CON TỪ CHỐI THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG GIA ĐÌNH, CHA MẸ PHẢI LÀM SAO

Còn gì tuyệt vời hơn nếu cả nhà có thể cùng nhau đi chơi hay dùng bữa vào dịp cuối năm, đặc biệt là khi Giáng sinh và năm mới đang cận kề. Và sẽ hụt hẫng làm sao khi cha mẹ cất công chuẩn bị nhưng cuối cùng con lại vắng mặt.

Lúc đó, hẳn cha mẹ sẽ băn khoăn rất nhiều điều. Có phải vì hoạt động không đủ hấp dẫn? Là cha mẹ chưa hiểu con, hay chính con đang thờ ơ với gia đình? Trong hoàn cảnh ấy, cha mẹ vừa không muốn ép buộc con, nhưng lại vừa không muốn bỏ lỡ cơ hội gắn kết tình cảm gia đình.

Để dung hòa được những mong muốn khác nhau của các thành viên thật sự không hề dễ dàng, nhất là khi trong nhà có nhiều thế hệ với đa dạng các nhu cầu khác nhau. Vậy cha mẹ phải làm sao? Xin mời cha mẹ cùng đọc bài viết dưới đây để tìm giải pháp.

Con từ chối có phải là vô tâm?

Trước hết, xin cha mẹ chớ vội cho rằng con vô tâm. Rất có thể sâu bên trong, còn có những nguyên do khác khiến con chưa sẵn sàng tham gia các hoạt động cùng cả nhà.

📍 Con từ chối vì không muốn lạc lõng

Đến một nơi chỉ có người lớn, con không có ai đồng trang lứa để chia sẻ. Nói chuyện với người lớn cũng không phải lựa chọn ưu tiên bởi sự khác biệt về mối quan tâm giữa các thế hệ khiến con khó tìm được chủ đề chung.

📍 Con từ chối vì không cảm thấy vui vẻ

Bất cứ ai cũng sẽ muốn dành nhiều thời gian hơn ở những nơi khiến bản thân cảm thấy vui vẻ, được tự do chia sẻ, học hỏi và khẳng định bản thân. Và con cũng vậy. Nếu con không cảm thấy vui vẻ và thoải mái ở những hoạt động trước đó, thì rất có thể con không muốn tham gia các buổi tiếp theo nữa.

📍 Con muốn dành thời gian cho bạn bè

Ở bên bạn bè rất khác với cha mẹ. Vì cùng lứa tuổi, lại chung sở thích, con dễ dàng trò chuyện và cảm thấy vui vẻ. Bên cạnh đó, con gặp gỡ cha mẹ hàng ngày, nhưng lại không thường xuyên được đi chơi với bạn bè, vậy nên khi có cơ hội thì con sẽ muốn dành thời gian cho những người bạn đó.

Nếu cha mẹ muốn con dành nhiều thời gian cho mình hơn, thì có một vài cách mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng có thể làm được nếu thật sự nghiêm túc. Những cách này tốt hơn bất kỳ sự ép buộc hay khiển trách nào. Cha mẹ cùng tham khảo những gợi ý tiếp theo đây nhé.

👉🏻👉🏻 Không cần “thuyết phục” con, thử ngay 4 cách này sẽ con vui vẻ tham gia các hoạt động cũng gia đình.

✔️ Điều chỉnh/Cố định lịch trình

Mục đích lớn nhất của tụ họp gia đình là kết nối mọi người, do đó, ưu tiên số một là tất cả đều có mặt. Chính vì vậy, cha mẹ có thể điều chỉnh thời gian tổ chức để phù hợp với lịch trình của con. Việc này còn cho thấy cha mẹ đang tôn trọng thời gian của con. Đồng thời, cha mẹ nên thông báo về lịch trình với con trước càng sớm càng tốt để con chủ động sắp xếp thời gian của mình. Lý tưởng là từ 1 đến 2 tuần. Điều này thể hiện cha mẹ là người làm việc có kế hoạch và tin tưởng vào khả năng sắp xếp thời gian của con.

✔️ Chuẩn bị tâm lý cho con

Cha mẹ nên trao đổi trước về kế hoạch của buổi họp mặt. Cụ thể, thời gian tổ chức dài bao lâu, có những hoạt động nào, có những ai dự kiến tham gia. Quan trọng là không nên kéo dài thời gian quá lâu so với dự kiến, điều này sẽ khiến tất cả mọi người không vui chứ không chỉ riêng con.

✔️ Con chủ trì, cha mẹ chủ chi

Đừng ngại trao cho con cơ hội đứng ra tổ chức một vài bữa tiệc trong năm, ví dụ như tiệc sinh nhật, Giáng Sinh, hay Tết dương lịch. Việc giao trách nhiệm giúp con cảm thấy mình là một phần của gia đình, từ đó con cũng sẽ hiểu cha mẹ hơn.

✔️ Bắt trend giới trẻ

Cha mẹ có thể tìm hiểu một số xu hướng vui chơi gia đình đang thịnh hành ngày nay. Ví dụ như cắm trại, leo núi, hay tham gia các giải chạy bộ. Biết đâu con sẽ thích thú với những hoạt động đó hơn? Thêm nữa, việc này cũng khuyến khích cha mẹ thử những điều mới mẻ để hiểu thêm về tuổi trẻ các con.

Đọc thêm: Gen Z bây giờ xem/nghe/đọc gì?

👉🏻👉🏻 Chú ý một chút, cả nhà đều vui

Cuối cùng, để hoạt động gia đình được trọn vẹn nhất, RMIT muốn lưu ý một số vấn đề như sau.

Hãy tránh nhắc đến thông tin riêng tư của con. Việc muốn chia sẻ những khoảnh khắc về con là đúng đắn, nhưng trước đó, cha mẹ có thể hỏi con trước rằng “Cha, mẹ kể chuyện này với mọi người có được không?” hay “Con có muốn tự kể không?”.

Không thể bỏ qua việc đứng ra bảo vệ con trước những lời phán xét, bình phẩm. Nếu có ai đó nhận xét không hay về ngoại hình, kết quả học tập, hay hành động nào đó của con, đừng ngại nói vài lời để bảo vệ hoặc an ủi con. Điều này sẽ giúp con cảm thấy an toàn và bớt ngại ngùng trước những buổi gặp mặt hơn.

Đọc thêm: Chỉ con cách ứng xử lịch sự trước những lời góp ý

Lắng nghe thật nhiều và tránh nổi nóng cũng là điều cha mẹ có thể làm. Ở Việt Nam, không ít các buổi tụ họp gia đình từ vui vẻ lại trở nên căng thẳng. Nguyên nhân có thể đến từ sự thiếu kiên nhẫn từ cả 2 phía, song, bởi cha mẹ là người lớn nên có khả năng hòa giải, gỡ rối tốt hơn.

Đọc thêm: 4 cách xử lý để giải quyết “êm” những lỗi sai của con

Cuối cùng, dù nỗ lực đến đâu thì không bậc cha mẹ nào có thể hoàn toàn tránh được tâm lý thất thường của tuổi trẻ. Vì vậy, cha mẹ vẫn nên cùng con trao đổi để tìm ra cách giải quyết phù hợp nhất với trường hợp của mỗi gia đình. Bởi tình cảm là thứ cần thời gian và thử thách, có vượt qua được thì cả nhà mới hòa thuận và thấu hiểu lẫn nhau hơn, cha mẹ nhé!


👉 Đọc thêm những bài viết hay trong mục Nuôi Dạy Con

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.