Dạy con kiểm soát tiếng nói bên trong

Nếu muốn con trở nên tự tin, vui tươi, yêu đời, hãy dạy con ý thức và biết kiểm soát giọng nói trong đầu mình.

Mỗi người chúng ta đều có giọng nói trong đầu. Đó là những suy nghĩ miên man không dứt của tâm trí về quá khứ, tương lai, chuyện đã qua, chuyện sắp đến… Trừ khi chúng ta đang tập trung làm việc và suy luận, còn thì phần lớn thời gian giọng nói này không có giá trị, không dẫn đến đâu, ngược lại còn khiến chúng ta thay đổi tâm trạng buồn vui thất thường. Phút giây này bạn đang rất vui vẻ thoải mái, chợt giọng nói trong đầu nhắc lại một chuyện buồn bực hôm qua thế là tâm trạng bạn lập tức đổi. Khi bạn mắc sai lầm hay gặp thất bại, giọng nói này thường sẽ trở thành nhà phê bình khắc nghiệt nhất, trách móc bạn hết lời, phóng đại mọi chuyện khiến bạn cảm thấy tệ hơn dù mọi người xung quanh không hề thấy thế.

Tin buồn là, bạn sẽ không bao giờ chấm dứt được giọng nói trong đầu mình bởi đó là cách tâm trí hoạt động. Tuy nhiên, tin vui là bạn, và con, có thể rèn luyện sự ý thức về giọng nói này và thay đổi nó, nắm thế chủ động, giành quyền điều khiển để giọng nói ít lấn lướt hơn.

Việc đầu tiên cần làm là nhận biết xem giọng nói đang nói gì. Nhất là những khi bạn chợt cảm thấy buồn bực vô cớ, hoặc tâm trạng tuột dốc, thử dừng lại và lắng nghe xem bạn đang nghĩ gì. Có phải đó là những câu như “mình xấu quá”, “mình là đồ thất bại”, “mình chẳng làm việc gì nên hồn cả”… không?

Hãy tranh luận với giọng nói. Bản chất của giọng nói là thích quy chụp mọi thứ, vì vậy bạn hãy tìm bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Ví dụ bạn chỉ cãi nhau với con một lần, giọng nói bảo rằng “mình làm mẹ chẳng ra gì”. Hãy nhớ lại những lần bạn và con rất tâm đầu ý hợp và dùng nói như bằng chứng phủ nhận lại giọng nói.

Kể với người thân hoặc bạn bè đáng tin cậy những điều bạn nghĩ. Không ai nghe được giọng nói này trừ bạn. Khi kể nó ra, hoặc bạn sẽ nhận ra, hoặc những người khác sẽ chỉ cho bạn thấy rằng nó vô lý như thế nào.

Hoặc đơn giản là chỉ nghe nhưng không tin. Bạn có thể để mặc giọng nói muốn phê phán gì cũng được, nhưng đừng tin những ý nghĩ tiêu cực đen tối khi bạn đang có tâm trạng không tốt. Khi tâm trạng thay đổi, những ý nghĩ này sẽ thay đổi theo.

Nhiều người tìm đến thiền, đến liệu pháp suy nghĩ tích cực và đọc sách vở để kiểm soát giọng nói trong đầu này. Nếu bạn có thể tập cho con ý thức và thói quen điều khiển những suy nghĩ của chính mình từ tuổi teen, con sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần của mình hôm nay và tương lai.

Giang Trần

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.