“Cứ đi để lối thành đường” là cuốn sách viết cho cha mẹ và những người làm giáo dục, những người tâm huyết với việc hướng nghiệp cho giới trẻ của tác giả Phoenix Hồ.

Sách là những quan sát và tự sự của tác giả, được rút ra từ quá trình tư vấn hướng nghiệp cho rất nhiều học sinh, sinh viên và cả phụ huynh.

“Đã từ rất lâu tôi muốn viết về những tâm tư, nguyện vọng, trải nghiệm, cảm xúc, thất bại và thành công của mình, của các bạn trẻ mà tôi đã và đang gặp xoay quanh câu chuyện hướng nghiệp. Tôi muốn viết để chia sẻ với các bậc cha mẹ, những nhà quản lý giáo dục, các anh chị đang làm bên phía tuyển dụng của doanh nghiệp, mong rằng cuốn sách sẽ giúp họ hiểu hơn về những gì các bạn trẻ đang phải trải qua trong cuộc sống hàng ngày, liên quan đến định hướng nghề nghiệp.”

Là những bức thư được gửi riêng cho tác giả từ những “người bạn mới lớn”, những bạn trẻ đang trong hành trình “hiểu rõ bản thân” và tìm kiếm con đường sự nghiệp của chính mình.

“Cô biết không, có những buổi sáng thức dậy, em thấy cơ thể mệt nhoài, không muốn làm một điều gì hết. Những ý nghĩ tối tăm và tiêu cực liên tục chiếm lĩnh trí óc em, ngăn cản em rời giường. Những lúc ấy, em gần như phải lê mình đến phòng tắm, ra phòng ngủ, ép bản thân làm những công việc hàng ngày. Em biết mình phải học tốt, nhưng mỗi lần mở sách em lại sợ hãi mình sẽ thi rớt. Các bạn em cũng lo, nhưng họ không sợ kiểu như em. Lạ lắm cô ạ, em thường có cảm giác hai chân mình bị quấn trong đầm lầy, rút thế nào cũng không ra, cố thế nào cũng không tiến bước được. Em mệt lắm cô ơi.”

Qua những tâm tình đó, cha mẹ sẽ hiểu được rằng các con không hề vô tư như cha mẹ vẫn nghĩ, mà thật sự các con cũng có những trăn trở và nghĩ suy về tương lai của chính mình. Nếu chưa nói ra thì cõ lẽ chỉ vì con chưa tìm được cơ hội để trút bầu tâm sự.

Là những câu chuyện rất nhỏ, nhưng rất thật về tình yêu, về sự bất công của cuộc sống, về lựa chọn, nước mắt và những nỗi đau mà tác giả đã góp nhặt được trong suốt hành trình 6 năm hướng nghiệp của mình.

“Ngồi trò chuyện cùng em, tim tôi đau nhói vì gương mặt phờ phạc, đôi vai trĩu nặng và ánh mắt mệt mỏi của em. Còn đâu người em gái luôn tươi cười, tràn đầy năng lượng, không bao giờ ngừng học hỏi ngày xưa. Em ngồi đó, tâm sự về nỗi sợ đang mỗi ngày hành hạ em, đang dần tấn công sức khỏe em, và có thể gây ảnh hưởng đến khả năng làm việc hàng ngày của em nếu không ngăn chặn kịp thời. Bức tranh em phác thảo có sự hiện diện của áp lực từ gia đình trong việc luôn đứng đầu lớp những ngày còn nhỏ, luôn phải vượt qua người xung quanh, luôn cố gắng không ngưng nghỉ. Câu chuyện em kể không có lời khiển trách hay đổ lỗi cho ai khác ngoài cho bản thân em. Lắng nghe em, tôi thấy bóng dáng một bé gái cô đơn, hãi sợ, suốt những năm tháng tuổi thơ luôn cố gắng làm người lớn vui lòng bằng kết quả học tập hay sự ngoan ngoãn vâng lời của mình. Hình ảnh ấy mới xót xa làm sao.”

Là những lời khuyên, những suy nghĩ chân thành được rút ra từ hành trình tìm kiếm đam mê kéo dài nhiều năm của chính tác giả, để rồi cuối cùng, chị đã tìm được con đường cho chính mình: đó chính là trở thành người bạn của người trẻ cũng đang lạc lối, đang tìm ý nghĩa của cuộc đời mình.

Lật giở từng trang sách, cảm nhận giọng văn từ tốn, thấu hiểu và đong đầy yêu thương, tâm huyết của tác giả Phoenix Hồ, bạn sẽ cảm thấy mình như đang được ngồi đối diện với tác giả, nhâm nhi tách cafe sữa nóng và trò chuyện tâm tình trong không gian của một quán cafe ấm cúng.

Chắc chắn cha mẹ sẽ tìm được nhiều bài học quý giá trong việc trò chuyện và hướng nghiệp cho con qua cuốn sách này.

Comments

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.