Trên con đường học tập và sự nghiệp của con, có nhiều cơ hội đầy hứa hẹn nhưng ẩn chứa nhiều thử thách khiến con chần chừ. Cha mẹ, nếu thấy được lợi ích của những cơ hội này mang lại, nên ủng hộ và thuyết phục con nắm bắt, tránh bỏ lỡ. Làm sao để con nói “có” với những cơ hội hấp dẫn mà chưa hẳn sẵn sàng nắm bắt? Tác giả xin gợi ý một vài cách giúp cha mẹ thuyết phục con dưới đây.
1. Cho con thấy quyết định sai không dẫn đến hậu quả quá tồi tệ
Để con chấp nhận rủi ro và sẵn sàng nói “có” nhiều hơn, cha mẹ nên giúp con nhận ra rằng: quyết định dù sai cũng không dẫn tới những hậu quả quá tồi tệ. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra khi con trải nghiệm những công việc hay môn học mới, đơn giản chỉ là thấy chúng không phù hợp với mình.
Thay vì tiếc nuối khoảng thời gian dành ra cho những trải nghiệm mới khiến mình khó chịu, con nên biết ơn vì chúng đã giúp con khám phá được nhiều hơn về bản thân, cho con thấy những gì con không thích, để tránh lặp lại trong tương lai. Cảm giác khó chịu khi trải nghiệm những điều không phù hợp với mình còn dễ chịu hơn nhiều phần so với sự tiếc nuối, day dứt trong tương lai, khi con luôn tự hỏi bản thân: “Nếu như hồi đó mình dám thử việc đó thì sao nhỉ?”
2. Thấu hiểu sự lo lắng của con trước những cơ hội mới
Những điều mới mẻ luôn khiến người ta e sợ. Con còn trẻ nên thấy lo lắng, kể cả sợ hãi với cơ hội mới là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thấy vậy, cha mẹ nên lựa lời để giữ con bình tĩnh. Hãy thể hiện rằng cha mẹ hiểu và thông cảm với những lo lắng con đang trải qua, con không có gì phải xấu hổ hay giấu giếm cả. Khi đó, con sẽ cảm thấy mình được cảm thông, thừa nhận cảm xúc lo lắng của bản thân mà biết cách “chế ngự” nó, trở nên dũng cảm để dám nắm bắt cơ hội mới.
Cha mẹ không nên nói những điều phủ định cảm xúc của con như: “Có gì mà phải lo, trước đây ba mẹ cũng từng như vậy rồi, không có gì đâu con” hay “Con này phải dũng cảm lên chứ, bố mẹ bằng tuổi con là cái gì cũng dám làm rồi.” Cha mẹ và các con sống ở những thời đại rất khác nhau. Ngoài ra, mỗi người có thể có những phản ứng khác nhau về việc đón nhận cơ hội mới. Cha mẹ cần tránh áp đặt cảm xúc và suy nghĩ của mình lên con, tránh khiến con cảm thấy mình không được cảm thông, thấu hiểu.
3. Không nên ép con, nhưng cũng không nên ủng hộ việc con từ bỏ
Cha mẹ khi thấy cơ hội tốt mà sao con còn chần chừ chưa nắm lấy, dễ rơi vào việc ép buộc con phải hành động. Khi con bị ép buộc phải đón lấy những cơ hội mới mà thấy bản thân chưa sẵn sàng, tâm lý các con dễ bị tổn thương, càng ngại nắm bắt cơ hội trong tương lai. Ngoài ra, các con có thể nuôi nấng những cảm xúc tiêu cực với cha mẹ khi bị phụ huynh áp đặt làm những điều con không thấy thoải mái.
Thấy con còn chần chừ, cha mẹ hãy cho con khoảng nghỉ để bình tĩnh suy nghĩ, cũng như hứa hẹn với con về việc sẽ quay trở lại để nắm bắt cơ hội đó trong tương lai gần. Hãy từ tốn nhưng đồng thời cũng kiên định với con, tránh bỏ lỡ cơ hội tốt.
4. Giúp con phân tích để thử thách trở nên dễ thở hơn
Trước áp lực và lo lắng khi đối mặt với cơ hội mới, con dễ mất bình tĩnh mà “khuếch đại” những thử thách sắp phải trải qua. Cha mẹ khi đó nên giúp con phân tích cơ hội và thử thách một cách khách quan và logic, đặt ra mục tiêu và kết quả đạt được hợp lý. Ví dụ như nếu con được mời làm việc tại một công ty có tiếng nhưng thấy mình chưa 100% phù hợp với công việc, cha mẹ nên ngồi lại với con để bàn về thời gian con thử việc cũng như loại công việc con nên nhận làm, sao cho thích hợp với con nhất.
Hãy giúp con trở nên tự tin, thấy rằng mình là người làm chủ được những cơ hội sắp tới chứ không phải ngược lại.
5. Giúp con cảm thấy an tâm rằng cha mẹ sẽ luôn ở đây để hỗ trợ con
Cha mẹ biết rằng nếu con có “ngã” trước những thử thách mới thì mình chắc chắn sẽ đến “nâng” con dậy. Nhưng trước thử thách khó khăn, con dễ thấy bị đơn độc, thấy mình là người duy nhất đối mặt với những khó khăn. Hãy thường xuyên khiến con cảm thấy được quan tâm và ủng hộ trong mọi vấn đề. Cha mẹ nên hỏi thăm con về tiến trình trong việc con nắm bắt cơ hội: con đã trả lời nhà tuyển dụng mời con đến phỏng vấn chưa, buổi phỏng vấn của con diễn ra có tốt không. Không chỉ vậy, hãy khích lệ khi con chưa sẵn sàng đón nhận thử thách: cho con thấy những điều hấp dẫn nếu con nhận làm công việc ấy, con sẽ có thêm nhiều trải nghiệm cũng như bạn bè mới như thế nào.
Được ủng hộ và quan tâm khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, con sẽ càng trân trọng mối quan hệ với cha mẹ hơn.
6. Ăn mừng trước những thành tựu nhỏ của con
Nắm bắt những cơ hội nhỏ ngày hôm nay sẽ là tiền đề của những thành công lớn trong tương lai. Hãy “ăn mừng” cùng con sau khi con dám nắm bắt cơ hội mới: một bữa ăn gia đình hay một món quà tặng giản dị chắc chắn khiến con không khỏi xúc động. Những chiến thắng nhỏ bé sẽ là động lực không nhỏ đối cho con trong tương lai. Để mỗi lần chần chừ trước những cơ hội mới, con sẽ nhớ lại mình đã cùng cha mẹ vượt qua lo âu mà nắm bắt thành công như thế nào, được tặng những món quà khích lệ nho nhỏ mà ý nghĩa lơn lớn ra sao. Từ đó mà con có thêm sức mạnh để bước tiếp, đón nhận bao điều mới mẻ trong cuộc sống. Tất cả là nhờ những ký ức tươi đẹp cùng cha mẹ khi xưa.
Dương Trần