Chúng ta thường hoài nghi trước những điều mới mẻ, khác biệt và dễ “chụp mũ” chúng là “sai trái”, “lập dị”. Thế nhưng, sự thực hoàn toàn không phải vậy, chính nhờ những cá nhân dám nghĩ khác, làm khác và bảo vệ cái khác của mình mà thế giới mới trở nên thú vị hơn, sáng tạo và đầy cảm hứng.
“Du lịch khắp thế giới trên chính chiếc xe máy của mình” nghe thật điên rồ. Nhưng đó là hành trình có thực đầy cảm hứng mà Trần Đặng Đăng Khoa đã viết nên cho tuổi trẻ của mình. Trên sóng đài truyền hình VTV, anh xuất hiện giản dị và đầy say mê kể về những chuyến đi “không resort”, “không máy bay”, “không nghỉ dưỡng” của mình.
Với Nguyễn Huyền Châu, hạnh phúc là khi ta có thể theo đuổi những gì bản thân cảm thấy ý nghĩa. Không chỉ được biết đến như cô gái người Việt dưới 30 tuổi đầu tiên được mời tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, cuộc sống của Châu còn ghi dấu những hoạt động đầy cảm hứng. Đó có thể là trao đi cơ hội giáo dục của các em nhỏ ở Phiêng Cành, viết nên câu chuyện về sự “ổn định” của phụ nữ vùng cao Hà Giang hay nâng niu từng rung cảm nghệ thuật đẹp đẽ với xưởng nghệ thuật Pallet. Hành trình tràn ngập cảm hứng này bắt đầu từ những ngày còn là sinh viên tại trường đại học RMIT Việt Nam, khi cô bé Châu 19 tuổi biết rằng: mình hoàn toàn có thể làm những gì mình thích, cứ thử, sai, và làm lại.
Mỗi người đều có một hệ quy chiếu riêng về hạnh phúc của mình. Với người này, nhiều tiền là vui. Nhưng với người khác, có được sự yêu mến của những người xung quanh mới là quan trọng nhất. Sự khác biệt trong mục tiêu sống ấy sẽ hình thành những lựa chọn khác nhau của mỗi chúng ta. Với những người trẻ, tôn trọng những quyết định ấy, chính là tôn trọng bản sắc và cũng là cách tốt nhất để đồng hành với các con.
Vì thế, sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có thể nói với con “Cứ khác đi, đừng sợ!”