Con “không hoàn hảo” không đồng nghĩa với con “không cố gắng”

Giảm cân, học một ngoại ngữ mới, ứng tuyển vào câu lạc bộ,… Tất cả đều là những mục tiêu giúp con phát triển bản thân, thế nhưng nhiều cha mẹ thường phản ánh rằng con vạch ra rất nhiều kế hoạch trong khi không thể thực hiện được chúng.

“Không đủ tài năng”, “Không đủ giỏi” là những lý do con thường đưa ra để giải thích. Có những cha mẹ thỏa hiệp với điều đó, nhưng cũng có những người cảm thấy con chỉ đang bao biện cho sự thiếu ý chí của mình.

Chấp nhận bản thân không hoàn hảo, không đồng nghĩa với chấp nhận sự thiếu nỗ lực. Nhưng dốc hết sức lực vào điều mình không giỏi cũng không phải là đáp án đúng. Vậy phải giải quyết những tình huống này như thế nào? RMIT mời cha mẹ cùng theo dõi trong bài viết ngày hôm nay!Vì sao các con tuổi teen chọn không cố gắng?

Vì sao các con tuổi teen chọn không cố gắng?

👉🏻 Vì con bị choáng ngợp trong bể thông tin nhanh

Hầu hết các bạn teen ngày nay đều tiêu thụ lượng lớn thông tin trên internet mỗi ngày về đủ mọi vấn đề như ô nhiễm môi trường, bình đẳng giới, nạn đói, v.v… Quan tâm đến vấn đề chung của toàn xã hội là tốt, nhưng đồng thời chúng cũng khiến con cảm thấy cuộc sống có quá nhiều vấn đề mà dù có nỗ lực cũng chưa chắc đã thay đổi được.

👉🏻 Vì con không đủ hứng thú hoặc dễ bị mất tập trung

Không chỉ nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp, các con ngày nay còn có đa dạng hình thức giải trí hơn. Trò chơi điện tử, mua sắm online, xem thần tượng biểu diễn,… Tất cả chỉ cần thao tác bằng vài cái chạm tay. Từ đó, những công việc bình thường khác như làm việc nhà, học tiếng Anh,… dần trở nên nhàm chán, khó nhọc.

👉🏻 Vì con thấy bản thân thiếu năng lực, sợ thất bại

Ngày trước thì bị so sánh với “con nhà người ta” hay “con bác hàng xóm”. Ngày nay chưa cần ai nói gì, con vẫn liên tục bắt gặp hàng loạt tấm gương sáng chói ở trên mạng xã hội. Dần dần, những nỗi sợ và sự tự ti khiến niềm tin và hy vọng về chính bản thân con bị giảm bớt. Chính vì thế, con dễ dàng bỏ cuộc trước những mục tiêu ngay cả khi chưa hề bắt đầu.

Đừng nhầm lẫn giữa “không hoàn hảo” với “không cố gắng”

“Không hoàn hảo” ở đây đang nói về những đặc điểm vốn có của bản thân. Ví dụ như con tiếp thu kiến thức hơi chậm chạp hơn so với các bạn đồng trang lứa. Hay con có chiều cao không được lý tưởng cho lắm. Đó là những nét tính cách khó thay đổi, hoặc đặc điểm không thể khắc phục được.

“Không cố gắng” là trường hợp con biết rõ những điểm yếu như: chưa giỏi ngoại ngữ, sắp xếp thời gian biểu không hợp lý, thiếu vận động nên sức khỏe yếu ớt, v.v… song lại không tìm cách khắc phục mà lại coi chúng như đặc điểm của bản thân.

Biết rằng để thay đổi một thói quen xấu, hay cải thiện một điểm thiếu sót nào đó không phải chuyện ngày một – ngày hai có thể đạt kết quả ngay. Nhưng sự thật là trước khi trở thành một hình mẫu lý tưởng, ai cũng phải nỗ lực rất nhiều. Con có thể muốn rất nhiều thứ trên đời, nhưng nếu không hành động, con sẽ không có gì cả.

Nếu muốn khỏe đẹp hơn, con nên nghiêm túc tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống chứ không phải bao biện rằng cơ thể khi sinh ra vốn đã như vậy. Nếu con muốn học giỏi hơn, điều con nên làm là dành nhiều thời gian luyện tập hơn thay vì than thở rằng đầu óc của mình không được sán lạn cho lắm.

Để con kiên trì và nỗ lực bất chấp sự không hoàn hảo

Việc thiếu nỗ lực có thể khiến con mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn “nghi ngờ – chối bỏ – nghi ngờ – chối bỏ bản thân”. Và để thay đổi điều đó, bố mẹ có thể trao đổi với con nhiều hơn dựa trên 5 gợi ý dưới đây:

👉🏻 Nếu không biết, con hãy học

Chẳng có ai trên đời này biết làm tất cả mọi thứ ngay từ giây phút được sinh ra. Ai cũng cần luyện tập, trau dồi, cho dù đó là bất cứ công việc gì đi chăng nữa. Thay vì nghĩ rằng mình không biết nên không làm, con có thể nghĩ rằng ồ mình không biết làm nhưng bây giờ mình sẽ học.

👉🏻 Cải thiện điểm yếu, phát huy điểm mạnh

Như đã đề cập ở đầu bài, dốc hết sức vào điều mình không giỏi không phải đáp án đúng. Quan trọng là phải dũng cảm tự “soi gương” để biết mình tốt, xấu ở điểm nào. Từ đó, tự con nên chủ động vạch ra chiến lược phát triển bản thân và bình tĩnh, kiên trì thực hiện từng điều một.

👉🏻 Làm những việc khiến con thấy lo lắng

Khi làm điều mình giỏi, ai cũng sẽ thấy thoải mái, nhẹ nhàng. Nhưng khi làm một việc gì đó vượt quá năng lực của bản thân một chút, con sẽ cảm thấy bồn chồn và hơi lo sợ. Đây là dấu hiệu rất tốt cho thấy con đang tiến bộ và từng bước rời khỏi vùng an toàn của mình.

👉🏻 Bảo toàn nguồn năng lượng nội tại

Đừng lãng phí nguồn năng lượng quý giá vào những việc không đáng như lướt mạng, cãi vã, hay lo lắng mông lung về tương lai. Thay vào đó, hãy đầu tư vào việc sắp xếp thời gian làm việc – nghỉ ngơi – giải trí hợp lý.

Cuối cùng, quan trọng hơn cả, đây là điều RMIT từng đề cập trong rất nhiều bài viết trước đây. Đó chính là mọi điều bố mẹ làm sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn tới con. Bố mẹ cũng đừng ngại cho con nhìn thấy sự nỗ lực của mình trong cuộc sống thường ngày để truyền động lực cho con, bố mẹ nhé!


👉 Đọc thêm các bài viết hay về cách nuôi dạy và làm bạn với con trên Blog RMIT & Cha mẹ

👉 Tham gia Nhóm RMIT & Cha Mẹ để tìm hiểu thông tin về môi trường học tại RMIT và nghe chia sẻ từ các phụ huynh khác

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.