Trước những khó khăn trên “đường đua” của cuộc sống, ai cũng muốn ở bên người thân, bạn bè để được an ủi, động viên. Thế nhưng, thực tế, không phải những lời trấn an ngọt ngào mà chính chất xúc tác kì diệu của tinh thần cạnh tranh, từ sức nóng của các đối thủ mới là thứ khiến chúng ta đi nhanh, đi xa hơn cả. Vì thế, cạnh tranh lành mạnh luôn là bài học con rất cần được cha mẹ chỉ dạy trước ngưỡng cửa bước vào vòng quay cuộc sống gấp gáp ngoài kia.
Đối thủ có phải là “người xấu”?
Các con thường quan niệm đối thủ là những “vật cản” trên con đường chạm đến thành công của mình. Điều này âu cũng là điều dễ hiểu. Bạn đứng thứ nhất môn toán đương nhiên chiếm mất vị trí cán sự của con trong mắt thầy cô bạn bè, nhóm có thế mạnh thuyết trình sẽ là đối thủ nặng kí cho chức vô địch cho đội, hoặc đơn giản, cậu bạn giỏi thể thao nào đó cũng có thể được liệt vào danh sách “nguy hiểm” cho chiến dịch rủ cô bạn hoa khôi đến vũ hội cuối năm của con.
Chất xúc tác cho các nỗ lực
Thế nhưng, thực tế, chính những người bạn, và sau này là cả đồng nghiệp, là công ty đối thủ này lại đem đến một nguồn động lực khổng lồ giúp con tiến lên phía trước. Trước nguy cơ thua cuộc, chúng ta đều có thể cảm nhận được một “chất kích thích” chiến đấu mạnh mẽ, giúp chúng ta nỗ lực với 100% khả năng của mình. Thậm chí, ở các kì thi lớn, các sự kiện có tính cạnh tranh cao, các đường đua căng thẳng còn đẩy con bung xa, nới rộng các giới hạn của mình chỉ trong một thời gian ngắn. Như vậy, xét trong cả quá trình học tập rèn luyện, việc thắng – thua không quá quan trọng, việc con có các thử thách để nỗ lực “bứt phá”, phát triển bản thân mới đáng quý.
Làm “ban giám khảo” thì dễ nhận ra lỗi sai hơn
Không chỉ vậy, quá trình cạnh tranh với những đối thủ “xứng tầm” – những người có chung hoàn cảnh, tương đương về năng lực còn là cơ hội tuyệt vời để con có thể đúc rút ra các bài học kinh nghiệm quý giá. Từ con mắt khách quan, con có thể nhận ra những người bạn chung đường với mình đang làm chưa tốt ở điểm nào, xuất sắc ở điểm nào. Người ta vẫn nói, nhìn ra lỗi của người khác thì dễ hơn, được áp dụng chính ở điểm này.
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”
Một trong những bài học lớn nhất khi con trải qua các cuộc đua là việc nhận thức rõ hơn khả năng của bản thân. Con sẽ nhận ra rằng, không phải ai cũng hoàn hảo, cũng không ai là hoàn toàn kém cỏi. Nếu con mạnh về các con số, bạn khác mạnh về ngôn ngữ, thì cũng sẽ có một bạn có năng khiếu hình ảnh tuyệt vời. Cọ xát với đủ thử thách, con sẽ nhận ra điểm mạnh – điểm yếu của bản thân và những người xung quanh, nhận ra giá trị mình có thể đóng góp cho công việc chung. Xét đến cùng, qua rất nhiều cạnh tranh, bài học còn lại trong con có lẽ là việc chấp nhận mình không phải lúc nào cũng sẽ về nhất trong mọi cuộc đua, vui vẻ đồng hành để cùng nhau chạm đích.
Ở RMIT, cạnh tranh luôn được khích lệ. Chúng tôi hiểu rằng, một chút ganh đua của tuổi trẻ là chất xúc tác cần thiết cho hành trình chinh phục những đỉnh cao. Chúng tôi hiểu rằng, 100 giờ dạy đôi khi không bằng việc các em nhìn thấy những người đồng trang lứa của mình xử lí vấn đề thông minh ra sao. Chúng tôi hiểu rằng, bài học về những cuộc đua, về việc mình là ai, giá trị của mình ở đâu là những món quà quý giá các em sẽ học được từ những “đối thủ” nặng kí của mình. Vì thế, sinh viên RMIT dường như lúc nào cũng tất tả trong các cuộc thi, từ giải thử thách kinh doanh, marketing, logistics, hùng biện đến nghiên cứu giải pháp môi trường, thi đàn, thi nhảy, thi hát; từ những cuộc thi quốc tế, quốc gia, đến cấp trường, thậm chí, bài tập nhóm trong lớp cũng là nơi các con được trổ hết tài nghệ để khẳng định bản thân.
Bởi vì, đối thủ lớn nhất không nằm ở ngoài kia, mà thực ra lại chính là sự lười biếng, là những băn khoăn chần chừ của mỗi chúng ta. Và những người bạn, đồng nghiệp, những “đối thủ” mà ta vẫn thấy trên chặng đường đua kia, xét đến cùng, lại chính là những người đồng hành tuyệt vời trên con đường chiến thắng chính bản thân mình.
Giang Nguyễn