Thời đại của chúng ta được mệnh danh là kỉ nguyên của chủ nghĩa tiêu dùng – khi việc mua sắm và tích trữ đồ đạc thường đồng nghĩa với cảm giác an toàn và thoả mãn. Tuy nhiên, sở hữu nhiều hơn có thực sự đem lại hạnh phúc? Với cuốn sách nổi tiếng của mình – “Lối sống tối giản của người Nhật”, Fumio đã chứng minh điều ngược lại và lôi kéo hàng ngàn tín đồ theo chủ nghĩa của mình. Liệu bạn và con có phải là một trong số đó, hãy cùng chúng tôi đọc bài viết dưới đây nhé.

Tối giản như một triết lí sống mới
Trong xã hội dư thừa của cải, chúng ta lúc nào cũng có nguy cơ trở thành nô lệ của đồ đạc. Những bộ sưu tập quần áo sành điệu hay kể cả thói quen tích trữ kỉ niệm là minh chứng rõ nhất cho điều này. Hằng ngày chúng ta được thuyết phục bởi các nhà quảng cáo rằng mình thực sự cần chiếc xe này, chiếc váy này thực sự không thể thiếu trong sự kiện sắp tới hay chỉ còn 4 tiếng nữa để sở hữu một bộ sách ngoại văn đắt đỏ cho con. Giống như trong một cuộc chạy đua không hồi kết, chúng ta cho rằng càng nhiều đồ đạc, mình sẽ được người khác công nhận là thành đạt và hạnh phúc.
Sống tối giản, ngược lại, tập trung vào cảm nhận của chính mình. Chúng ta chỉ cần 2 bước để bắt đầu lối sinh hoạt giản dị này: xác định xem mình thực sự cần những gì, và mạnh dạn lược bỏ những điều còn lại. Điều này cần rất nhiều can đảm và kiên nhẫn. Liệu ta có sẵn sàng vứt đi cuốn album ảnh của gia đình trong suốt 10 năm hay chỉ để lại số bát đũa vừa đủ cho mỗi thành viên trong nhà? Nghĩ tới việc vứt đi những thứ mà ta nỗ lực tối đa để có được, sống tối giản, giờ thực sự không hề đơn giản.
Vậy thì, liệu chúng ta có thực sự cần sống tối giản đến thế?
Với nhiều người, câu trả lời là có. Cuộc sống dư thừa biến chúng ta thành nô lệ. Chúng ta trở thành nô lệ của kí ức với những tập ảnh dày chẳng bao giờ xem lại, của những trăn trở hối tiếc đã không đổi thay được. Chúng ta trở thành nô lệ của hiện tại – chạy hoài theo một hình mẫu nào đó của xã hội về nhà cửa, về xe cộ, về những đồ dùng định danh con người đắt đỏ. Để rồi nhận ra rằng, ta đang tự dằn vặt chính mình bởi định kiến của người khác, bởi những tiêu chuẩn mà ta thực ra không cần tới. Chúng ta còn trở thành nô lệ của tương lai, khi lo lắng quá nhiều về việc phải chọn đúng giữa trăm ngàn lựa chọn. Chỉ riêng việc ăn gì, nghe gì, đọc gì xem ra đã thật khó khăn. Với các con cấp 3, chọn ngành gì cho thật đúng, thật danh giá càng là một điều khó khăn. Sống tối giản, lược đi những thứ ta muốn, xã hội muốn, tập trung vào những thứ ta cần. Nhờ vậy, ta có được tự do trong cuộc sống và sự thanh thản trong tâm hồn.
55 quy tắc sống tối giản
Dành một phần lớn trong cuốn sách của mình, Fumio chia sẻ những bí quyết để trở thành một người sống tối giản. 55 quy tắc của anh là những bài học quý báu, tuy đơn giản nhưng cần quyết tâm lớn để thực hiện. Trong đó, người ta không thể quên được những lời khuyên dí dỏm và sâu sắc như “đừng trở nên sáng tạo trong lúc chọn đồ đạc”, “giả vờ vứt bớt đồ đạc” để tránh cảm giác tiếc nuối hay tự đặt hạn ngạch đồ đạc cho mình với tôn chỉ “mua một thứ, vứt một thứ”, giúp không gian lúc nào cũng gọn gàng. Fumio cho rằng, chúng ta nên suy nghĩ ít đi và hành động nhiều hơn, đặc biệt với việc tinh gọn đồ đạc. Bởi rốt cuộc, những thứ quan trọng nhất cũng sẽ quay về với chúng ta.
Sống tối giản, xét đến cùng, không phải là mục đích ta hướng tới, mà là phương tiện để ta có thể tìm được chân giá trị trong cuộc đời của mình, sống an nhiên, hạnh phúc với những điều thiết thân nhất. Có lẽ, điều thực sự giá trị khi ta cắt giảm đồ đạc là khả năng thấy nhiều “con người” hơn. Gạt đi những chồng sách cao vút, những bộ quần áo sang trọng, những món đồ xa xỉ, chúng ta thấy rõ nhau hơn – gia đình, bạn bè, người yêu – thân thuộc và chân thành. Ở đó, chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn mối liên kết của mình với những người xung quanh, và cảm nhận được những khoảnh khắc “hạnh phúc” bình dị của cuộc đời.
“Lối sống tối giản của người Nhật” có lẽ chính là cuốn sách cần thiết cho cuộc sống đang bị vật chất hoá của chúng ta ngày nay. Đó không chỉ là cuốn sách dành cho cha mẹ – để có một cuộc sống nhẹ nhõm hơn, mà còn cho cả các con – để học được bài học về những điều thật sự quan trọng trong cuộc sống.
Giang Nguyễn