CON TRÁCH MÓC CHA MẸ, PHẢI LÀM SAO?

Là cha mẹ, chúng ta luôn yêu thương, giúp đỡ, dành những điều tốt nhất cho con. Thế nhưng, xuyên suốt hành trình nuôi dạy con cái, sẽ không thể tránh khỏi những lúc cha mẹ phạm sai lầm hay thiếu sót khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con không được như ý. Sẽ có những lúc con chẳng hiểu thấu hết nỗi lòng cha mẹ, sẽ có những lúc con bồng bột trách móc cha mẹ sao không thế nọ sao không thế kia như cha mẹ người ta…

Những lúc như vậy, chắc hẳn cha mẹ sẽ thấy bối rối, bất lực, buồn bã và cả thất vọng. Chẳng lẽ không có cách nào để con biết đón nhận mọi thứ với lòng biết ơn và thấu hiểu cho cha mẹ hay sao? RMIT hy vọng rằng bài viết ngày hôm nay sẽ giúp giải đáp được phần nào khúc mắc đó trong lòng cha mẹ, đặc biệt là vào những khi cảm thấy tổn thương khi gặp mâu thuẫn với con cái.

Vì sao con cái lại trách móc cha mẹ?

Từ phía con, ở độ tuổi còn trẻ, các con rất nhiệt huyết, thông minh, giàu năng lượng, tự tin và không ngừng phát triển bản thân. Tuy nhiên cho dù có thế nào đi chăng nữa, thì con cũng vẫn là những cô bé cậu bé tuổi teen và chưa có đa dạng trải nghiệm về thế giới.

Mọi thứ xảy ra với con đều rất mới mẻ, và không phải bạn trẻ nào cũng có đủ bản lĩnh để đối mặt và chịu trách nhiệm cho mọi hành động của bản thân. Có những bạn khi không đạt được những điều mình muốn thì lại mang tâm lý hơn thua, ghen tỵ với người khác. Và việc con đổ lỗi cho ai đó, thường là để biện minh cho những thiếu sót của mình.

Thêm nữa, khi con còn nhỏ, thay vì nghiêm khắc uốn nắn và giải thích cho con mỗi khi mắc sai lầm, thì nhiều người lớn lại nghĩ rằng em còn nhỏ chưa hiểu chuyện, từ đó cũng xuề xòa mà cho qua. Dần dần, việc có một ai đó chịu trách nhiệm thay mình dường như đã trở thành một thói quen khó bỏ.

Một điểm cuối cùng mà có lẽ cha mẹ nên từ từ nghiền ngẫm thêm. Đó chính là liệu những mối quan hệ gần gũi với con như ông bà, cha mẹ, anh chị em hay bạn bè thân thiết xung quanh có thói quen đặt mình vào vị trí “nạn nhân” hay không. Rất nhiều người tuy rằng vô tình, nhưng lại rất thường xuyên than thở và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Và đó cũng có thể là nguồn gốc cho hành vi không tốt của con.

Nếu không thay đổi, con sẽ là người thiệt thòi nhất

Cũng giống như nhiều thói quen xấu khác, việc thường xuyên đổ lỗi, đặc biệt là đổ lỗi cho cha mẹ, sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tương lai của con. Nếu không kịp thời sửa đổi, có rất nhiều hệ quả xấu có thể xảy đến như:

📍 Đánh mất năng lực tự chủ

Khi trưởng thành, liên tục trách móc người khác đồng nghĩa với việc không tự quản lý được chính bản thân mình. Một người thiếu trách nhiệm sẽ đánh mất niềm tin và sự tôn trọng từ những người xung quanh. Và cũng đồng thời bỏ lỡ rất nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc, sự nghiệp sau này.

📍 Tăng tính kiêu ngạo và giảm khả năng khiêm tốn

Không có điều gì xảy đến trong cuộc sống này là nghiễm nhiên. Sự quan tâm của cha mẹ và những người yêu thương con cũng vậy. Nếu không học cách biết ơn mọi thứ ngay cả khi chúng không hoàn hảo, con sẽ chẳng bao giờ biết khiêm tốn với những điều mình có. Đến khi mất đi, tất cả những gì còn lại sẽ chỉ là một đứa trẻ ngạo nghễ, không biết trân quý những giá trị trong cuộc sống.

