Có một dạo, hình ảnh những bóng “áo xanh tình nguyện” đứng nắm tay nhau giữa lòng đường để phân luồng giao thông đã tạo nên nhiều tranh luận ồn ào trên mạng xã hội. Một số bậc cha mẹ cũng vì vậy mà trở nên ngần ngại khi đề cập đến việc cho con đi làm thiện nguyện. Điều này có đúng không? Và nếu thiện nguyện thực sự hữu ích, cha mẹ nên dạy con về hoạt động này như thế nào?
Nhà mình đâu là “đại gia” mà con đi làm thiện nguyện?
Quen nhìn hình ảnh các doanh nhân, nghệ sĩ, hoa hậu giàu có đi làm từ thiện trên mặt báo, một số người có suy nghĩ: “phải nhiều tiền hẵng tính đến việc cho đi” từ đó kết luận công việc thiện nguyện “không phải là trách nhiệm của mình”, “tiền bạc đó ăn tiêu còn hợp lí hơn”. Tuy nhiên, đây là cách hiểu chưa đúng. Nếu quan niệm “phải thật giàu mới làm thiện nguyện” thì những thứ ta trao đi đôi khi chẳng khác gì “đồ thừa ra” – phân phát để nhận lại tiếng tăm hoặc đơn giản là “ve vuốt” lòng tự mãn mà chưa chắc liệu người nhận đã thực sự cần.
Thiện nguyện, hiểu đơn giản, là các hoạt động giúp đỡ người khác, tạo ra giá trị cho cộng đồng, được trao đi với tinh thần hoàn toàn vô tư. Làm thiện nguyện vì thế không phân biệt nhiều tiền hay ít tiền. Tổ chức một buổi diễn văn nghệ nhỏ, thu thập rác ở một con kênh hay hướng dẫn các em nhỏ vùng cao học Tiếng Anh – những điều bình dị, đôi khi chẳng tốn của chúng ta xu nào, lại là những việc thiện rất đẹp, rất ý nghĩa.
Con còn trăm thứ phải học, phải làm, thời gian đâu mà lo chuyện của người khác?
Đồng ý việc “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” rồi, các bậc cha mẹ vẫn băn khoăn việc liệu những hoạt động này có lấn chiếm vào thời gian học tập, sinh hoạt của con không? Một bác phụ huynh khi được hỏi còn chép miệng: “Nó cứ đi suốt cả ngày, hết câu lạc bộ này đến hội nhóm kia, đúng là vác tù và hàng tổng”.
Thực ra chúng ta thường chỉ quan tâm nhiều đến việc học trên lớp – tập trung vào kiến thức. Trong khi đó, tham gia vào các hoạt động thiện nguyện chính là cách học kĩ năng sống, bồi đắp nhân cách cực kì hiệu quả, giúp các con phát triển toàn diện hơn. Cha mẹ có thể coi những hoạt động này như trải nghiệm ngoại khoá của con vậy. Điều này lí giải tại sao các trường đại học lớn trên thế giới thường kì vọng thấy được công việc thiện nguyện trong các hồ sơ xin học bổng của sinh viên xuất sắc. Một số tổ chức giáo dục còn tích hợp những hoạt động này vào chính chương trình đào tạo của mình.
Làm việc thiện ngay từ trường, cùng bạn bè – tại sao không?
Ở RMIT, sinh viên có lẽ đã quen thuộc với cái tên “Plan the seed” – dự án cộng đồng nằm trong chương trình phát triển kĩ năng cho từng cá nhân. Gần đây nhất, nhóm các con Linh Giang, Quốc Đại, Minh Thư đã được trường cử đến Koto – tổ chức thiện nguyện nước ngoài chuyên đào tạo trẻ cơ nhỡ thành nhân sự trong ngành nhà hàng. Với mục tiêu lớn nhất là gây quỹ mở thư viện cho học sinh trường Phú Đông, huyện Ba Vì, Minh Thư phụ trách nhóm làm túi đi chợ tái sử dụng, Quốc Đại bán cây cảnh, còn Linh Giang bán ống hút thủy tinh – ba con “lăn xả” ngày đêm để xây vốn. Kết quả, một thư viện với hàng trăm đầu sách đã được các con trao tặng cho trường.
Trò chuyện về trải nghiệm “khó nhằn” này, Minh Thư cho biết, con học được kỹ năng lãnh đạo, cách truyền động lực, khả năng sáng tạo, chấp nhận rủi ro và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm vào hồ sơ xin việc ngay từ những năm đầu đại học. Trong khi đó, Quốc Đại khẳng định: “Cả nhóm đã học được nhiều kỹ năng mềm theo cách hào hứng nhất.”
Tôi tin, những gì các con học được là nhiều hơn thế. Bằng những ngày tháng “bán buôn” để đem sách về trường cho các em nhỏ, các con đã biết cách chuyển một kế hoạch kinh doanh từ trang giấy ra đời thực, cách làm việc chuyên nghiệp, cách giao tiếp với nhau và cả cách yêu thương những người xung quanh. Bởi lẽ, giúp đỡ người khác tưởng dễ mà khó vô cùng. Giúp đúng việc, đúng cách, giúp với tấm lòng của những người bình đẳng chia sẻ với nhau – là điều mà tôi không chắc liệu cả những người lớn như chúng ta có phải lúc nào cũng làm được hay không.
Và đó cũng chính là bài học lớn nhất của thiện nguyện.
Giang Nguyễn