thiết kế sáng tạo

Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo là một trong những ngành học thu hút sinh viên nhất nhì của khoa Truyền thông & Thiết kế và được giảng dạy ở cả cơ sở Hà Nội và Nam Sài Gòn. Tuy thu hút các bạn trẻ nhưng với thế hệ cha mẹ đây là một ngành học rất mới lạ bởi ở thế hệ chúng ta ngành này chưa phát triển. Để con theo đuổi thành công lĩnh vực này, ngoài việc học tập tại trường, sự hỗ trợ từ phía cha mẹ sẽ giúp ích cho con rất nhiều. Vậy cha mẹ có con học hay đang quan tâm đến ngành này có thể hỗ trợ con như thế nào?

Cùng con tìm hiểu về ngành

RMIT & Cha Mẹ đã có một loạt các bài viết về ngành này để cha mẹ có thể tìm hiểu thêm bao gồm:

Triển vọng và chương trình học ngành Thiết kế ứng dụng

Trải nghiệm thực tế của Sinh viên học ngành Thiết kế ứng dụng

Những lo lắng của cha mẹ khi con muốn theo ngành thiết kế

Trong quá trình tìm hiểu về ngành học mới này, nếu có điều gì chưa hiểu cha mẹ đừng ngần ngại hỏi thẳng con mình. Thế hệ trẻ bây giờ rất giỏi trong việc tìm kiếm thông tin, cha mẹ hãy cho các con cơ hội tự tìm kiếm thông tin và giải thích cho cha mẹ hiểu về ngành mà con đang thích. 

Khuyến khích con phát triển kỹ năng mềm

Không chỉ riêng ngành thiết kế mà còn ở bất kỳ ngành học nào trong thời điểm hiện nay, ngoài kỹ năng chuyên môn và tiếng Anh, một bạn trẻ trang bị những kỹ năng mềm như khả năng giao tiếp, tư duy mạch lạc và hiểu biết về thị hiếu, nắm bắt xu hướng thị trường là người sẽ được săn đón ngoài thị trường lao động.

Để đạt được những điều trên, cha mẹ nên khuyến khích con ngoài việc học tại trường cần tham gia thêm các hoạt động ngoại khóa Câu Lạc Bộ hoặc các chương trình hỗ trợ nghề nghiệp do trường tổ chức thường xuyên theo kỳ. Tại các câu lạc bộ và chương trình này, ngoài việc con có thể rèn luyện kỹ năng, con còn có cơ hội gặp gỡ các anh chị và chuyên gia làm trong ngành – từ đó tạo mối quan hệ hỗ trợ cho con tìm công việc tốt sau khi ra trường.

Hàng kỳ, Đại học RMIT có dành ra một tuần cho các chương trình kỹ năng mềm và thường xuyên tổ chức Tuần lễ hướng nghiệp, Mentoring (kết nối sinh viên với doanh nghiệp) cũng như các buổi mời khách mời về chia sẻ tại chính các môn học trong ngành.

Ủng hộ những sáng tạo và phá cách của con

Các bạn trẻ chọn lĩnh vực thiết kế thông thường là các em thuộc nhóm Nghệ thuật. Đây thường là các em giàu cảm xúc, thích tự do, phá cách, giàu trí tưởng tượng và sáng tạo – điều này thường được thể hiện ra bên ngoài qua cách ăn mặc khác biệt, gu âm nhạc khác biệt và sự ‘khác người’ nói chung không giống người khác.

Để con phát huy được tối đa tiềm năng và tố chất phát triển trong ngành này, con cần được cha mẹ và người lớn ủng hộ cho những sự khác biệt này, thay vì cấm cản, gò bó, ép buộc con theo khuôn phép. Điều này tưởng chừng dễ nhưng rất khó để cha mẹ có thể thực hiện. Việc thấy con mình không giống ‘con nhà người ta’, không ‘nghe lời’ có thể làm cha mẹ phiền lòng phần nào – tuy nhiên nếu cha mẹ hiểu rằng đây là một phần tính cách của con và cố gắng hơn trong việc hiểu con dưới góc nhìn sáng tạo, chắc chắn cha mẹ sẽ có kết nối tốt hơn với con của mình thuộc nhóm ngành này.

Cha mẹ có thể đọc thêm bài viết về nhóm Nghệ Thuật để biết thêm các cách nuôi dưỡng và khuyến khích tố chất này ở con.

Không lo lắng một cách vô lý

Vì chưa hiểu nên có thể nhiều cha mẹ có những lo lắng như “nghề thiết kế vẽ vời không có tương lai ổn định như nghề kinh tế”, hay “học nghề này đầu óc lúc nào cũng trên mây, mơ mộng không thực tế” hay “công việc vất vả, nhiều biến động”. Thực tế đây là những lo lắng một cách vô lý.

Về thị trường lao động, với sự phát triển rất mạnh của Internet và các chương trình giải trí cũng như thị trường quảng cáo nói chung, thiết kế đang là một lĩnh vực rất khát nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao vừa có chuyên môn tốt, vừa có tư duy sáng tạo, vừa có ngoại ngữ tiếng Anh tốt.

Về tính thực tế, như đã chia sẻ ở trên một trong những tố chất giúp các con tiến xa trong ngành thiết kế là sự sáng tạo. Cha mẹ hãy coi sự sáng tạo, mơ mộng của con là sự khác biệt – không phải là xấu so với tính thực tế ở những ngành nghề khác. Trong thời gian học đại học, trải qua các môn học, các trải nghiệm thực tập và đi làm thực tế, con sẽ dần trưởng thành và vững bước hơn khi bước ra thị trường lao động.

Cuối cùng, về việc vất vả và nhiều biến động – đây là nỗi niềm chung của tất cả ngành nghề chứ không riêng nghề thiết kế. Chúng ta đều đang sống chung trong một thế giới phát triển và thay đổi rất nhanh – đó là điều chúng ta không kiểm soát được. Tuy nhiên nếu con trang bị đủ các kỹ năng mềm, kiến thức chuyên môn và hiểu biết về thị trường lao động – chắc chắn con không phải quá lo lắng khi tìm kiếm cơ hội trong thị trường hiện nay.

Hi vọng những chia sẻ này là lời gợi ý để cha mẹ có thể đồng hành cùng con vững bước trên con đường theo đuổi lĩnh vực Thiết kế.


Đọc thêm: Chuỗi bài viết: Hiểu đúng về nghề Thiết kế để hướng nghiệp cho con

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.