Đạo văn là gì và làm sao để giúp con không đạo văn?

Đạo văn là một vấn nạn rất phổ biến ở Việt Nam. Rất nhiều người đạo văn một cách vô ý thức do không hiểu rõ khái niệm này. Bài viết sau sẽ làm rõ khái niệm đạo văn, cũng như cách để cha mẹ giúp con tránh thói quen đạo văn ngay từ khi còn đi học.

Đạo văn là gì?

Đạo văn là hành vi ăn cắp hay sử dụng sản phẩm và ý tưởng của ai đó mà không ghi rõ nguồn, hoặc coi như đó là sản phẩm của bản thân mình. Đạo văn là một hành động được coi là tối kỵ trong học tập và nghiên cứu, vì nó để lại những hậu quả khá nặng nề cho cả người đạo văn và xã hội. Hiện nay, đạo văn bị bài trừ gắt gao trên khắp thế giới. Sinh viên có hành vi đạo văn có thể phải chịu những hình phạt nặng nề như bị đuổi học, phạt tiền, thậm chí còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tại Việt Nam, đạo văn đang là một vấn nạn trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, khoa học, xuất bản… Thế nhưng, chưa có một chương trình học thuật nào đào tạo bài bản cho học sinh về đạo văn, cũng như cách phòng tránh thói quen đạo văn ngay từ khi còn nhỏ.

Làm thế nào để giúp con phòng tránh đạo văn?

1. Hiểu rõ khái niệm về đạo văn

Nhiều người ý thức rằng đạo văn là xấu và nên tránh. Thế nhưng, họ lại không hiểu rõ về đạo văn, nên nhiều khi vô tình phạm phải. Hiểu rõ bản chất về đạo văn giúp con hạn chế việc đạo văn ngoài ý muốn.

Dưới đây là một số biểu hiện cụ thể về đạo văn:

  • Thuê người khác viết hộ bài luận
  • Cố tình biến ý tưởng, bài luận của người khác thành của mình
  • Tải và sử dụng một hay nhiều bài báo trên mạng mà chưa xin phép bản quyền

2. Nắm rõ quy định về trích nguồn

Ngay cả không sao chép ý tưởng hay sản phẩm của người khác, nhưng không trích nguồn hay trích nguồn không đúng quy định cũng bị coi là đạo văn. Chính vì thế, trích nguồn được coi là một phần bắt buộc trong chương trình đại học. Qua việc trích nguồn, sinh viên có cơ hội rèn luyện thói quen thu thập thông tin tham khảo, và tránh khỏi đạo văn ngoài ý muốn.

Ngay từ khi còn đi học, con cần hình thành thói quen trích nguồn khi lấy thông tin, dữ liệu, biểu đồ, hình ảnh minh họa,… của người khác. Ngoài ra, con cũng cần nắm vững các phương pháp và quy định về trích dẫn tài liệu.

3. Tập diễn đạt ý tưởng theo nhiều cách khác nhau

Thay đổi cách thể hiện ý tưởng là một cách sáng tạo để tránh khỏi đạo văn. Con có thể tập thể hiện ý tưởng của mình theo một số cách như sau:

  • Thay đổi cấu trúc câu văn
  • Dùng từ đồng nghĩa
  • Thay đổi dạng của câu văn

Bên cạnh tác dụng phòng chống đạo văn, phương pháp này còn giúp con cải thiên kỹ năng diễn đạt ngôn ngữ – vốn rất cần thiết cho công việc và cuộc sống sau này.

Quan điểm của RMIT về đạo văn

Tại Đại học RMIT, đạo văn là hành vi bị nghiêm cấm, và bị xử phạt rất nặng. Để phòng chống tệ nạn này, tất cả sinh viên tại RMIT đều phải trải qua khóa đào tạo về phòng chống đạo văn. Việc tìm kiếm thông tin cũng được quy định rất nghiêm ngặt. Mọi thông tin được sử dụng trong bài luận, bài tập nhóm, hay luận văn tốt nghiệp phải có nguồn gốc đáng tin cậy, và phải được trích dẫn nguồn theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, để kiểm soát nạn đạo văn, mọi bài luận của sinh viên đều được quét qua công cụ phát hiện đạo văn có tên là “Turnitin”. Nếu bị phát hiện đạo văn, sinh viên có khả năng bị chấm điểm “0”, thậm chí có nguy cơ bị trượt môn học khá cao.

Thông qua những quy định nghiêm khắc về đạo văn, Đại học RMIT cam kết xây dựng môi trường đào tạo minh bạch, công bằng.

Kết luận

Hy vọng bài viết này đã cung cấp những thông tin hữu ích về đạo văn cho cha mẹ. Đại học RMIT tuân thủ nghiêm ngặt về phòng chống đạo văn và đào tạo trích dẫn theo đúng chuẩn quốc tế. Không những vậy, phương pháp giáo dục này của RMIT còn giúp cho sinh viên có thái độ tôn trọng ý tưởng của người khác, và rèn luyện ý thức chủ động tìm tòi, sáng tạo.

Trang Trần


👉 Tìm hiểu thêm về RMIT và đời sống sinh viên tại ĐÂY

👉 Đọc thêm:

5 kỹ năng đại học con có thể thử ngay từ cấp 3

4 điểm khác biệt trong phương pháp học tập ở bậc phổ thông và đại học

Những điều mới mẻ con cần làm quen khi vào đại học

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.