Giỏi toán và thích máy tính thì làm gì?

Nếu con có khả năng phân tích tốt, học hiểu nhanh và rất hứng thú với các bài tập Toán, có thể học và sử dụng thành thạo dễ dàng các phần mềm trên máy tính – ba mẹ nên hướng cho con theo ngành học nào, để sau này ra trường có việc làm phù hợp?

Trong bài viết này, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp Tuấn Anh sẽ giải đáp câu hỏi trên cho ba mẹ và các em.

1. Digital Marketing (Tiếp thị kỹ thuật số)

Digital Marketing đang phát triển mạnh mẽ trong 2-3 năm gần đây tại Việt Nam, và chắc chắn tương lai sẽ phát triển nhiều hơn nữa bởi sự áp dụng của công nghệ vào các chiến dịch quảng bá sản phẩm của các công ty. Đặc thù nghề Digital Marketing đòi hỏi một bạn trẻ phải có khả năng sử dụng máy tính rất tốt vì sẽ sử dụng rất nhiều phần mềm khác nhau. Ngoài ra, bạn trẻ cũng cần có khả năng quan sát, tìm kiếm thông tin, tính toán tốt để phân tích khách hàng và cho ra những chiến dịch phù hợp với thuật toán. Một ví dụ đơn giản của nghề Digital Marketing là những video, hình ảnh quảng cáo ‘vô tình’ rất đúng nhu cầu mua hàng của chúng ta khi chúng ta đang lướt web.

Vì là ngành mới và phát triển nhanh, hiện tại Digital Marketing đang rất cần nhiều nhân lực tại Việt Nam. Các nhân lực của ngành này hiện tại chưa có nhiều người được đào tạo chuyên nghiệp, thường chỉ được đào tạo ngắn hạn trước khi làm nghề. Vì vậy, một bạn được đào tạo chính quy về ngành này sẽ không chỉ có tư duy của ‘một người thợ’ sử dụng thành thạo các công cụ và còn có tư duy của một ‘người quản lý’ để đưa ra các chiến dịch phù hợp với nhu cầu thị trường.

  • Các đơn vị đào tạo Digital Marketing: ĐH RMIT, ĐH FPT, Vinalink, Học viện MOA.
  • Lương trung bình nhân viên Digital Marketing sau khi tốt nghiệp: 12.5 triệu/tháng

2. Công nghệ Thông tin

Ba mẹ thường nghe nhiều về Công nghệ thông tin nhưng một phần do khác biệt về thế hệ nên chưa biết rõ ngành này sau khi tốt nghiệp có thể làm gì. Về cơ bản, học ngành Công nghệ thông tin sinh viên có thể nghiên cứu chuyên sâu về Khoa học máy tính, Công nghệ phần mềm, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính và truyền thông, An toàn thông tin mạng ở các trường đại học có đào tạo ngành công nghệ thông tin trên toàn quốc.

Hiện nay bất kỳ việc gì cũng dùng đến công nghệ nên chắc chắn nhân lực công nghệ thông tin lúc nào cũng cần. Sinh viên ngành này có thể trở thành:

  • Lập trình viên phần mềm: người trực tiếp tạo ra các sản phẩm phần mềm
  • Kiểm duyệt chất lượng phần mềm: trực tiếp kiểm tra chất lượng các sản phẩm do lập trình viên tạo ra
  • Chuyên viên phân tích thiết kế hệ thống, quản lý dữ liệu, quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng  máy tính,…
  • Chuyên gia quản lý, điều phối các dự án công nghệ thông tin

Điểm lợi thế: Hiện nay đã có rất nhiều đơn vị đào tạo chuyên ngành Công nghệ thông tin. Vấn đề chung ở đầu ra của ngành này là rất nhiều bạn sinh viên thiếu khả năng ngoại ngữ, vì thế bỏ qua nhiều cơ hội làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia có thu nhập tốt, trong khi các đơn vị này lại rất cần người. Vì vậy những sinh viên công nghệ thông tin có ngoại ngữ tốt thường rất được săn đón.

