Mỗi thời đại, xã hội phải đối mặt với những vấn đề khác nhau, tùy theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ, mà những vấn đề liên quan đến con người sẽ nảy sinh. Sự phát triển của công nghệ Internet và mạng xã hội đã làm cho cuộc sống mỗi người hôm nay trở nên khác biệt so với những thời đại trước.
Tôi còn nhớ cái cảm giác “bùng nổ” khi cha đẻ của Facebook khai sinh ra mạng xã hội này, nó như một phát kiến đột phá cho xã hội loài người. Cùng với sự ra đời của smartphone có tích hợp trong nó tất cả sự tiện ích của mạng xã hội; cấu trúc hệ thống xã hội đã thay đổi hoàn toàn: từ các phương thức giao tiếp, đến truyền thông, tiếp thị và các mối quan hệ giữa con người.
Chưa bao giờ người ta có thể kết nối với thế giới và với nhau nhanh và dễ dàng như bây giờ. Hiện Việt Nam có khoảng 40 triệu người dùng Internet, một con số rất đáng lưu tâm. Cũng chưa bao giờ con người có cảm giác cô đơn, trầm cảm và thiếu liên kết như bây giờ. Có điều gì như là nghịch lý diễn ra ở đây. Tại sao con người dễ dàng kết nối nhau mà lại nhiều trầm cảm, cô đơn?
Theo Pearl Research, một công ty nghiên cứu của Mỹ, thì số lượng người chơi game online ở Việt Nam đã lên tới hơn 12 triệu người. Trong số đó không ít người bị nghiện game online, phải nhập viện do kiệt sức hoặc rối loạn hành vi. Gần đây nhiều trường hợp nhập viện bị nghi rằng do con trẻ nghiện Internet, game và mạng xã hội, người ta “đổ thừa” mạng xã hội đã làm con người bị nghiện và sinh bệnh. Theo Wikipedia, “nghiện Internet” hay “internet addiction” là một loại bệnh lý thần kinh gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, làm sao nhãng việc học tập, làm việc. Nghiện Internet (trong đó có nghiện game online và mạng xã hội), “có thể được định nghĩa là một rối loạn kiểm soát xung lực không liên quan đến chất gây nghiện, tương tự như nghiện đánh bạc, nghiện tình dục…”.
Có thể lên tới 38% dân số toàn cầu là người nghiện Internet. Nhưng, có ai đã đặt câu hỏi tại sao người ta nghiện Internet, cụ thể là mạng xã hội nhiều như vậy? Hiện chưa có nghiên cứu nào nói về vấn đề này. Nhưng dưới góc độ tâm lý, tôi có mấy quan sát sau:
Sức hấp dẫn của mạng xã hội: Tại sao người ta điên đảo với nó?
Đặc điểm tâm lý con người là luôn đi xây dựng CÁI TÔI – ngã kiến của mình. Mạng xã hội là nơi kích hoạt cho sự phát triển cái tôi mạnh mẽ. Mạng xã hội có cấu trúc cho phép người dùng tự do thể hiện chính mình. Vào trang Facebook của mỗi người, nếu chịu khó đọc, quan sát ta sẽ thấy được: bản sắc, giá trị, sở thích, xu hướng, chính kiến, niềm tin của người đó qua từng bài viết, hình ảnh mà họ đăng lên, đó là cách họ trang trí cho “ngôi nhà trên mạng” của mình.
Mạng xã hội cho phép người ta được “bung xõa” bản thân mà không cần e ngại sự phán xét, đánh giá của đối tượng giao tiếp với mình. Đối với các bạn teen, điều này đúng 100%, vì đặc điểm tâm lý tuổi teen là xây dựng căn cước cho mình, là hình thành và khẳng định cái tôi rõ nét, nên mạng xã hội đáp ứng đúng nhu cầu đó của teen. Vì thế mà teen cứ “điên đảo” vì nó!
Mạng xã hội kích hoạt đến những nhu cầu cao nhất của con người
Nhu cầu Thể hiện bản thân: Là một nhu cầu bậc cao trong thang nhu cầu Maslow, nó mang lại cho con người sự thỏa mãn cao cấp, nó đặc biệt quan trọng đối với những người có mức độ nhận thức cao.
