huong nghiep khi con vao cap 3

Khác với thời của cha mẹ, ngày nay con có muôn vàn lựa chọn nghề nghiệp. Nếu như trước đây, cha mẹ cho rằng học Y để trở thành bác sĩ, học Sư phạm Giáo dục để làm giáo viên, học Kỹ thuật chắc chắn làm kỹ sư, học Tài chính để trở thành chuyên viên kiểm toán,… thì giờ đây mỗi ngành học lại tạo ra vô vàn nghề nghiệp khác nhau, thậm chí có những cái tên cha mẹ chưa từng nghe tới. Bởi vậy, định hướng nghiệp cho con ngay từ khi con mới bước chân vào cấp 3, thậm chí sớm hơn, là điều đặc biệt cần thiết, giúp con tránh những hoang mang không đáng có về bản thân giữa thế giới nghề nghiệp rộng lớn, đồng thời phát triển thế mạnh mình một cách tốt nhất.

Vì sao cần định hướng nghề nghiệp cho teen ngay từ cấp 3?

Hướng nghiệp là việc cần làm càng sớm càng tốt, tuy nhiên cấp 3 là giai đoạn con rất dễ thay đổi quyết định do ảnh hưởng từ bạn bè, thần tượng và trào lưu xã hội. Chính vì thế, sự hỗ trợ và định hướng của cha mẹ trong thời điểm này là vô cùng quan trọng, giúp con có cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp tương lai.

Định hướng nghề nghiệp ngay từ thời phổ thông sẽ giúp cho con thêm tự tin, vững chãi vào lựa chọn của mình. Con cũng sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường nghề nghiệp trong tương lai so với các bạn cùng trang lứa. Hơn nữa, khi được lựa chọn theo đuổi đam mê của mình, con sẽ tự có hứng thú tự nghiên cứu, tìm hiểu về lĩnh vực mình quan tâm, cũng như phát triển tư duy độc lập hơn là là chỉ tập trung học gạo, học lấy tấm bằng mà không có kinh nghiệm thực tế.

Tại Việt Nam, các tiết học về hướng nghiệp trên lớp còn quá ít, và hầu hết chỉ mang tính tham khảo. Thông tin trên mạng thì quá mênh mông và thiếu hệ thống, còn các xu hướng nghề thì thay đổi chóng mặt. Chính vì thế, để lựa chọn một ngành nghề phù hợp, con thực sự cần sự trợ giúp từ những người trưởng thành và thân thiết, mà cụ thể là cha mẹ. Vậy thì bạn có thể làm gì để giúp con thêm vững vàng và tự tin trước bước ngoặt của cuộc đời?

Bước 1: Cùng con nhìn lại quá trình khôn lớn để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu

Giống như bước “ôn bài” trước mỗi kỳ kiểm tra, cha mẹ nên hướng dẫn con nhìn lại quá trình khôn lớn của mình bằng cách đặt ra những câu hỏi. Tất cả những trải nghiệm của con từ ngày còn nhỏ cho tới bây giờ đều là thước đo quý giá để con hiểu rõ hơn về bản thân mình. Sở thích hồi bé, những ước mơ giản dị hay “hoang đường”, môn học con vẫn luôn yêu thích, thể loại sách con cảm thấy hấp dẫn, loại hình nghệ thuật hoặc thể thao luôn làm con hào hứng, những người bạn con thích chơi cùng, hay thậm chí là những thói quen ngày thường của con. Tất cả những điều ấy đã thay đổi như thế nào qua năm tháng? Đâu là những thứ tồn tại bên con lâu thật lâu?

Nhìn lại cả một chặng đường tuổi thơ, phân tích từng hành động, suy nghĩ của mình, con sẽ bất ngờ lắm khi nhận ra mình thực sự thích gì, ghét gì, cảm thấy thoải mái với những con người ra sao, thế mạnh của mình ở đâu, và điểm yếu của mình là những gì để cải thiện. Tính cách và những kỹ năng con có sẽ là “ngọn đèn dẫn lối” để con lựa chọn ngành nghề cũng như môi trường làm việc phù hợp với bản thân mình sau này. Có hướng đi ngay từ những năm cấp 3, con sẽ tiến nhanh hơn và luôn nhìn thấy mục tiêu trước mắt.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dựa vào các công cụ hướng nghiệp hoặc các bài kiểm tra tính cách để dự đoán những nghề nghiệp có thể phù hợp với con như Holland, MBTI…. 

Bước 2: Nắm bắt các xu hướng ngành nghề trên thị trường việc làm thực tế

Để trở thành người bạn – người dẫn đường cho con, bản thân cha mẹ cũng cần học hỏi, chuẩn bị về kiến thức hướng nghiệp cũng như nắm vững tình hình phát triển của các ngành nghề trong thực tế, đặc biệt là những ngành được dự báo sẽ “khát” nhân lực trong tương lai.

Hướng nghiệp thực sự là một cuộc chiến dài hơi, và con luôn cần có sự đồng thuận, trợ giúp từ phía cha mẹ. Vì thế, bạn cần luôn trong tư thế sẵn sàng thu nạp thông tin và kiến thức bất cứ lúc nào. Bạn càng chuẩn bị sớm, thì càng vững vàng hơn khi cùng con định hướng tương lai.

Thông tin có thể tới từ rất nhiều nguồn khác nhau:

— Báo chí và các chương trình truyền hình: gồm các thông tin cập nhật về tình hình thi cử, các điểm nóng về giáo dục, các tin vắn về tình hình việc làm trong nước, và rất nhiều các thông tin chính thống về giáo dục tại Việt Nam. Kênh tin tức này khá tiện lợi nhưng lại chưa phải là kênh tốt nhất để cập nhật các thông tin chuyên sâu về hướng nghiệp.

