Công nghệ Thực phẩm và Dinh dưỡng - ngành học đang lên khi con người quan tâm hơn đến chất lượng sức khoẻ

Cha mẹ hãy nhớ lại những quảng cáo sản phẩm chúng ta thường thấy trên TV hoặc mạng xã hội, đó là những sản phẩm nào? Đó có phải là thực phẩm chức năng, sữa và các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe? Hay lần gần nhất đi chợ hay siêu thị, chúng ta mong muốn mua được thịt heo sạch, rau chuẩn Vietgap và trái cây giàu chất dinh dưỡng. Tất cả những điều trên thể hiện nhu cầu quan tâm đến sức khỏe ngày càng nhiều hơn của con người, kéo theo sự lên ngôi của ngành Công nghệ thực phẩm.

Khi nghe tới Công nghệ Thực phẩm và Dinh dưỡng, suy nghĩ đầu tiên dễ xuất hiện trong đầu chúng ta đó là những công việc phải tiếp xúc nhiều với máy móc, làm trong các khu công nghiệp, chợ chứ không phải các công việc văn phòng như những ngành nghề kinh tế. Suy nghĩ trên liệu có chính xác hoàn toàn? Học Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng chính xác là học gì? Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này ra sao? Mời cha mẹ cùng tìm hiểu ở nội dung bài viết này nhé.

Học công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng là gì học gì và hợp với ai?

Có một điểm rất hay ngoài lề đó là khi một bạn trẻ học ngành học Công nghệ Thực phẩm và Dinh dưỡng, chính bản thân bạn đó và cả gia đình đều có cơ hội nâng cao sức khoẻ. Lý do là vì những kiến thức trong ngành học này hoàn toàn có thể áp dụng để hiểu về dinh dưỡng đời sống hàng ngày của mỗi chúng ta.

Trọng tâm của ngành Công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng là hoá và vi sinh. Ứng dụng các kiến thức vi sinh và hoá học để tạo ra những món ăn ngày càng thơm ngon hơn và có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn.

Tuỳ theo định hướng người học mà có thể chọn một trong 2 nhánh Công nghệ thực phẩm hoặc Dinh Dưỡng. Công nghệ thực phẩm tập trung sâu vào công đoạn sản xuất thực phẩm, trong khi Dinh dưỡng tập trung vào sức khỏe con người và chất lượng dinh dưỡng.

Ngoài những môn học chuyên ngành kể trên, con còn được học về các nguyên lý kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng, giúp ích rất nhiều cho việc làm các công việc kinh doanh hoặc mở doanh nghiệp mảng thực phẩm sau này.

Vì thuộc nhóm ngành Khoa học, các bạn trẻ có nhóm Nghiên cứu (theo trắc nghiệm tính cách Holland) – tức những bạn ham học hỏi, tò mò thích tìm tòi khám phá, học tốt các môn Hoá – Sinh trong cấp 3 sẽ rất phù hợp với ngành học này. Ngoài ra, những bạn có nhóm Quản lý – Xã hội có thể vẫn học tốt ngành này để ứng dụng cho việc mở công ty riêng, tư vấn dinh dưỡng hoặc làm ở các bộ phận bán hàng các công ty thực phẩm.

Những con đường nghề nghiệp khi con tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng

Cha mẹ hãy tưởng tượng ở một siêu thị lớn như AEON Mall hay GO! (BIG C) hay những công ty về thực phẩm/gia vị như Masan, Nestlé, DH Food, một sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng có thể đóng góp ở nhiều vai trò khác nhau cho doanh nghiệp này như:

🌻Nghiên cứu và phát triển ra các thực phẩm mới cho doanh nghiệp;

🌻Làm việc ở bộ phận Marketing hoặc quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm của doanh nghiệp;

🌻Giám sát chất lượng thực phẩm đầu ra và đầu vào của doanh nghiệp.

Ở khía cạnh khác, khi tốt nghiệp ngành Công nghệ Thực phẩm và Dinh dưỡng, con có thể mở doanh nghiệp riêng về thực phẩm, tư vấn dinh dưỡng cho các bếp ăn doanh nghiệp lớn nhỏ hoặc trở thành một chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cá nhân cho người có nhu cầu (ví dụ các vận động viên thể thao).

Với những bạn mong muốn phát triển sâu hơn nữa và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này, con có thể chọn học cao học về ngành này ở nước ngoài, từ đó có kiến thức bổ trợ làm các vị trí giảng viên hoặc nghiên cứu sinh trong lĩnh vực này.

Công nghệ thực phẩm là ngành có nhiều cơ hội làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là ở những quốc gia có nền công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Theo thống kê, công nghệ thực phẩm là một trong 5 ngành được phía Nhật Bản tuyển nhiều nhất khi thuê người lao động từ Việt Nam. Mức lương của kỹ sư công nghệ thực phẩm đi làm việc ở Nhật thường dao động khoảng 180.000 yên đến 230.000 yên (khoảng 40 đến 50 triệu đồng/tháng).

Mức lương trung bình trong ngành công nghệ thực phẩm tại Mỹ là 58.500 USD/năm (tương đương hơn 1,2 tỷ đồng/năm) (theo Salary.com). Với người mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, thu nhập sẽ ở mức 34.916 USD/năm (gần 800 triệu đồng/năm). Tại Việt Nam, bạn sẽ nhận mức lương khoảng 7 đến 15 triệu đồng/tháng khi mới ra trường (theo khảo sát một số tin tuyển dụng tại TopCV) và 50-70 triệu đồng/tháng cho các vị trí quản lý (theo báo cáo lương 2022 của Adecco).

Như đã chia sẻ ở đầu bài, nhu cầu về dinh dưỡng chất lượng hiện tại rất cao, tuy nhiên số người có năng lực chuyên môn cao về ngành này chưa nhiều – vì vậy đây là một thị trường rất tiềm năng ở thời điểm hiện tại ở Việt Nam.


👉 Tìm hiểu thêm về ngành Cử nhân Công nghệ Thực phẩm và Dinh dưỡng tại RMIT

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.