📍 Ảnh hưởng không tốt đến hạnh phúc gia đình

Gia đình hạnh phúc là sự kết hợp của những cá nhân có trách nhiệm với bản thân và mọi người. Một khi con không thể giữ được thái độ ôn hòa và tôn trọng với chính cha mẹ của mình, thì cũng sẽ rất khó để làm điều tương tự với những thành viên trong gia đình nhỏ của con sau này. 

5 cách để khắc phục vấn đề

Hy vọng cha mẹ có thể chấp nhận một điều rằng, chỉ khi con lớn lên và trải qua những áp lực của một người trưởng thành thực thụ, con mới có thể nhận ra ý nghĩa của sự không hoàn hảo. Cho dù con có tiếp tục trách móc cha mẹ đi chăng nữa, thì cũng không thể thay đổi được một điều tuyệt vời rằng những người cha, người mẹ cho dù không hoàn hảo thì vẫn luôn dành cho con mọi điều tốt đẹp nhất.

Dưới đây là 5 gợi ý từ RMIT mà cha mẹ có thể tham khảo để giúp tình hình trở nên tốt hơn:

1️⃣ Yêu cầu con chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình, ngay cả khi con không phải người bắt đầu mọi chuyện. Bởi lẽ, khi bất cứ hoạt động giao tiếp hay tương tác nào xảy ra, một khi con đã tham gia vào thì bản thân đương nhiên cũng sẽ có một phần trách nhiệm trong đó. Ngay khi nhận thấy một hành động hay thái độ thể hiện sự thiếu trách nhiệm, hãy tìm một thời điểm thích hợp khi cả 2 đã bình tĩnh để nhẹ nhàng đặt câu hỏi cho con xem ai là những người có liên quan trong sự việc này, và trách nhiệm nằm ở những đâu.

2️⃣ Luôn yêu cầu con kết thúc những điều con đã bắt đầu. Ví dụ như nếu đã quyết định thi IELTS thì sẽ phải nghiêm túc học cho đến khi có kết quả cuối cùng. Nếu con gặp bế tắc, cha mẹ có thể giúp đỡ và động viên để con không bỏ cuộc.

3️⃣ Giao cho con những công việc phù hợp với lứa tuổi từ sớm (Ví dụ như việc nhà, hoặc giúp đỡ bố mẹ trong một số công việc cá nhân khác). Tiếp đó đặt ra mức thưởng – phạt rõ ràng để con tập có trách nhiệm hơn với phần việc của mình.

4️⃣ Đừng ủng hộ những hành vi tự thương hại, hay tâm lý lúc nào cũng cho rằng mình là nạn nhân. Trong cuộc sống ai cũng có lúc sai lầm, và khi mâu thuẫn xảy ra, ai trong câu chuyện cũng phải nhận lấy một phần tổn thương. Thay vì đồng ý với mọi cảm xúc của con, cha mẹ nên nghiêm túc tìm hiểu ngọn ngành của vấn đề, và nếu được thì khuyến khích con rằng đôi khi có thể nghĩ cho người khác nhiều hơn bản thân mình một chút.

5️⃣ Kết lại, sẽ rất khó để thay đổi được những suy nghĩ và hành vi của con trong một sớm một chiều. Để mọi chuyện trở nên tích cực hơn, điều quan trọng nhất chính là: hãy tiếp tục sống cuộc đời của mình thật tốt đẹp, thật hạnh phúc. Có vậy, cha mẹ mới có thể tiếp tục mạnh mẽ và bao dung để tin tưởng, yêu thương, tha thứ và đồng hành cùng con từ nay cho đến mãi về sau! 


👉 Kính mời cha mẹ tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các cha mẹ khác

👉 Đọc thêm các bài viết liên quan: Chỉ con cách ứng xử lịch sự trước những lời góp ý | Triết lý Sisu – giải pháp hiệu quả giúp vượt qua áp lực tuổi teen

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.