Ngày ngày xem phim, tay luôn cầm máy quay cùng một xấp giấy dày đặc chữ, hay hì hục ngồi trước máy tính hàng giờ để chỉnh sửa hậu kỳ cho một bộ phim cây nhà lá vườn của các bạn ở trường. Nếu con bạn có các biểu hiện trên thì rất có thể con được sinh ra để làm điện ảnh.
Trong bài viết này, tác giả xin chia sẻ mô tả cụ thể của 5 nghề nghiệp phổ biến trong ngành làm phim để cha mẹ hiểu hơn về ngành này, đồng thời yên tâm và ủng hộ đam mê điện ảnh của con cái.
1. Nhà biên kịch – “cha đẻ” của bộ phim
Nhà biên kịch là người phụ trách lên kịch bản, đặt nền móng đầu tiên cho bộ phim. Với giấy bút và máy tính, nhà biên kịch tạo nên một thế giới mới qua những con chữ. Ở đó có những nhân vật cuốn hút và tình tiết hấp dẫn, khó ai có thể cưỡng lại.
Công việc chủ yếu của nhà biên kịch là lên ý tưởng và viết kịch bản: kịch bản phim ngắn (5 – 10 trang A4) đến phim dài (90 – 120 trang A4) hay phim truyền hình đến cả mấy trăm trang. Chưa kể biên kịch phải phụ trách ít nhất 3 – 4 dự án cùng lúc để kịp tiến độ.
Công việc này không hề đơn giản và đi kèm nhiều áp lực. Nhưng nếu con yêu viết lách, thích kể chuyện cùng một bộ óc sáng tạo vô tận thì đây là chiếc vé cho con bước vào thế giới biên kịch vô vàn điều kì diệu.
2. Đạo diễn – “nhạc trưởng” của đoàn làm phim
Đạo diễn là người chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ quá trình thực hiện bộ phim từ đầu tới cuối. Nếu người biên kịch là người xây nền móng cho bộ phim, đạo diễn là người xây nhà lên trên bộ móng ấy.
Công việc của vị “nhạc trưởng” bao gồm rất nhiều khâu: làm việc với biên kịch để chỉnh sửa kịch bản, làm việc với nhà sản xuất để sắp xếp lịch quay, chỉ đạo đội quay trên trường quay để biến câu chữ trong kịch bản thành hình ảnh…
Một đoàn quay phim có thể gồm mười đến hàng trăm người nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng đạo diễn là một trong những người quan trọng nhất. Đạo diễn thường là người ra quyết định cuối cùng của đoàn làm phim và cũng chịu nhiều trách nhiệm nhất.
Nghề đạo diễn luôn yêu cầu sự tổng hoà của nhiều kỹ năng từ mọi vị trí trong đoàn làm phim nên con cần luyện tập miệt mài ở nhiều vị trí khác nhau (biên kịch, nhà sản xuất, diễn viên…) để trở thành một đạo diễn có thực lực.
Khó khăn là vậy nhưng nếu con có kĩ năng quản lý công việc tốt, tư duy hình ảnh sống động và đặc biệt thích kể chuyện thì nghề đạo diễn luôn chào đón con.
3. Nhà sản xuất – “ông bầu” của bộ phim
Nhà sản xuất là giống như “ông bầu” của bộ phim. Họ là người tuyển chọn và quản lý đoàn làm phim sát sao nhất. Biên kịch nào viết kịch bản hay, đạo diễn nào chỉ đạo tốt, quay phim nào ổn, nhà sản xuất gom hết về một mối để đảm bảo sự thành công của bộ phim.
Bên cạnh việc quản lý nhân sự của đoàn làm phim, “bầu sô” nhà sản xuất còn nhiều nhiệm vụ cam go khác như: đảm bảo đoàn theo đúng tiến độ làm phim, xin tiền tài trợ cho bộ phim, đảm bảo mọi người trong đoàn đều an toàn, không có tai nạn xảy ra…
Nếu con yêu thích phim ảnh, nghệ thuật nhưng vẫn có hứng thú với quản lý và đầu tư, vị trí nhà sản xuất sẽ vô cùng phù hợp. Con sẽ luôn giữ “cái đầu lạnh” giữa muôn ngàn “trái tim nóng” trong đoàn làm phim, để tỉnh táo trong mỗi bước đi về nhân sự và tài chính của dự án phim.
