Có một sự thực là: nhiều bạn trẻ gặt hái được những kết quả xuất sắc ngay từ khi còn rất nhỏ và bị mắc kẹt trong chiếc kén của những thành công sớm ấy. Vậy, làm thế nào để cha mẹ có thể cùng con gỡ bỏ khúc mắc này và tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới phía trước? Bài viết này có thể đem lại những ý tưởng hay cho cha mẹ khi trò chuyện và tư vấn cho con.
Cảm xúc hụt hẫng không của riêng ai
Những thiên tài nhí luôn phải chịu áp lực nặng nề từ sự kỳ vọng. Vượt qua cái bóng của chính mình là ám ảnh thường trực, là thước đo thành công cho mọi bước đi trong cuộc sống. Đối với họ, trở thành một người bình thường đồng nghĩa với thất bại.
Ở một mức độ thấp hơn, con cái của chúng ta cũng đang phải đối mặt với những âu lo như vậy. Những thành tựu đầu đời – giải thưởng cao trong một kỳ thi danh giá, một video có lượng chia sẻ khủng hay đơn giản là việc có nhiều bạn bè ở trường đã trở thành những niềm tự hào không dễ quên với các con. Vì thế, khi bước vào môi trường mới và thấy mình “không còn giỏi như trước nữa”, các cô cậu tuổi teen này sẽ rất dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng, nuối tiếc, thậm chí tự cô lập bản thân vì thấy mình không còn giá trị trước những người xung quanh.
Thành công chỉ là một phần của cuộc sống
Đối diện với tình huống này, trước tiên cha mẹ cần xoa dịu cảm xúc của con bằng cách khẳng định rằng: thất bại sau khi đã thành công không phải điều gì đáng xấu hổ. Bởi lẽ, con người không hoàn hảo và chẳng ai có thể liên tiếp tạo ra những dấu mốc rực rỡ.
Không chỉ vậy, con cũng cần hiểu rằng, thành công không phải là đích đến, mà là nỗ lực không ngừng nghỉ. Ngay cả khi con đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào rồi, thì vẫn còn rất nhiều thử thách khó hơn đang chờ đợi phía trước. Bởi vậy, thay vì sống mãi với hào quang từ một giải thưởng hay níu kéo những mối quan hệ cũ kĩ, con nên nhìn về tương lai và đặt ra cho mình những mục tiêu mới.
Con có thể làm gì?
Hậu quả của khủng hoảng hậu thành công là việc con cảm thấy mất động lực và dần trở nên lười biếng, tự ti. Sau khi trò chuyện và giải thích kỹ lưỡng cho con, cha mẹ có thể giúp con lấy lại sự say mê của mình bằng nhiều cách.
Lập kế hoạch dài hạn cho những năm sắp tới sẽ hướng con đến những mục tiêu xa hơn trong tương lai thay vì đắm chìm trong hào quang quá khứ. Chinh phục một cuộc thi mới, đầu tư nghiêm túc vào một kênh Youtube hay thử sức với công việc thực tập đầu tiên – con hoàn toàn có thể phát huy điểm mạnh của mình qua những kế hoạch như vậy.
Sau khi đã vạch ra được hướng đi, tập thói quen ghi lại những việc mình đã làm được sẽ giúp con thấy được sự tiến bộ của bản thân qua thời gian, vượt qua cảm giác “mình càng ngày càng kém cỏi đi”.
Bên cạnh đó, tham gia các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ cũng là liều thuốc hiệu quả cho tâm lý nuối tiếc quá khứ này. Tiếp xúc với nhiều người trẻ năng động, con sẽ được thử sức với nhiều vị trí khác nhau, được trao nhiều cơ hội để tạo nên những dấu mốc mới hơn. Không chỉ vậy, quá trình tiếp xúc, làm việc này cũng sẽ giúp con nhận ra rằng: thế giới này thực ra rất rộng lớn và còn rất nhiều điều để khám phá.
Xét đến cùng, vượt qua khủng hoảng hậu thành công là bài học “biết mình, biết ta” – con không hề kém cỏi, nhưng cũng còn rất nhiều người khác đang nỗ lực từng ngày ngoài kia. Cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng: luôn nỗ lực hết mình trong từng chặng đường của cuộc sống, chính là thành công lớn nhất, bền bỉ nhất.
Giang Nguyễn