Sẽ không thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn nếu trên đời chỉ toàn người vô cảm” – Peter Marshall

Cha mẹ luôn dặn dò con rằng hãy giúp đỡ những người xung quanh khi có thể, bởi khi ấy, lòng tốt sẽ được lan tỏa, và xã hội mà chúng ta đang sống sẽ dần trở nên tốt đẹp hơn. Thế nhưng con à, không phải ai cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác, đặc biệt là khi họ đứng giữa một đám đông.

Trong tâm lý học có một khái niệm có tên “Bystander effect” còn được hiểu là “hiệu ứng bàng quan” hoặc “hiệu ứng người ngoài cuộc”. Hiệu ứng này xảy ra khi một người chứng kiến ai đó gặp khó khăn nhưng lại không ra mặt giúp đỡ. Nó có thể xảy đến và cản trở bất cứ ai, ngay cả khi người đó là một người tốt,và ai trong số chúng ta cũng có thể đã từng hoặc sẽ là một người đóng vai “bàng quan” trước vấn đề của người khác.

Trong môi trường học đường, con có thể là người chứng kiến hoặc vướng phải những tình huống như bị bắt nạt mà không có ai đứng ra bảo vệ, bị giáo viên hiểu lầm và khiển trách mà không có ai lên tiếng, v.v… Đó chính là biểu hiện của “hiệu ứng bàng quan” trong cuộc sống. Và khi con trưởng thành, những tình huống có thể còn đa dạng và nghiêm trọng hơn nữa.

Cho dù có là một phần của “đám đông thờ ơ”, thì điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta xấu tính, ích kỷ, hay có mong muốn làm tổn thương người khác. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, đó có thể đến từ việc chính vì có nhiều người xung quanh nên ai cũng nghĩ rằng chắc sẽ có người lên tiếng thay mình, hoặc đến từ nỗi sợ: sợ sai, sợ bị liên lụy, sợ phải chịu trách nhiệm, v.v…

Con à, trong số chúng ta không ai có thể đoán trước liệu cuộc sống sẽ mang đến những điều gì. Nhưng nếu sống trong một thế giới mà ai cũng e ngại việc giúp đỡ lẫn nhau, thì chắc chắn mỗi ngày trôi qua sẽ thật tồi tệ biết mấy. Vậy phải làm sao để không trở thành một người thờ ơ, bàng quan trước những tình huống bất ngờ của cuộc sống?

Hãy nhớ thật kỹ rằng CHỈ CẦN MỘT NGƯỜI DUY NHẤT DÁM HÀNH ĐỘNG THÌ ĐÁM ĐÔNG SẼ THAY ĐỔI.

Bên cạnh việc trực tiếp lên tiếng hay can thiệp vào vấn đề, con còn có thể lựa chọn trở thành “chất xúc tác”. Một ví dụ điển hình là khi con phải chứng kiến một người bạn bị bắt nạt, con đã xem xét mức độ nghiêm trọng của vấn đề và cảm thấy sợ bị liên lụy. Trong trường hợp này, con hoàn toàn có thể nhờ đến sự trợ giúp của thầy cô, cha mẹ, người giám hộ, v.v…; hoặc tìm một giải pháp phù hợp sao cho vừa có thể giúp mọi người, vừa có thể giữ an toàn cho bản thân.

Cuối cùng, cha mẹ muốn con ý thức được rằng giúp đỡ người khác cũng chính là giúp đỡ bản thân mình. Con sẽ chẳng thể biết trước khi nào rắc rối sẽ đến, và khi nào thì người cần nhận được sự giúp đỡ lại chính là con. Hiểu rõ về “hiệu ứng bàng quan” có thể vừa giúp con tìm được cách đối diện với những rắc rối bất ngờ của cuộc sống, vừa giúp con học được cách trân trọng những người luôn yêu thương và giúp đỡ mình khi cần. Nếu con muốn sống trong một cộng đồng tích cực, thì đừng ngại trở thành một người tích cực, dũng cảm và dám lên tiếng!

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.