  • Các đơn vị đào tạo Công nghệ thông tin có kèm ngoại ngữ tốt: ĐH RMIT, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH FPT, ĐH Bách Khoa.
  • Lương trung bình ngành công nghệ thông tin: $1,100/tháng

3. Kinh tế và Tài chính

Với việc phát triển vượt trội ở nhiều ngành công nghệ và thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam rất cần những nhân sự không chỉ giỏi về phân tích mà còn cần giỏi về ngoại ngữ và có khả năng hiểu sâu về kiến thức thị trường tài chính.

Ngành Kinh tế và Tài chính sẽ đào tạo cho các em những môn học như Luật, Thống kế, Nguyên lý Marketing, Kinh tế Vi Mô và Vĩ Mô, Quản lý rủi ro, Toán kinh tế. Những em học tốt kinh tế tài chính thường là các em rất giỏi và có hứng thú khi làm việc với con số, dữ liệu. Sau khi ra trường, các em học Kinh tế và Tài chính có thể làm các công việc như:

  • Kế toán kiểm toán
  • Chuyên viên ngân hàng
  • Chuyên viên phát triển kinh doanh
  • Chuyên viên phân tích hỗ trợ kinh doanh
  • Chuyên viên kiểm soát chi phí
  • Nghiên cứu viên kinh tế
  • Chuyên viên phân tích tài chính
  • Chuyên viên quản lý nguồn quỹ
  • Chuyên viên phân tích rủi ro
  • Chuyên viên môi giới chứng khoán
  • Chuyên viên tư vấn thuế

Để biết con mình có hứng thú với ngành này hay không, ba mẹ có thể quan sát về thái độ của con khi tiếp cận với các chương trình TV có liên quan đến tài chính hoặc cho em đọc những báo liên quan đến tài chính như Nhịp cầu Đầu tư, Forbes và trò chuyện để hiểu hơn về sự hứng thú của em.

4. Thống kê

Thống kê là một ngành có thể nghe khá lạ và mới với ba mẹ và các em. Tuy nhiên đây là một ngành lại đòi hỏi những tố chất về tin học, toán học và nghiên cứu rất nhiều. Khi học ngành này, các em sẽ được học về hệ thống thông tin, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật thống kê và kỹ năng phân tích dữ liệu.

Các em sau khi tốt nghiệp có năng lực lập kế hoạch nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu và tổ chức thực hiện các cuộc nghiên cứu. Tùy theo sở trường, cá tính và yêu cầu của công ty tuyển dụng, sinh viên có thể làm việc tại các bộ phận khác nhau như: dịch vụ khách hàng, thiết kế nghiên cứu, đo lường, xử lý dữ liệu (Data processing), phân tích dữ liệu (Data analysis), soạn thảo báo cáo…

Các em tốt nghiệp có thể làm việc tại: Các tổ chức và công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường; Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có bộ phận nghiên cứu và phân tích dữ liệu nội bộ; Các tổ chức có nhu cầu nghiên cứu và phân tích dữ liệu; Thành lập tổ chức cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường và tư vấn kinh doanh và tiếp thị; Tham gia huấn luyện, đào tạo thống kê tại các doanh nghiệp và giảng dạy thống kê tại các cơ sở đào tạo từ trung cấp đến cao đẳng và đại học.

Lời kết

Trên đây chỉ là một vài gợi ý về những nghề thông dụng hiện nay trên thị trường phù hợp với các bạn có khiếu ngôn ngữ và giao tiếp – mỗi nghề sẽ phù hợp với những bạn có tố chất và tính cách khác nhau. Để biết rõ hơn con mình hợp với lĩnh vực nào, ba mẹ và các em nên dành thời gian trò chuyện, quan sát và cùng con đi trải nghiệm các công việc khác nhau để hiểu con hơn.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.