Điểm số, điểm số và điểm số. Lúc nào đầu con cũng “ong ong” toàn điểm số. Tuần này có 3 bài kiểm tra 15 phút, 2 bài kiểm tra 1 tiết, 5 buổi kiểm tra miệng,… Con học hoài, nhận điểm hoài, nhưng rốt cục, con có được đánh giá toàn diện cả về quá trình học và các kĩ năng mềm khác không? Có lẽ suốt 12 năm phổ thông, kết quả cuối cùng luôn được đề cao nhất. Nhưng thật may mắn rằng khi lên Đại học, các tiêu chí đánh giá năng lực học sinh sẽ khác đi rất nhiều, mà điển hình là quá trình học tập của con sẽ được đưa vào cân nhắc.
Một sinh viên Đại học sẽ được đánh giá cao khi chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, khi hiểu sâu sắc những kiến thức được giảng viên đề cập trên lớp, khi biết cách làm việc nhóm thật ăn ý và hiệu quả, khi có khả năng sáng tạo và biết vận dụng kiến thức vào tình huống thực tế như thế nào. Để đánh giá được tất cả những tiêu chí này, các con cần được “giao” những bài tập “đặc biệt”, chứ không còn chỉ đơn giản là một tờ phiếu kiểm tra trắc nghiệm như thời phổ thông nữa.
1. Chịu khó tìm tòi & nghiên cứu
Khác với kiểu học thụ động “thầy giảng – trò nghe” thời phổ thông, các giảng viên Đại học sau những buổi dạy của mình sẽ yêu cầu sinh viên nghiên cứu mở rộng về các vấn đề/ chủ thể được đề cập trên lớp, từ đó viết báo cáo để nộp lại. Giả sử, con học về 5 hình thức thâm nhập vào thị trường nước ngoài, giảng viên sẽ yêu cầu con tìm hiểu kĩ một case study cụ thể để từ đó phân tích xem doanh nghiệp ấy đã sử dụng hình thức nào, có điểm gì tốt, điểm gì không tốt, các doanh nghiệp khác nên học tập gì từ họ. Vậy là con phải tự mở rộng kiến thức cho mình, thay vì chỉ biết sơ qua trên bề mặt lí thuyết.
2. Hiểu sâu kiến thức
Không giống với các bài nghị luận xã hội thời phổ thông, khi lên Đại học, con cũng sẽ có những bài luận cá nhân, nhưng là nhằm mục đích đào sâu hơn về một topic mà con đã học trên giảng đường. Khi làm dạng “bài tập” này, con cần đọc rất nhiều sách khác nhau, tìm hiểu thông tin và tri thức từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng cũng không được quên sử dụng chính quan điểm của mình để đưa vào bài viết. Phải hiểu rất sâu, con mới có thể viết bài luận về một kiến thức cụ thể như vậy. Cách đánh giá này giúp giảng viên nắm được con hiểu vấn đề cặn kẽ tới đâu, thay vì những bài kiểm tra điểm cao song hành với khả năng hiểu rất “nông” khi con còn nhỏ.
3. Khả năng làm việc nhóm
Để đánh giá được tiêu chí này, dạng “bài tập” đơn giản nhất ở Đại học có lẽ là các bài thuyết trình nhóm. Bài luận có thể tự viết một mình, báo cáo có thể tự nghiên cứu một mình, nhưng thuyết trình là một nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều kĩ năng khác nhau mà chỉ một người khó có thể đảm đương hết. Tìm hiểu và nghiên cứu, chọn lọc thông tin và lên dàn bài, sắp xếp và thiết kế hình chiếu, chau truốt câu từ và trình bày trước đám đông,… Nhiều kĩ năng như vậy, chia ra cho nhiều người vẫn mang lại hiệu quả cao hơn. Nhưng điều đáng nói là làm thế nào để một nhóm sinh viên phân chia công việc, theo sát tiến độ của nhau và cùng nhau chinh phục “thứ hạng” trước cả lớp. Khi con tham gia vào các bài thuyết trình nhóm như thế này, giảng viên sẽ đánh giá được toàn diện hơn về khả năng hòa nhập, hợp tác của con đối với những người xung quanh.
4. Khả năng sáng tạo và vận dụng kiến thức
Đây là một tiêu chí vô cùng quan trọng, bởi nó khiến con trở nên khác biệt so với những người bạn đồng trang lứa. Sáng tạo và vận dụng, tưởng đơn giản mà không hề đơn giản. Các giảng viên Đại học thường sử dụng các dự án nhóm và dự án cá nhân để đánh giá được rõ nét nhất tiêu chí này. Cụ thể hơn, giảng viên có thể đưa ra một vài tình huống giả lập cho các con suy nghĩ và tìm ra hướng đi biện pháp phù hợp, nhờ đó con bỗng có “case study” của riêng mình để vận dụng kiến thức vào thực hành ngay lập tức. Hơn nữa, vì đây là các tình huống rất cụ thể và gần gũi, nên con sẽ dễ dàng sáng tạo ra những ý tưởng độc đáo và gây bất ngờ.
Nhìn chung, RMIT tin rằng cách đánh giá học sinh như vậy sẽ toàn diện và hữu ích, giúp các con vừa được công nhận, vừa được rèn giũa cho môi trường làm việc sau này. Cũng bởi vậy mà chương trình dạy và học tại RMIT luôn có đầy đủ, đa dạng các hoạt động như viết báo cáo, viết bài luận cá nhân, làm thuyết trình nhóm hay xây dựng các dự án cùng nhau. Chúng tôi thực tâm mong rằng một ngày nào đó, các con sẽ trở thành những cá nhân xuất sắc đóng góp cho sự phát triển của xã hội.