Khi còn bé, con luôn không hiểu được vì sao bà buồn đến thế mỗi lần bố mẹ về muộn, cắt cơm mà không báo trước. Lớn lên một chút, con ngạc nhiên khi mẹ phải cất công xin về sớm nấu nướng, bắt cả nhà ăn từ lúc 6h tối chỉ để con kịp giờ đi học. Vào đại học, con bực bội vì bị bố mắng khi con mải làm câu lạc bộ mà sớm ngày đi vắng, cả tuần không ăn được hai bữa cơm với gia đình.
Với con, những bữa cơm gia đình, cứ như một thói quen, một điều “phải có” phiền hà. Con đã nghĩ rằng, ai chả có lịch riêng của mình, sao cứ cố ép mình chạy theo một quy tắc rắc rối như thế.
Nhưng khi lớn lên, con bước ra khám phá thế giới, tự do hoàn toàn với cuộc đời và cả những bữa cơm của mình. Con mới nhận ra mình nhớ những khoảnh khắc ấy ra sao.
Trong bữa cơm ấy, con học từ bố cách nấu một nồi canh cá thật ngon, học từ mẹ cách vẩy rau mà không làm rơi cả rổ xuống đất, rồi dạy lại em cách cắm nhanh một nồi cơm chiều đi học. Giờ con phải nấu ăn một mình.
Cũng trong bữa cơm ấy, con thấy ông bà gắp cho con từng chiếc trứng cá, cái đùi gà “ăn đi cho có sức học”. Giờ con ốm cũng phải tự gọi Grab mang cháo đến.
Cũng trong bữa cơm ấy, con nghe bố mẹ bàn luận xôn xao về một tin tức thời sự nóng hổi, hỏi con về chuyện chọn ngành học, nghe em con kể về một thần tượng “ngầu khủng khiếp” của nó. Con thực sự nhớ cảm giác yên bình, ấm áp khi ngồi vào bàn ăn, nghe thời sự và được ở bên cả gia đình mình.
Những bữa cơm nhà, là hành trang kí ức đẹp đẽ nhất của con trong suốt tuổi thơ, và chắc chắn, cũng sẽ là nguồn động lực kéo con trở về gia đình, trong rất nhiều ngày ở chặng đường phía trước.
Giang Nguyễn