CON HỌC RMIT TỐT NGHIỆP CHA MẸ CÓ CẦN XIN VIỆC CHO?

Trên diễn đàn của Nhóm RMIT & Cha Mẹ, chúng tôi thường xuyên nhận được các câu hỏi về tương lai nghề nghiệp của con sau khi tốt nghiệp như “Học RMIT ra có tìm việc dễ không?”; “Học RMIT ra có cần cha mẹ ‘chạy’ việc cho không?”…

Trong bài viết này, chúng tôi xin được chia sẻ một số trải nghiệm của bạn Lê Tuấn Anh, một cựu sinh viên RMIT, tác giả 4 cuốn sách về hướng nghiệp và hiện đang làm quản lý hướng nghiệp tại TopCV – một trong những nền tảng tuyển dụng hàng đầu Việt Nam, để phần nào giải đáp băn khoăn về cơ hội việc làm của con khi học tại RMIT.


Trước tiên, xin được khẳng định rằng: chỉ cần các bạn học tốt kiến thức tại trường, chịu khó tham gia các hoạt động ngoại khóa và tận dụng các chương trình hỗ trợ hướng nghiệp từ nhà trường, chắc chắn sinh viên nào cũng có thể tìm được một công việc tốt sau khi ra trường.

Với kinh nghiệm cá nhân là một sinh viên RMIT tốt nghiệp ngành Truyền thông và kinh nghiệm tư vấn tìm việc cho nhiều bạn sinh viên RMIT các ngành khác, em xin gợi ý một số hoạt động cha mẹ có thể cùng con hoặc hướng dẫn con trải nghiệm trong thời gian học tại trường.

1️⃣ Dành cho cha mẹ có con học cấp 3: Tham gia ngày học thử

Một trong những yếu tố quan trọng để con có được việc làm tốt sau khi tốt nghiệp đó là hiểu rõ bản thân mình thích gì, đam mê gì và hợp với ngành học nào. Sự hiểu rõ này giúp con học tập tốt hơn và nhanh hơn, từ đó có thêm thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa bên ngoài. Để giúp con biết được ngành nào phù hợp với mình, một trong những cách cha mẹ và con có thể làm là tham gia các lớp học thử. Trong lớp học thử, con được tiếp xúc với thầy cô, các anh chị cựu sinh viên trong ngành, cũng như thử nghe giảng một số nội dung của ngành học đó. Thông qua việc trò chuyện và học này, con có thể phần nào nhận ra được mình thích hay hợp với ngành học đó hay không.

Chương trình học thử được Đại học RMIT tổ chức định kỳ thường xuyên. RMIT hãy theo dõi fanpage RMIT & Cha mẹ để không bỏ lỡ các lớp học thử mà nhà trường tổ chức.

👉 Đọc thêm: Hướng nghiệp ngay khi con bắt đầu vào cấp 3: Muộn còn hơn không!

2️⃣ Dành cho cha mẹ có con đang học năm nhất: Tham gia vào các CLB

Khi nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên, họ không chỉ nhìn và kiến thức chuyên ngành mà còn nhìn vào thái độ và kỹ năng của bạn trẻ đó. Những thái độ tích cực trong công việc như sự kiên trì, tính học hỏi và các kỹ năng như làm việc nhóm, giao tiếp, làm việc dưới áp lực, có thể rèn luyện thông qua việc tham gia các CLB trong hoặc ngoài trường.

Không giống như việc học cấp 3, thời gian lên lớp tại Đại học thường ngắn hơn (6-15 tiếng/tuần tùy số lượng môn học), còn lại là thời gian cho việc tự học và tham gia hoạt động. Chính vì vậy, các cha mẹ hãy khuyến khích con tham gia các hoạt động CLB tại trường. Đặc thì khi tham gia một số CLB có thể cần con phải ra ngoài nhiều, làm về trễ – cha mẹ cũng cần thông cảm để con không bị áp lực.

Tại RMIT có hơn 60 CLB từ xã hội, thể thao, học thuật có thể phù hợp với con dù con thuộc kiểu tính cách nào. Cha mẹ và con có thể tham khảo thêm tại đây.

3️⃣ Dành cho cha mẹ có con học năm 2-3: Bổ sung các kỹ năng mềm, xây dựng các mối quan hệ

Nếu con đã bắt đầu vào năm 2-3, đây là thời gian con cần bắt đầu bổ sung các kỹ năng mềm quan trọng cần thiết trong công việc và xây dựng các mối quan hệ với những anh chị đi trước trong ngành. Tại RMIT có những chương trình, phòng ban hỗ trợ các con những điều trên, hoàn toàn miễn phí, cha mẹ hãy khuyến khích các con tận dụng.

Mỗi kỳ vào tuần học thứ 7, phòng Hướng nghiệp của trường tổ chức rất nhiều các hoạt động kỹ năng nằm trong chuỗi chương trình Personal Edge, giúp các con trang bị những kỹ năng cần thiết khi đi làm trong doanh nghiệp, ví dụ như kỹ năng ăn mặc đẹp, kỹ năng dùng bữa tối trong doanh nghiệp, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng thuyết trình…

Hàng kỳ phòng Hướng nghiệp cũng có chương trình Career Mentoring, nơi kết nối sinh viên đang học với các anh chị trưởng phòng, giám đốc tại nhiều công ty khác nhau. Trong chương trình này, con được trò chuyện trực tiếp cùng các anh chị, hỏi đáp các câu hỏi về nghề nghiệp và cách tìm việc và có thể xây dựng mối quan hệ lâu dài. Có một điểm đặc biệt là các cựu sinh viên RMIT như Tuấn Anh rất yêu quý trường, vì vậy khi đi làm đều mong muốn quay trở lại trường để hỗ trợ đàn em và mang đến các cơ hội việc làm cho các em.

4️⃣ Dành cho cha mẹ có con học năm cuối: Tìm cơ hội thực tập, xây dựng hồ sơ tìm việc

Vào năm cuối, đây là lúc con bắt đầu tìm cơ hội thực tập hoặc làm việc toàn thời gian. Để làm được việc này, con cần có một bộ hồ sơ tìm việc đẹp và tiếp cận được các cơ hội việc làm từ các công ty.

Về hồ sơ việc làm, RMIT có các chuyên gia tại RMIT Job Shop giúp con viết hồ sơ sao cho đúng chuẩn. Về việc làm, các công ty thường có rất nhiều vị trí ưu tiên cho sinh viên RMIT, được đăng tải lên bảng tin tuyển dụng của nhà trường hoặc trực tiếp tuyển dụng tại ngày hội nghề nghiệp, mỗi năm 1-2 lần của trường.

Lời Kết

Thị trường lao động hiện nay đã khác 10-20 năm trước, cơ hội việc làm có rất nhiều và không giới hạn. Chỉ cần con trang bị tốt các kiến thức học tại trường kết hợp với việc tham gia các hoạt động và tận dụng tốt những hỗ trợ từ trường, chắc chắn con sẽ trưởng thành và tự tìm được cho mình một công việc như ý mà không cần cha mẹ xin việc cho.


👉 Đọc thêm các bài viết hay về RMIT tại mục “Tìm hiểu RMIT” hoặc website chính thức của trường.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.