay bắt đầu câu chuyện về hành trình giúp con của mẹ “hoàn hảo hơn mẹ” bằng một môn thể thao mát lạnh – bơi. Mẹ không biết bơi. Mỗi lần xuống nước là một lần mẹ run lên. Vậy nên, ở tuổi 35, mẹ quyết định ở trên bờ và đẩy đứa con 10 tuổi của mình xuống nước. Con phải biết bơi. Mẹ hạnh phúc thấy mình đang bơi trong hình ảnh uyển chuyển của con dưới làn nước trong xanh ấy. 

Những năm 80 của thế kỉ trước, có vài ngôi trường đại học danh giá mà sinh viên cả nước ao ước. Mẹ không nằm ngoài số đó khi đạp xe qua những cổng trường, thầm ngưỡng vọng những bóng áo trắng học kinh tế, tài chính, nói tiếng Anh “như gió” – những doanh nhân thành đạt tương lai. Con mẹ sau này nhất định phải như vậy, phải bước vào chính những cổng trường một thời xa xôi ấy, học những môn học “thời thượng” ấy. Để mọi người thấy rằng, con mẹ thật giỏi. 

Mẹ có rất nhiều dự định cho tương lai của con. Cái nào cũng bắt đầu bởi những “thứ mẹ còn thiếu”, những vấp ngã của mẹ, những ấp ủ mà mẹ mong một ngày kia con giỏi giang của mẹ sẽ từng bước thay mẹ đạt được. Con yêu mẹ, và biết rằng, bản kế hoạch vĩ đại ấy là điều tốt đẹp nhất mẹ dành cho con. Nhưng con luôn cảm thấy có điều gì không đúng. 

Những cuộc đua bất tận tới ước mơ

Mẹ ơi chúng con run sợ trước cuộc đua khắc nghiệt đang diễn ra ở ngôi trường cấp 3 của mình. Chúng con sinh ra được nhắm sẵn cho những trường đại học danh giá nhất, những suất thực tập đáng mơ ước nhất, những tương lai xán lạn nhất. Chẳng có gì quan trọng hơn điểm IELTS, SAT hay tốt nghiệp trung học phổ thông. Cũng không có gì quan trọng hơn cánh cửa kính ngân hàng bóng loáng đón con ngày đầu đi làm. 

“Nhưng nếu một ngày con thấy mình thích mê những toà nhà cao ốc đẹp đẽ?” Mẹ gạt đi nói rằng ngành đó thật vất vả, thật “xa xôi”, rằng “nhà mình chả có ai làm cái nghề đấy”. Con âm thầm cất đi những tấm A3, A4 nhằng nhịt màu chì hình người đổ khối vụng về. Sau khi hoàn thành chất ngất bài tập, con vẫn lên mạng ngắm những bản thiết kế chỉn chu, thẳng tắp đẹp đẽ. Con nghểnh cổ thật cao mỗi khi nghe loáng thoáng đâu đó rằng, năm nay kiến trúc thi khó hơn.

Con cũng muốn mơ!

Nhưng nếu một ngày ngay cả kiến trúc con cũng không thấy hay? Nếu một ngày con bảo với mẹ rằng con chẳng thấy mình có tài năng gì cả? Nếu một ngày con hoang mang trước hàng trăm lối rẽ trước mặt. Mẹ ơi, mình có thể ngừng tranh luận về sự hoàn hảo của ngân hàng, của ngành tài chính và một lần tìm xem con thực sự có thể làm gì, muốn làm gì trong ít nhất 60 năm phía trước được không?

Con mệt mỏi lắm mẹ à. Vì những bài thi bất tận, vì điểm đầu vào năm ngoái cao ngất ngưởng, vì cứ phải tỏ ra mình biết mình muốn gì – chỉ để mẹ không khăng khăng bắt con thi vào ngành học kia nữa. Nhưng con còn sợ hơn. Con sợ mình chọn sai. Con không muốn sống chỉ để thế giới ngoài kia gật gù – ừ giỏi đấy. Con muốn sống với ước mơ của mình. 

Thế mà, tệ nhất là, con còn chẳng biết mình muốn gì. Có bao nhiêu cái đích cần phải đến, mẹ đã luôn bày sẵn cho con.

Mẹ ơi, con muốn nói, con chẳng thích trường này, ngành này đâu. 

Nhưng con sợ mình sẽ chẳng trả lời được câu hỏi: “Thế phải thế nào con mới vừa lòng?”

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.