CON MÊ CÁC NGÀNH KINH DOANH: CẦN HỌC TỔNG QUÁT HAY CHUYÊN SÂU ĐỂ THÀNH CÔNG?

Người xưa có câu tục ngữ “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề“, nhưng liệu điều đó có còn đúng trong thị trường lao động đang thay đổi chóng mặt hiện nay? Một bạn sinh viên học rộng hay học sâu sẽ có ‘chỗ đứng’ tốt hơn ngoài thị trường lao động. Mời cha mẹ cùng RMIT & Cha Mẹ đọc bài viết sau đây để tìm hiểu thêm về chủ đề này.

Con bạn là người chuyên sâu (specialist) hay tổng quát (generalist)?

Người tổng quát là người am hiểu nhiều chủ đề, có nhiều sở thích và kỹ năng ở những lĩnh vực khác nhau. Các con có thể học giỏi hoặc hứng thú với nhiều môn học khác nhau tại trường cấp 3. Các con thuộc nhóm tổng quát thường có xu hướng thích lãnh đạo, do đặc thù công việc này cần tương tác với nhiều kiểu người và kiểu việc khác nhau. Người tổng quát cảm thấy hứng thú về việc tìm hiểu nhiều mảng chủ đề khác nhau. Ví dụ, một bạn trẻ tổng quát có thể thích đọc sách, xem các chương trình TV về giải trí, lịch sử, văn hoá, thể thao, âm nhạc và nhiều chủ đề khác cùng một lúc.

Người chuyên sâu là người học giỏi hoặc thích thú với một lĩnh vực riêng biệt. Các con thường tập trung và học giỏi một số môn nhất định tại trường thay vì quan tâm đều các môn. Trong cuộc sống thường ngày, một bạn trẻ chuyên sâu không thích tìm hiểu nhiều thứ, thay vào đó bạn sẽ tập trung tìm hiểu rất sâu và rất kỹ về một chủ đề. Ví dụ, một bạn trẻ có thể không biết gì về thể thao nhưng lại có kiến thức rất sâu về lịch sử.

Người chuyên sâu và tổng quát tại thị trường lao động?

Các công ty thành công đều cần cả hai kiểu người chuyên sâu và tổng quát. Dưới đây là một vài điểm khác biệt giữa hai kiểu người này trong công việc.

🚩 Kiến thức chuyên môn

Người chuyên sâu thường có hiểu biết sâu sắc về một lĩnh vực nội dung nhất định, trong khi người tổng quát có phạm vi kiến thức rộng hơn trong ngành của họ hoặc trong các lĩnh vực. Người chuyên sâu dành nhiều thời gian và năng lượng để cập nhật các kiến thức về chủ đề họ quan trọng. Trong khi đó, người tổng quát học các kỹ năng khác nhau thuộc ngành nghề khác nhau để có thể ứng dụng đa ngành. Ví dụ: một người tổng quát làm Sale có thể học thêm kỹ năng quảng cáo bản thân trên mạng xã hội, kiến thức bảo hiểm, bất động sản để có thể chuyển đổi giữa các lĩnh vực. Trong khi đó, một người chuyên sâu có thể chỉ tập trung học các kĩ thuật bán hàng sao cho tốt.

Dù chọn hướng chuyên sâu hay tổng quát, bạn trẻ vẫn cần có những đào tạo cần thiết để tăng trình độ chuyên môn. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê quý 3 năm 2022, Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi quý II/2022 của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 2,33%; sơ cấp là 1,82%; trung cấp là 1,10%; cao đẳng là 0,95%; từ đại học trở lên là 0,61%.

🚩 Nhu cầu thị trường

Các công ty vừa và nhỏ chuộng cả người tổng quát để tận dụng nhiều kỹ năng từ họ và người chuyên sâu khi cần thực hiện công việc đòi tính chuyên môn cao. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 870 ngàn doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98%. Điều này mở ra rất nhiều cơ hội cho cả người chuyên sâu và tổng quát tìm việc làm. Ví dụ, một công ty nhỏ dưới 10 người có thể tuyển một người tổng quát làm nhân sự kiêm hành chính, trong khi một tập đoàn lớp sẽ tuyển một người chuyên sâu về đào tạo để làm mảng đào tạo trong nhân sự.