4. Biên tập phim – “thầy phù thuỷ” của đoàn làm phim
Biên tập phim là người lắp ghép, biến tấu các tư liệu có được sau khi đoàn quay phim xong, gồm cả hình ảnh và âm thanh rồi xâu chuỗi chúng thành một bộ phim hấp dẫn.
Không chỉ lắp ghép đơn thuần, biên tập phim còn là người đi “sửa lỗi” trong quá trình quay phim. Một chiếc ghế hay một người vô duyên xuất hiện trong khung hình sẽ bị người biên tập phim cho “biến mất” nhờ vào kỹ xảo hậu kỹ. Đó cũng là lý do tại sao người ta gọi người biên tập là “phù thủy” của bộ phim.
Công việc của nhà biên tập liên quan rất nhiều tới máy tính để chỉnh sửa phim về mặt nhịp độ, hình ảnh và âm thanh. Nếu con đam mê nghệ thuật và cũng không ngại làm việc với máy tính một cách độc lập thì vị trí nhà biên tập sẽ rất phù hợp với con.
5. Quay phim – “hoạ sĩ” của bộ phim
Quay phim là người làm việc chủ yếu với đạo diễn và máy quay, làm sao để khi bấm máy các nhân vật và cảnh vật hiện lên lung linh qua ống kính. Điện ảnh là ngành nghệ thuật có liên quan mật thiết đến hội hoạ khi mượn nhiều yếu tố như ánh sáng và sắp xếp cảnh trí trong quá trình quay phim. Cũng vì vậy mà người quay phim là “hoạ sĩ” của bộ phim cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Không chỉ cần một mắt thẩm mỹ sắc sảo, quay phim còn đòi hỏi sức khoẻ bền bỉ để xoay xở với những chiếc máy quay nặng tới vài chục cân, trong nhiều giờ liên tục. Quay phim cũng thường được coi là người chịu áp lực nhất trong bộ phim, chỉ sau đạo diễn. Chỉ cần một cú máy quay hỏng hay bị mờ, người quay phim lơ đễnh đã biến nỗ lực của đoàn làm phim thành công cốc. Nhưng sức hấp dẫn của việc “điểm tô” cho bộ phim với bao màu sắc rực rỡ và góc quay đẹp mắt vẫn mãi khó cưỡng lại với những người làm quay phim.
Đam mê với nhiếp ảnh, hội hoạ và hiếm khi rời chiếc máy ảnh máy quay là con sẽ có thể tiến xa với vị trí quay phim trong tương lai.
Cùng con chuẩn bị cho sự nghiệp điện ảnh
Khởi đầu với một ngành còn khá mới mẻ ở Việt Nam, con sẽ cần môi trường đào tạo bài bản và thực tế để đi chắc tiến xa với nghề.
Thời gian tới đây, ĐH RMIT sẽ mở chuyên ngành Cử nhân Sản xuất phim Kỹ thuật số (Bachelor Of Digital Film And Video) kéo dài 3 năm nhằm cung cấp cho con nền tảng làm phim trong kỷ nguyên số trên Internet và mạng xã hội chứ không chỉ làm phim truyền thống. Đội ngũ giảng dạy của ngành là các giảng viên trong nước và quốc tế giàu kinh nghiệm. Trong 3 năm học, sinh viên có thể lựa chọn học tập trao đổi một hoặc hai học kỳ tại một trong các trường điện ảnh hàng đầu thuộc 200 đại học đối tác của RMIT trên toàn thế giới.
Để tìm hiểu thêm về chương trình, cha mẹ vui lòng xem tại Chương trình Cử nhân Sản Xuất Phim Kỹ Thuật Số.