Rất nhiều bố mẹ khi thấy con gái có thiên hướng muốn học các ngành IT, kỹ thuật thì sẽ lo lắng. Muốn ủng hộ con, nhưng lo việc học và làm việc trong môi trường nhiều nam hơn nữ sẽ khiến con chán nản và dễ dẫn đến stress. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ không chính xác. Bài viết này sẽ giúp gỡ rối cho những bố mẹ có băn khoăn trên.
Không có lựa chọn nào “chỉ dành cho con trai”
Vốn dĩ, suy nghĩ đóng khung “nghề này chỉ dành cho con trai, nghề này con gái nên làm” đã lỗi thời và cũng chưa bao giờ đúng đắn trong việc định hướng nghề nghiệp cho con. Nếu con bộc lộ năng khiếu đặc biệt về tư duy logic hay các môn khoa học tự nhiên thì chẳng có lí do nào ép buộc con từ bỏ nguyện vọng của mình để đi theo “mẫu số chung” mà chúng ta cho là đúng. Đi ngược lại với đam mê và năng lực của bản thân không chỉ bỏ phí tài năng mà còn là một bước sai lầm trong sự nghiệp mà sớm muộn con cũng sẽ phải trả giá – chuyển nghề giữa chừng hoặc mắc kẹt cả đời trong một công việc không cảm hứng.
Trong khi đó, thực tế đã cho thấy, có nhiều tên tuổi xuất chúng trong giới công nghệ là phụ nữ như Sheryl Sandberg – giám đốc điều hành Facebook, Cher Wang – nữ CEO của tập đoàn công nghệ HTC hay Maryssa Mayer – cựu CEO Yahoo. Bất cứ ngành nghề nào cũng mở rộng cơ hội cho cả nam và nữ nếu các con có đủ đam mê, nghiêm túc trau dồi kinh nghiệm và biết cách tận dụng các điểm mạnh của mình.
Lợi thế khi là phụ nữ làm công nghệ
Phụ nữ có những thế mạnh của riêng mình trong thế giới công nghệ. Nhìn chung, ngành Công nghệ thông tin yêu cầu người làm việc cần có các đức tính như tính kiên trì, khả năng chịu được áp lực, sự ham học hỏi, trau dồi kiến thức, tư duy logic, tư duy tổng hợp, tính sáng tạo, tư duy phản biện, ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm. Có thể thấy, phái nữ hầu như đều có khả năng trong những mảng này. Thậm chí, ở một số lĩnh vực như tư duy tổng hợp, kiên trì, chịu áp lực, khả năng ngôn ngữ, các con còn có phần nổi trội hơn.
Khoa Khoa học và Công nghệ của RMIT cũng có các giảng viên nữ giảng dạy ở các bộ môn về Công nghệ Thông tin và Kỹ thuật phần mềm. Các cô đều tốt nghiệp tại những đại học tên tuổi trên thế giới và rất đam mê với công việc giảng dạy. Cô Võ Ngọc Yến Nhi, một giảng viên nữ của khoa đã kể cho chúng tôi về những ngày đầu đầy trở ngại của mình: “Từ cấp 2, cấp 3, mình đã rất thích môn Tin học ở trường phổ thông. Bản thân mình đã từng trải qua những khó khăn tương tự khi cố gắng thuyết phục ba mẹ cho mình theo con đường này. Ba mẹ nói ngành công nghệ khô khan, lại ngồi ôm máy cả ngày hại người. Mình đã tốn 4 năm đại học để học quản trị kinh doanh theo ý ba mẹ.”
Không bỏ cuộc, cô mày mò tự học lập trình, đồng thời tìm kiếm các cơ hội để học tập và làm việc trong lĩnh công nghệ. Sau đó cô đã giành cơ hội học tiến sĩ về khoa học dữ liệu tại University of Technology Sydney và làm việc tại các công ty công nghệ tại Úc với mức thu nhập hấp dẫn. Cô chia sẻ tới các bạn nữ yêu công nghệ: “Cơ hội để có thể chuyển ngành nhanh chóng và thuận lợi như mình không có nhiều. Và nếu có thể chọn lại, mình vẫn mong muốn được học 3-4 năm đại học chuyên ngành khoa học máy tính. Trong tương lai, tất cả các ngành nghề đều sẽ cần đến khoa học và công nghệ để phát triển. Mình mong muốn các bạn học sinh sinh viên nữ Việt Nam có thể tự tin và thoải mái theo đuổi đam mê của mình khi theo học các ngành khoa học và công nghệ.”
Cần chuẩn bị những gì
Nguyên nhân của việc chán nản và căng thẳng là bởi con thiếu sự đồng hành, không được sẻ chia và tôn trọng. Chính việc nghi ngờ năng lực trong ngành của con, hoặc liên tục ca thán về việc chọn ngành “khác người” mới khiến các con nghi ngờ quyết định của mình và có những suy nghĩ tiêu cực.
Thay vào đó, hãy giúp con hiểu dù là nam hay nữ, con hoàn toàn có quyền theo đuổi niềm say mê của mình và một khi đã quyết định, con cần nỗ lực đến cùng để bảo vệ con đường ấy – không hối hận, không đổ lỗi. Cha mẹ có thể cùng con tới ngày hội trải nghiệm ngành ở các trường đại học, trò chuyện thêm với các tổ tư vấn nghề nghiệp để có được cái nhìn toàn cảnh về nghề, đồng thời truyền cảm hứng để con sẵn sàng bước vào những thử thách thú vị phía trước. Không chỉ gói gọn trong công việc kỹ thuật thuần tuý, các mảng nhỏ trong công nghệ rất đa dạng và thay đổi, mở rộng mỗi ngày. Từ nền tảng công nghệ và các trải nghiệm nhất định trong ngành, con có thể lựa chọn làm việc ở các phòng ban như bán hàng, marketing, phát triển kinh doanh, nhân lực, chính sách xã hội và truyền thông trong doanh nghiệp công nghệ hay start-up. Đây là những “giao điểm” hợp lý – vừa tận dụng được các điểm mạnh của con, vừa thỏa mãn niềm đam mê với công nghệ.
Hãy tự hào vì có một cô con gái thông minh, tự tin và sẵn sàng nắm bắt những cơ hội quý giá của thời đại công nghệ mới, cha mẹ nhé!
👉 Đọc thêm: Con muốn học IT, cha mẹ có thể hỗ trợ thế nào?