Dạy con đối mặt với sự mất mát

Ở lứa tuổi teen, các con đã bắt đầu phải đối mặt với sự mất mát, đôi khi là một người thân trong gia đình, hoặc một người con có quen biết. Khái niệm cái chết đối với con trước đây thật xa xôi thì tới khi có một người thân nằm xuống, từ đây mãi mãi vắng bóng trong đời, con mới vỡ lẽ hoá ra cái chết thật gần. Tuổi teen, con chưa hẳn là người lớn để chịu đựng nỗi đau quá mới mẻ và xa lạ này, nhưng cũng vừa đủ lớn để có những cảm xúc thẳm sâu và phức tạp.

Văn hoá của Việt Nam thường tránh nói đến cái chết, nhưng với vai trò là cha mẹ, hơn ai hết bạn luôn hiểu rằng đời người là hữu hạn, và tới một lúc nào đó chúng ta sẽ phải chia tay những người thân yêu mãi mãi. Nếu điều đó không may xảy ra, thì đây là một số thông tin hữu ích giúp bạn cùng con đi qua nỗi đau và cho con trưởng thành hơn.

1. Hãy khóc, đừng che giấu cảm xúc

Trong những giai đoạn này, khóc là hoàn toàn tự nhiên và lành mạnh. Khóc giúp não bộ giảm stress và xả ra những độc tố tích tụ do buồn phiền. Khóc khiến chúng ta nhẹ lòng hơn. Sao lại phải xấu hổ vì mình cảm thấy buồn đau khi người thân qua đời? Nhiều ba mẹ cố tỏ ra mạnh mẽ, không khóc trước mặt con hoặc ngăn con đừng khóc, cách này không giúp ích gì cho quá trình phục hồi sau chuyện buồn, chỉ làm nỗi buồn chìm xuống rất sâu khó mà tan đi. Thêm nữa, con cái sẽ học từ ba mẹ cách đối diện với nỗi buồn, bạn muốn các con bắt chước đè nén nỗi buồn từ đó sinh ra những vấn đề phức tạp trong tâm lý, hay muốn con được thả lỏng và ngồi lại chia sẻ nỗi buồn cùng nhau?

2. Nói về điều đó

Hãy chia sẻ, hãy nói ra, nói về cảm xúc của mình, nỗi buồn của mình, về những kỷ niệm hay câu hỏi về người đã khuất. Nói ra trong vài ngày, vài tuần, thậm chí vài năm nếu đó là điều con và cả nhà cần để chữa lành nỗi đau. Người Việt Nam thường ít có thói quen này, thường cho rằng chuyện gì buồn thì để cho qua nhắc lại làm gì. Nhưng thực ra, càng cố quên lại càng nhớ, trong khi càng nói ra càng được chia sẻ và nhẹ lòng. Thêm vào đó, càng được nói đến nhiều, chuyện buồn càng trở nên bình thường và ít có quyền kiểm soát lên tâm trạng của mọi người. Vì vậy hãy chủ động khơi gợi để con nói ra và chia sẻ cùng con, đây là dịp để cả nhà lắng nghe nhau, ở bên nhau, vì vậy đừng gạt đi những cơ hội này.

3. Hiện diện bên con

Đối với trường hợp con mất đi một người bạn, ba mẹ khó mà cảm thấy đau buồn như con hay hiểu được cảm giác và suy nghĩ mà con đang có. Những lúc như vậy hãy dành thời gian hiện diện bên con, hỏi han lắng nghe con bất cứ khi nào con cần nói ra và để con yên tĩnh khi con muốn. Nhắc con ăn uống nghỉ ngơi để không tổn hại sức khoẻ, nấu món con thích, rủ con đi dạo nhẹ nhàng… Tôn trọng mọi cảm xúc của con, để con khóc và chia sẻ những thứ trong lòng.

4. Nói về tự tử

Đặc biệt hơn, nếu một người quan trọng với con như một người bạn hoặc người thân tự tìm đến cái chết, hãy thảo luận cùng con về vấn đề này, công khai, điềm tĩnh. Đừng cố giấu giếm, tránh né hoặc mắng con chủ đề này là cấm kỵ. Hãy nói với con về những bệnh tâm lý, về việc nói ra và không có gì xấu hổ khi tìm kiếm sự giúp đỡ, rằng cái chết không giải quyết được gì cả, nó chỉ để lại thêm nỗi đau và những dấu hỏi cho những người ở lại thôi. Tuổi teen là lứa tuổi nhiều cảm xúc và liều lĩnh nhưng đồng thời cũng đã có khả năng phân tích và ra quyết định, vì vậy đừng bưng bít sự thật với con mà hãy chắc rằng con hiểu nó đúng đắn.

Vượt qua nỗi đau mất người thân không phải điều dễ dàng, nhưng đây là dịp quan trọng để con hiểu rằng chúng ta ai rồi cũng chết và con chỉ có một khoảng thời gian hữu hạn trên đời. Ý thức về cái chết sẽ giúp con trưởng thành hơn, biết cảm thông với người khác hơn và biết sử dụng thời gian của mình hữu hiệu hơn.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.