Con là “của" bố mẹ, có phải không?

— Con muốn được khám phá bằng đôi chân của mình. Bố mẹ lúc nào cũng sẵn sàng lót đệm dưới chân cho con đi.

— Con muốn được “làm người lớn”, được “lo toan”. Bố mẹ lúc nào cũng đã nghĩ hết hộ con.

Sống trong những bảo bọc này, con không biết nên lớn lên thế nào. Mỗi ngày con thấy sợ đưa ra các quyết định hơn một chút. Con sợ bố mẹ không vừa ý, con lo rằng những quyết định của con sẽ thật ngu ngốc. Đứng trước cô tư vấn tuyển sinh, trước câu hỏi: “con thích làm gì nhất?”, con cứ ấp úng hoài không thốt nên lời…

Bạn có bao giờ nghĩ, chính sự bao bọc xuất phát từ tình yêu thương của người làm cha mẹ đang khiến những đứa con của mình tự ti, cảm thấy nhỏ bé và non nớt trong cuộc sống này? Hãy cùng RMIT & Cha Mẹ đọc bài viết dưới đây để hiểu hơn tâm sự của những đứa con đang trong tuổi mới lớn, cha mẹ nhé.

Bố mẹ biết không, thật tự hào khi được là con của bố mẹ, lớn lên trong những kì vọng lấp lánh và niềm vui bình dị của một đứa trẻ ngoan. Những năm đầu tiên bước vào cuộc đời này, con thật may mắn vì có bố mẹ dắt đi, là “của để dành quý giá” cho “ngày mai tuổi già” của bố mẹ. Nhưng càng lớn, con càng cảm thấy chiếc áo này chật chội làm sao. Con không biết có phải mình đang “càng lớn càng láo”, liệu có phải có một giấc mơ của mình khó đến thế sao?

Quản lí cơ thể này

Lớn lên, con thấy mình thật xấu xí. Da thì mụn, tóc xơ xác, người thì béo tròn. Tìm hiểu, hỏi han mãi, con thấy người ta bảo ăn ít cơm đi, tập tành thế này thế này, dùng chai sữa rửa mặt này. Con đã lên một kế hoạch làm đẹp hoành tráng để “dậy thì thành công”.

Hớn hở khoe với mẹ, con chẳng ngờ được bấy nhiêu quyết tâm bị dập tắt hết. Mẹ mắng con “đua đòi”, mẹ hỏi thời gian học thêm còn không có lấy đâu ra mà tập gym, mẹ nhất định – “cấm không được bớt cơm, béo tí còn hơn ngất ra”. Con nghe mà lòng tủi thân vô cùng. Không phải chỉ vì chuyện ăn gì, tập như thế nào, mà bởi dường như cơ thể này chẳng phải là của con. Lẽ nào mẹ chẳng thể nghe con nói một chút? Lẽ nào con chẳng thể có một quyết định gì đến vẻ ngoài của mình?

Giành giật những xúc cảm

Bố mẹ vẫn hay bảo “học đã, đừng có nghĩ đến chuyện yêu đương gì”. Con cũng cố gắng để làm theo lời dạy ấy. Nhưng mà có những thứ con cũng chẳng hiểu tại sao cứ đến với mình. Con chỉ biết cách bạn ấy giơ tay lên bảng nhìn rất ngầu, cách bạn ấy hỏi han con ăn gì sáng nay rất ấm áp, và cả chiếc móc chìa khoá ngày sinh nhật con nữa, cái gì cũng dễ thương.

Nhưng mà bố mẹ lại thấy thế thật “hư hỏng”. Mẹ nhờ cô chủ nhiệm tách chỗ ngồi của bọn con, mẹ “cấm con không được nhắn tin”, “cấm con đi chơi với bạn kia”, “mẹ cấm”, “mẹ cấm”… Mẹ có thật nhiều điều “cấm”. Con chỉ có một lựa chọn “vâng”.

Sở hữu cả giấc mơ

Nhưng mà chuyện đẹp, chuyện tình cảm, tất cả không khiến con âu lo bằng chuyện mình sẽ bước vào ngôi trường nào trong những tháng sắp tới. Bố mẹ muốn con vào một ngôi trường xịn, một ngôi trường danh giá để dễ xin việc. Nhưng con hỏi việc gì thì chẳng nhận được một câu trả lời rõ ràng. “Cứ học xong khắc biết” không phải là một câu trả lời khiến con cảm thấy an lòng. Con lờ mờ đoán ra từ chị họ, anh họ – những sinh viên bằng giỏi hằng ngày đang ngồi trước máy tính 8 tiếng đồng hồ trong một ngân hàng sạch tươm bóng loáng. Bố vẫn hay khen “thế là nhất” mà.

Bố mẹ chắc nghĩ con trẻ con. Nhưng con thực sự đang rất nghiêm túc về tương lai. Bạn bè con cũng thế, chúng nó nộp đơn du học ngành này, ngành kia, vì điều này, vì điều kia. Con cũng muốn có một lí do để phấn đấu. Con cũng không chắc, nhưng con đoán mình muốn trở thành một phóng viên. Con thích được đi, được chụp ảnh. Viết lách với con là một niềm vui kì diệu. Con muốn ghi chép lại thế giới này qua lăng kính của mình. Nhưng bố mẹ có vẻ không thích định hướng đấy chút nào. “Làm báo phức tạp, phải đi suốt, mà còn nguy hiểm”. Có những ngày nói chuyện với bố mẹ về chọn trường, chọn ngành xong, con khóc mãi. Con chỉ thấy sao ước mơ vốn đã mong manh của mình, lại chẳng thể được lắng nghe, chẳng được một chút ủng hộ nào?

Tương lai kia, rốt cuộc là của con hay của bố mẹ? Liệu lớn lên rồi, vào đại học rồi, con có được quyết định mình sẽ ăn gì, nói chuyện với ai, làm gì mỗi ngày không?

Con muốn được khám phá bằng đôi chân của mình. Bố mẹ lúc nào cũng sẵn sàng lót đệm dưới chân cho con đi. Con muốn được “làm người lớn”, được “lo toan”. Bố mẹ lúc nào cũng đã nghĩ hết hộ con. Sống trong những bảo bọc này, con không biết nên lớn lên thế nào. Mỗi ngày con thấy sợ đưa ra các quyết định hơn một chút. Con sợ bố mẹ không vừa ý, con lo rằng những quyết định của con sẽ thật ngu ngốc. Đứng trước cô tư vấn tuyển sinh, trước câu hỏi: “con thích làm gì nhất?”, con cứ ấp úng hoài không thốt nên lời. Con thấy mình nhỏ bé và non nớt. Mà con thì không muốn thế chút nào, bố mẹ ạ!

Phải làm sao để trở thành con ngoan? Phải làm sao để làm tốt vai trò “của để dành” của bố mẹ, để không “trứng khôn hơn vịt”? Thực ra, con cũng rất muốn trở thành những giấc mơ của con, nhưng không biết liệu có một ngày bố mẹ đủ kiên nhẫn để nghe hết không?

Hay là, con cứ “vâng” thôi vậy?

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.