🚩 Khả năng thăng tiến

Cả người tổng quát và chuyên sâu đều có khả năng thăng tiến về mặt chuyên môn và đãi ngộ qua thời gian. Trong khi người chuyên sâu được các công ty săn đón và trả lương cao hơn khi chuyên môn giỏi hơn, người tổng quát cũng được đánh giá cao hơn nhờ khả năng thích ứng đa ngành và quản lý. Ví dụ, một người chuyên sâu có bằng thạc sĩ, tiến sĩ có thể nhận được mức đãi ngộ cao hơn cử nhân và một người tổng quát có kinh nghiệm làm đa ngành có thể dễ dàng chuyển đổi công việc khi có biến động.

Cha mẹ có thể tham khảo ví dụ báo cáo lương trung bình của Adecco năm 2022 về ví dụ ngành nhân sự: Lương khởi điểm vị trí Chuyên viên nhân sự (tổng quát) cần là 10-20 triệu VNĐ / tháng, qua thời gian tích luỹ kinh nghiệm và quản lý, có thể lên vị trí Giám đốc nhân sự (tổng quát) lương 40-60 triệu VNĐ / tháng hoặc Trợ lý giám đốc nhân sự lương 25-40 triệu VNĐ / tháng. Ở nhóm chuyên sâu với các công việc bên mảng kỹ thuật, tài chính – một chuyên viên phân tích đầu tư xuất phát điểm mức lương 20-50 triệu VNĐ / tháng, khi sở hữu thêm các bằng cấp nâng cao, có thể làm vị trí Giám đốc đầu tư / quản lý quỹ với mức lương trung bình 120 – 200 triệu VNĐ / tháng.

Người chuyên sâu và tổng quát nên học gì tại đại học?

Điều thú vị hiện nay ở thị trường lao động đó là các công ty đang ưa chuộng một kiểu người kết hợp giữa cả tính chuyên sâu và tổng quát. Một bạn sinh viên vừa có kiến thức chuyên sâu về 1-2 ngành chính, kết hợp với kiến thức tổng quát ở các chuyên ngành phụ liên quan sẽ trở thành ứng viên được săn đón tại các doanh nghiệp.

Chính vì xu thế trên, nhiều trường đại học, trong đó có đại học RMIT đã cho ra đời ngành học đáp ứng việc đào tạo vừa chuyên sâu vừa tổng quát này. Ví dụ trong ngành học Cử nhân Kinh doanh của Đại học RMIT, sinh viên có cơ hội được sắp xếp việc học linh hoạt với 1-2 chuyên ngành chính kết hợp 1-2 chuyên ngành phụ trong 14 chuyên ngành khác nhau.

Ví dụ, một bạn thích tổng quát có thể chọn học 1 chuyên ngành chính (8 môn), 2 chuyên ngành phụ (8 môn) và 3 môn tự chọn. Thay vì chỉ có kiến thức ở trong lĩnh vực Chuỗi cung ứng & Logistics, bây giờ bạn có thể vừa có kiến thức ở mảng này, vừa có kiến thức ở các mảng bổ trợ như Digital marketing, Con người và tổ chức. Từ đó, bạn trở thành một ứng viên có ‘nhiều vũ khí’ trong tay khi bước chân vào thị trường lao động.

Trong khi đó, nếu bạn sinh viên đã biết chắc chắn sở thích của mình, bạn có thể chọn học 2 chuyên ngành chính kèm 3 môn tự chọn để trang bị kiến thức sâu nhất về mảng bạn thích. Ví dụ, bạn thích Nhân sự và thích làm công ty đa quốc gia, bạn chọn học 2 chuyên ngành chính là Con người và Tổ chức và Kinh doanh toàn cầu. Hai chuyên ngành này cho bạn kiến thức sâu về nhân sự, quản trị con người và kiến thức thị trường quốc tế, từ đó giúp bạn trở thành một ứng viên có chuyên môn cao mà nhiều công ty tìm kiếm.

Trở lại với câu tục ngữ ở đầu bài, “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” chỉ còn đúng một phần trong thị trường lao động hiện nay. Tuỳ thuộc vào tính cách và sở trường của mỗi người, chúng ta có thể chọn trở thành người chuyên sâu hoặc người tổng quát, từ đó đóng góp chung cho thị trường lao động.


👇 Đọc thêm các bài viết liên quan:

Tự thiết kế chương trình đại học với Cử nhân Kinh doanh của RMIT

Con bạn cần chuẩn bị gì để thành công khi học nhóm ngành Kinh doanh?

👉 Tìm hiểu về ngành Cử nhân Kinh doanh mới (với 9 chuyên ngành chính) trên website của RMIT

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.