— Sách hướng nghiệp và kỹ năng cho tuổi mới lớn: nguồn thông tin này cung cấp các thông tin có tính xác thực cao từ các chuyên gia đầu ngành về tâm lý, giáo dục và hướn nghiệp. Một số cuốn sách hay phải kể đến trong nguồn này là Đúng Việc (Giản Tư Trung) hay Trắc Nghiệm Ước Mơ (John C. Maxwell). Bạn cần tỉnh táo chọn lọc và tham khảo các thông tin từ nguồn này vì rất có thể một vài điều sẽ khó có thể áp dụng trong hoàn cảnh giáo dục ở Việt Nam, hay chưa thực sự phù hợp với con.

— Các buổi hội thảo về hướng nghiệp: ngày càng có nhiều sự kiện về hướng nghiệp nhằm trợ giúp các bậc cha mẹ trong việc giúp con tìm ra nghề nghiệp yêu thích. Bạn có thể cập nhật thông tin về các buổi hội thảo này trên báo chí, tại văn phòng đại sứ quán các nước hay các tổ chức giáo dục, qua các chương trình truyền hình, từ trường học của con, hay từ những trường học uy tín như đại học RMIT.

— Bạn bè và người thân: đây là nguồn thông tin rất đáng tham khảo, đặc biệt là từ những người bạn tin tưởng. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân của mỗi người thường mang tính chất chủ quan, chính vì thế thay vì áp dụng ngay những gì được khuyên bảo, bạn cần cân nhắc kỹ và xác thực lại thông tin thông qua các nguồn còn lại.

Ngoài các thông tin về nghề nghiệp và xu hướng việc làm, bạn cũng nên dành thời gian đọc hiểu và chia sẻ thông tin về từng ngành nghề mà bạn cảm thấy phù hợp với con. Bạn có thể tranh thủ một vài phút sau giờ ăn tối, hay khi đèo con từ trường về nhà, hoặc thậm chí khi giúp con giải một bài tập khó để tâm sự với con về các thông tin bạn thu thập được trong ngày. Việc này thực sự giúp ích rất nhiều cho con trong việc hình dung ra nghề nghiệp mà con sẽ theo đuổi trong tương lai. Hơn nữa, việc trò chuyện thường xuyên khiến con thêm vững tin, không bị đơn độc, lạc lõng vì có cha mẹ đồng hành bên cạnh.

Bước 3: Tạo cơ hội cho con trải nghiệm thực tế

Không gì có thể tác động mạnh đến nhận thức của con và giúp con khám phá ra đam mê của mình hơn là trải nghiệm thực tế. Ngay từ bây giờ, hãy tạo thật nhiều cơ hội cho con cọ xát, trải nghiệm về nghề nghiệp cũng như các kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp sau này. Đây cũng là dịp giúp con rèn luyện phong thái tự tin, tự lập, cũng như giúp con tự khám phá những năng khiếu và sở thích tiềm ẩn của mình.

Một số hình thức trải nghiệm bao gồm:

— Hoạt động ngoại khoá: hiện nay, có một số trường học và tổ chức giáo dục liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động hướng nghiệp thông qua các trò chơi, các buổi chia sẻ mang tính vui nhộn. Cha mẹ có thể cho con tham gia các hoạt động này vào mỗi cuối tuần để con có cái nhìn cơ bản nhất về các ngành nghề.

— Tham quan trường và học thử: Khi con đã có định hướng rõ ràng hơn, cha mẹ có thể khuyến khích con tham gia các buổi học thử tại các trường đại học có giảng dạy chuyên ngành đó, ví dụ tại các Ngày trải nghiệm những ngành học khác nhau được tổ chức bởi Đại học RMIT. Tại các buổi trải nghiệm này, con sẽ được giao lưu với sinh viên và những người đang làm việc trong ngành để có hiểu biết sâu sắc hơn về lựa chọn của mình.  

— Hội chợ việc làm: hàng năm, một số trường đại học hay các hội cựu du học sinh có tổ chức các buổi hội chợ việc làm nhằm giới thiệu về các công ty, các ngành nghề đang “hot”. Dù là hơi sớm, bạn cũng nên cho con đến tham dự các sự kiện này để trò chuyện trực tiếp với những người đang làm việc thực tế trong ngành, giúp con có những hình dung cơ bản về ngành nghề mà con quan tâm.

— Công việc bán thời gian: một công việc nho nhỏ giúp con trân trọng đồng tiền, và bước đầu giúp con tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế. Bạn có thể cho con làm thêm vào kỳ nghỉ hè hay cuối tuần. Hãy gợi ý cho con các công việc đơn giản và vừa sức của con như bán những đồ thủ công, gây quỹ từ thiện, hay viết báo…

Kết luận

Qua bài viết này, tác giả hy vọng đã phần nào giúp cha mẹ có cái nhìn toàn cảnh về việc định hướng nghề nghiệp cho teen. Nhưng cho dù bạn có áp dụng phương pháp nào, hãy luôn nhớ rằng quyết định cuối cùng vẫn là ở con. Hãy luôn đồng hành, kiên nhẫn lắng nghe, và sáng suốt trong việc đưa ra những lời khuyên cho con trong giai đoạn quan trọng này.


👉 Hãy cùng con đi tìm đáp án cho những câu hỏi “học gì, làm gì” tưởng quen mà lạ tại Hội thảo trực tuyến: “Chọn ngành, hiểu nghề, tìm đúng lối đi” với những hoạt động giúp con hiểu mình, hiểu ngành nghề để đưa ra lựa chọn phù hợp với mình vào 9:30 Chủ nhật, 6/3/2022. Đăng ký tại ĐÂY.

Comments

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.