Một vài năm về trước, cha mẹ thường có thói quen lấy “con nhà người ta” để làm thước đo thành công cho con mình. Bạn A được điểm cao thì con cũng phải đạt điểm cao. Bạn B được vào đội tuyển thì con cũng phải phấn đấu vào bằng được đội tuyển. Những mong muốn này của cha mẹ trở thành những mệnh lệnh buộc con phải làm theo, tạo áp lực lớn khiến con gặp nhiều vấn đề về tâm lí và có thể gây ra phản ứng ngược. Thực chất, sẽ tốt hơn nếu như con tự so sánh mình của hôm nay với chính mình của ngày hôm qua, để không bao giờ ngừng nỗ lực trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Con có thể không học giỏi môn Toán, bởi đó không phải sở trường của con. Nhưng con hoàn toàn có thể đạt được những tiến bộ nhất định trong môn Toán. Con không nhất thiết phải phấn đấu để xếp top 5, nhưng con có thể phấn đấu để bài kiểm tra sau đạt được điểm cao hơn một chút so với bài kiểm tra trước. Con có thể thích chơi bóng rổ, nhưng điểm mạnh của con không phải là thể thao. Vậy thì con không nhất thiết phải tìm mọi cách vào được đội tuyển bóng rổ cấp thành phố. Chỉ cần mỗi ngày, con luyện tập thêm một chút. Con của ngày hôm nay chơi bóng giỏi hơn con của ngày hôm qua, vậy là mừng!
Điều quan trọng nhất là con biết mình đang ở đâu, gặp phải những vấn đề gì, và đặt ra được từng cột mốc để chinh phục. Bền bỉ thực hiện và tránh bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh, con sẽ có những tiến bộ đáng kể. Nếu con quá lo lắng vì mình thua bạn này, kém bạn khác, con sẽ dễ có những suy nghĩ tiêu cực về khả năng của mình và mất niềm tin vào lộ trình đang thực hiện.
Đi liền với những tiến bộ nhìn thấy được, con còn dần nhận được sự ghi nhận từ chính những người xung quanh, như bạn bè, thầy cô, hay sau này là cả những người đồng nghiệp. Dù con có xuất chúng hay không, điều làm họ cảm phục nằm ở chính nỗ lực của con – nỗ lực trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Khả năng nỗ lực đạt được điều mình muốn trong mọi hoàn cảnh cũng chính là một trong những phẩm chất nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm, bởi những nghịch cảnh (như Covid-19) có thể xảy đến bất cứ lúc nào và chúng ta cần phải có thái độ sẵn sàng đối mặt với nó.
Không bao giờ cho rằng mình giỏi đủ, không bao giờ ngừng hoàn thiện bản thân. Cha mẹ hãy giúp con hình thành lối tư duy này từ khi còn nhỏ nhé.