Nhu cầu giao lưu, kết nối: Là một nhu cầu thiết yếu của con người, với tuổi teen nhu cầu này càng cần thiết vì giao lưu xã hội giúp các em hoàn thiện nhân cách, học hỏi và phát triển bản thân. Cha mẹ sẽ thấy các con đến tuổi teen cần chơi với bạn hơn chơi với gia đình là vì nhu cầu này. Khi có “ngôi nhà riêng”: của mình, các em gần như có thể kết nối với bất cứ ai tại bất cứ nơi nào mình muốn, kể cả những thần tượng trong giới showbiz, vì vậy các em gần như muốn dành trọn thời gian cho các hoạt động trên mạng xã hội.
Nhu cầu tò mò về kiến thức – thông tin: Con người bao đời nay vẫn luôn mê tìm hiểu và khám phá thế giới, sự tò mò giúp con người ham học hỏi, hiểu biết và tìm kiếm thông tin. Internet và mạng xã hội với các công cụ tìm kiếm như Google đã giúp thỏa mãn nhu cầu đó của các em.
Con trẻ sẽ “nghiện” nếu chưa hoàn thành việc xây dựng cái tôi
Trong thực tế đời sống, tương tác với cha mẹ và cộng đồng, khi con không có được cơ hội tự thể hiện mình, không thể nói lên chính kiến, không được tự do, tôn trọng, không có đủ sân chơi dành cho các em, không có cơ hội để giao lưu kết bạn…; các em sẽ tìm tới công cụ dễ nhất đó là mạng xã hội. Và như một quy luật tất yếu, cái gì cung cấp đúng nhu cầu của con người thì họ sẽ say mê, dùng lâu dần hoặc lạm dụng thì sẽ bị lệ thuộc – cái mà người ta cho là nghiện, và từ đó ta gán cho nó nhiều “tội trạng”…
Câu hỏi đặt ra là, những đứa trẻ có vấn đề khi dùng mạng xã hội là do mạng xã hội hay do chính đứa trẻ có vấn đề tâm lý cá nhân từ trước rồi? Những đứt gãy trong mối quan hệ giữa cha – mẹ – con, những thiếu thốn tình cảm của cá nhân, những căng thẳng, tổn thương do sự đổ vỡ hôn nhân gia đình thì sao? Đâu chỉ có trẻ em, người lớn cũng bị lệ thuộc rất nhiều mà, khi đến một nơi nào đó không có Internet, nhiều người có cảm giác như phát cuồng lên vì bực bội… chúng ta nghĩ gì về điều này?
Làm thế nào để tỉnh táo với mạng xã hội?
Chúng ta thường chọn làm gì đó dễ dàng, thoải mái cho mình mà ít khi nghĩ đến hậu quả lâu dài của nó. Từ khi con còn nhỏ, để được yên thân làm việc, học hành, cha mẹ đã dúi vào tay con cái iPad, chiếc laptop hay thậm chí cả iPhone của mình, con tha hồ chơi, gì cũng được, miễn sao con yên lặng, đừng làm phiền… thế là con “cắm mặt” vào thiết bị công nghệ mà khám phá thế giới, lâu dần con bị lệ thuộc là đương nhiên!
Các bậc cha mẹ hãy tỉnh táo với việc này, đừng vì cái lợi ngắn trước mắt mà làm khổ mình, khó con sau này.
Cai nghiện cách nào?
Với cha mẹ đã có con bị nghiện mạng xã hội thì khó rồi, phải kỳ công nghiên cứu xem con có sở thích đặc biệt với cái gì nhất. Tâm lý học cho rằng, khi muốn người ta từ bỏ điều gì, phải có hành vi hoặc hoạt động khác thay thế! Hãy tạo ra nhiều hoạt động thú vị hấp dẫn, nhiều sân chơi khác cho con. Các hoạt động cụ thể cha mẹ có thể làm là:
— Cùng chơi với con và giải thích cho con hiểu giá trị và ý nghĩa của việc sử dụng thời gian trong cuộc đời.
— Chia sẻ với con để hiểu các nhu cầu cần thiết của con, nâng đỡ cho con trước những khó khăn mà lứa tuổi con gặp phải.
— Xây dựng cho con một hệ thống các giá trị sống như chân thành, trung thực, yêu thương, khiêm tốn, giản dị… khi đó con sẽ tự hình thành bộ lọc của riêng mình, biết tránh xa điều xấu, sự dữ, biết bảo vệ những giá trị tốt đẹp trong tâm hồn con.
— Dạy con đã khó, dạy con thời công nghệ số còn gian nan hơn, Cha mẹ phải dành thời gian đầu tư cho việc vun bồi nhân cách và giá trị cho con, nếu không con sẽ tìm cách bù đắp ở những nơi khác như trên mạng xã hội…
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm – Chuyên gia tâm lý Trung tâm Hồn Việt
Comments