CON PHÁT TRIỂN CHẬM HƠN CHÚNG BẠN, KHUYẾT ĐIỂM HAY LỢI THẾ?

Vào thời điểm các kỳ thi quan trọng diễn ra, cũng là lúc con phải đấu tranh hết sức để đạt được kết quả tốt. Song, đứng trước hàng loạt “thành công sớm” của bạn bè đồng trang lứa, các con không khỏi tự hoài nghi chính mình rằng liệu có phải bản thân quá chậm chạp?

Ngày nay, thi cử dường như đang dần trở thành sự kiện khắc nghiệt nhất mà các bạn trẻ ở độ tuổi học sinh phải trải qua, thậm chí có rất nhiều bạn ngay khi nhận được kết quả thi không như mong muốn đã rơi vào trạng thái tiêu cực, tuyệt vọng. Ở thế hệ của bố mẹ, đạt điểm 9 điểm 10 có thể đã được tính là “tốt”, thế nhưng với các con, có lẽ khái niệm “tốt” đã khác đi rất nhiều.

Mọi người vẫn thường nói “Mỗi người có một tốc độ phát triển khác nhau”. Thế nhưng cảm giác thành công sớm thực sự rất cuốn hút, bởi nó khiến các con cảm thấy mình vượt trội hơn bạn bè đồng trang lứa. Nếu không sớm chinh phục được sự vượt trội đó, nhiều bạn sẽ cảm thấy kém cỏi, thậm chí mất dần ý chí và niềm tin vào năng lực của bản thân.

Liệu “phát triển chậm” có phải một điều xấu hay không? RMIT xin mời quý phụ huynh cùng các bạn theo dõi và thảo luận qua bài viết ngày hôm nay!

Lợi thế của việc phát triển chậm

Cổ nhân có câu “Tâm vội ăn không nổi miếng đậu phụ nóng”, “Dục tốc bất đạt”,… Tất cả đều hàm ý rằng chớ nên vội vàng mà khiến chuyện chẳng thành. Thực tế, việc “phát triển chậm” lại mang lại rất nhiều lợi ích khác nhau:

🔶 Giúp con phát triển tầm nhìn xa trông rộng

Với các bạn thành công sớm, trong thực tế, tất cả đều là thành quả của một chặng đường nỗ lực không ngừng của bản thân họ hoặc của nhiều thế hệ gia đình họ. Ý thức được rằng thành công sớm không phải chỉ dựa vào may mắn, con sẽ được thúc đẩy để nghiêm túc xây dựng một lộ trình đường dài cho bản thân.

🔶 Giúp con chuẩn bị sẵn sàng trước những cơ hội

Cơ hội không tự nhiên được trao cho một người không phù hợp. Lấy ví dụ đơn giản như một bạn được học bổng du học từ rất sớm, nhiều người cho rằng bạn may mắn hơn người khác mà không ai biết rằng trước đó bạn đã phải dành bao nhiêu thời gian để học ngoại ngữ, làm hồ sơ và luyện tập phỏng vấn. Sự thật là ai cũng cần chuẩn bị cho thành công của mình, và giai đoạn phát triển chậm chính là lúc con đang chuẩn bị để đón nhận cơ hội bất ngờ trong tương lai.

🔶 Giúp con rèn luyện sự khiêm tốn

Ngoài xã hội, con không bao giờ có thể biết được một người thành công đã phải trải qua những gì, chính vì thế lại càng không thể hồ đồ mà đánh giá thấp bất kỳ ai. Nếu thành công đến quá sớm, cũng đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều rủi ro xảy ra: ví dụ như con ngủ quên trước chiến thắng, hay hình thành tâm lý xem nhẹ những đối thủ xung quanh, v.v… Một người biết khiêm tốn nhìn nhận sự việc thật cẩn trọng chắc chắn sẽ sớm tìm ra được hướng đi đúng cho bản thân mình.

Sự khác biệt giữa “phát triển chậm” với trì hoãn, thiếu ý chí

Đôi khi, thấy con phát triển chậm hơn các bạn cùng trang lứa, không ít phụ huynh cho rằng con đang thiếu sự chăm chỉ và ý chí trong cuộc sống. Để phân biệt giữa “phát triển chậm” với trì hoãn, thiếu ý chí, bố mẹ chỉ cần trả lời 3 câu hỏi dưới đây:

🔶 Con có đang hoàn thành tốt công việc hàng ngày hay không?

Trong thực tế, trì hoãn tức là con liên tục né tránh, từ chối việc phải hoàn thành công việc của bản thân. Tuy nhiên, nếu con vẫn hoàn thành tốt bài tập hay các công việc nhỏ mỗi ngày, thì có nghĩa là con vẫn đang từng bước tiến bộ.

🔶 Con có tận tâm với công việc của mình không?

Nếu con thực hiện các công việc một cách chậm rãi nhưng rất đầu tư và chỉn chu, điều đó chứng tỏ con vẫn đang coi trọng nhiệm vụ của mình. Trái lại, nếu con trì hoãn, chất lượng công việc sẽ có xu hướng giảm sút bởi con không hề để tâm vào quá trình hay kết quả.

🔶 Con có chủ động xử lý các công việc cần hoàn thành hay không?

Nếu con liên tục cần bố mẹ nhắc nhở, đốc thúc, điều đó chứng tỏ ý chí của con chưa thật sự mạnh mẽ. Song, nếu con vẫn chủ động sắp xếp và thực hiện các công việc của mình, thì bố mẹ không cần quá lo lắng. Tuy chưa thể thấy kết quả đột phá ngay, nhưng thực tế là con vẫn đang từng bước tiến lên.

Trì hoãn chắc chắn sẽ khiến con trở nên chậm chạp hơn, song chậm chạp không có nghĩa là con đang trì hoãn hay thiếu ý chí.

Giúp con “phát triển chậm” sao cho đúng?

Có thể nói, sự kiên trì của các bậc phụ huynh chính là chiếc chìa khóa quý báu để con luôn giữ được sự tự tin và nội lực bên trong. Bố mẹ hãy thử áp dụng 3 điều cần tránh dưới đây để cùng con yên tâm phát triển trong giai đoạn này nhé:

❌ Tránh giục giã: Thay vì liên tục nhắc nhở con, bố mẹ có thể thay bằng những lời động viên và thể hiện sự tin tưởng ở con.

❌ Tránh so sánh với người khác: Mỗi người có một tốc độ phát triển của riêng mình. Bố mẹ có thể trở thành những người quan sát và giúp chỉ ra những tiến bộ so với chính bản thân con của những ngày trước.

❌ Tránh bỏ cuộc: Hiểu rằng hành trình thấu hiểu và đồng hành cùng con không hề dễ dàng, tuy nhiên bố mẹ là chỗ dựa tinh thần vô cùng quan trọng đối với con. Hãy cứ tin tưởng ở con và cùng con tiến lên mỗi ngày dù chỉ là từng bước nhỏ đi chăng nữa.

Kết lại, không phải bạn trẻ nào cũng thoải mái với trong giai đoạn phát triển chậm của mình. Rất có thể các con đã tự áp lực lên bản thân trước cả khi bố mẹ kịp lo lắng. Nếu các con đang trăn trở và sốt ruột, các bậc phụ huynh đừng ngại chia sẻ, hỏi han và tiếp thêm sức mạnh cho các con nhé!


👉 Tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các phụ huynh khác

👉 Đọc thêm các bài viết hay về cách Nuôi dạy & Làm bạn với con.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.