“Cuộc sống không phải là một vấn đề cần giải quyết mà là một hiện thực để trải nghiệm.” – Soren Kierkegaard

“Làm thế nào thì đúng?” “Chọn cái gì mới chuẩn?” là những câu hỏi thường trực của tuổi 18.

Chính vì vậy mà ngày càng nhiều bạn trẻ chọn gap year (năm trống) làm điểm đến sau khi kết thúc 12 năm học phổ thông hay 4 năm đại học. Đơn giản bởi người trẻ rất cần, rất khát trải nghiệm.

Các bậc cha mẹ lý trí luôn mong mỏi cuộc sống của con mình sẽ giống như một bài toán đã giải xong – tinh tươm, đơn giản và “nằm trong dự đoán”. Thế nhưng, giữa những đổi thay chóng mặt của thế kỷ này, giữa “bi kịch của việc có quá nhiều lựa chọn”, khi người trẻ ngày càng hoang mang trước việc mình là ai, mình nên làm gì, đôi khi lời giải không thể, và cũng không nên, tìm kiếm trong một sớm một chiều. 

Tôi vẫn rất ấn tượng với cuốn tiểu thuyết “nổi loạn” về cuộc sống trung học Mỹ – “Bắt trẻ đồng xanh”. Ở đó, giống như cậu bé 17 tuổi Holden Caulfield, nhân vật chính, tuổi trẻ gắn liền với va vấp, thất vọng và cả sợ hãi. Và chẳng có gì giúp các con vượt qua điều này, trưởng thành hơn ngoài trải nghiệm. Thất bại ở nơi này giúp con nhận ra mình có cơ hội thành công ở những nơi khác. Thất bại liên tiếp giúp tôi rèn một trong những phẩm chất quan trọng nhất của người thành công – tính bền bỉ, sự “lì lợm” trước mọi thử thách. 

Không chỉ vậy, có nếm trải cảm giác chật vật leo lên những ngọn núi, con mới nhận ra rằng, thực ra phần thưởng không phải lúc nào cũng nằm ở đích đến. Căng mình với những trải nghiệm muôn màu, con có cơ hội thấy được những điều đẹp đẽ của cuộc sống, vui vẻ thấy mình sống trọn vẹn hơn mỗi ngày, và đâu đó, tìm được câu trả lời tâm đắc nhất, không chỉ cho câu hỏi “nên làm như thế nào?”, mà còn là “liệu làm điều này thì mình có hạnh phúc hơn không?”

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.