Con đã đủ lớn để nghe bí mật của bạn?

Sợ con chưa đủ lớn để hiểu luôn là lý do “đơn giản” nhất khiến cha mẹ chọn cách im lặng và giữ kín mọi vấn đề của bản thân hay gia đình với con cái. Điều này, ngược lại, khiến con cái cảm thấy không được tôn trọng, không hiểu được cha mẹ và từ đó, tự dựng nên những bí mật của riêng mình. Vậy cha mẹ có nên giữ bí mật với con không? Khi nào thì nên nói gì? Bài viết này sẽ đem lại những gợi ý hữu ích.

Những bí mật cha mẹ thường hay giấu con là gì?

Có 3 loại bí mật con cái trong gia đình Việt ít khi được biết. 

Một là những vấn đề liên quan đến tiền bạc. Đặc biệt, với tâm lí sẵn sàng hi sinh tất cả để cho con có điều kiện học hành, sinh hoạt tốt nhất, cha mẹ thường giấu nhẹm mọi khó khăn về tài chính của mình để “cùng con hoàn thành mơ ước”, giữ cho con vui vẻ, vô tư.

Hai là chuyện tình cảm của cha mẹ, chuyện quan hệ họ hàng. Đây là vấn đề nhạy cảm mà các gia đình Việt thường không muốn để con biết vì sợ con sẽ bị ảnh hưởng tâm lý hoặc có ứng xử bồng bột.

Vấn đề thứ ba là về sức khoẻ. Tình trạng sức khoẻ của cha mẹ và của con, nếu có điều gì thực sự bất thường, sẽ ít khi được kể hết cho con mà chỉ gói gọn trong một lời thông báo mơ hồ: “không khoẻ”. 

Nói ra bí mật có tốt không?

Những “bí mật người lớn” thực ra lại là một điều con cần được học làm quen ngay từ bây giờ. Biết nhiều hơn về tình hình của gia đình, con sẽ suy nghĩ chín chắn hơn, thấu hiểu và thương cha mẹ hơn. Không chỉ vậy, chia sẻ cũng ngầm công nhận sự trưởng thành của con, xoá đi các hiểu nhầm, giúp con cảm thấy được tôn trọng và dễ dàng tâm sự với cha mẹ hơn. 

Và tất nhiên, ở phía cha mẹ, nói ra những bí mật với những thành viên mình tin tưởng trong gia đình luôn khiến chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm và gắn bó hơn. Mối quan hệ trong gia đình cũng vì vậy mà thêm ấm áp.

Khi nào thì nên chia sẻ với con? Và nói bao nhiêu là đủ?

Ranh giới của bí mật và chia sẻ không được xác định rạch ròi. Để có thể trả lời câu hỏi “khi nào và bao nhiêu”, cha mẹ có thể đặt ra cân nhắc – liệu vấn đề này có ảnh hưởng ngay lập tức đến con hay không? Ví dụ, nếu tài chính của gia đình không quá dư dả, và con lại muốn học đại học tại nước ngoài, đây là lúc cha mẹ cần ngồi xuống, giải thích rõ cho con tình hình và tìm kiếm những giải pháp phù hợp hơn. Thật khó để đập vỡ bong bóng đẹp đẽ của tuổi thơ – khi cha mẹ luôn cố gắng để con có được mọi thứ “bằng bạn bằng bè”. Nhưng trước những lựa chọn 17, 18 tuổi, con có lẽ đã cần hiểu cho cha mẹ cả những điều khó nói ấy.

Cha mẹ cũng có thể chọn chia sẻ những bí mật của mình tại những dấu mốc đặc biệt. Trước khi con bước vào ngưỡng cửa đại học có thể là một dịp hay để cha mẹ giúp con nhận thức rõ hơn về sức khoẻ của bản thân. Khi con bắt đầu đi làm và có thu nhập có lẽ sẽ là thời điểm phù hợp để con hiểu sâu hơn về các mối quan hệ với trong gia đình và với họ hàng. 

Nếu vấn đề là của con, hãy để con được biết. 

Nếu vấn đề là của cha mẹ, hãy nói với con nếu cảm thấy quá mệt mỏi. Tôi tin chắc rằng những đứa con vốn vô tư của chúng ta đang trưởng thành rất nhanh để có thể làm chỗ dựa tinh thần cho cha mẹ, trong mọi vấn đề của cuộc sống.

Theo anh chị, liệu có bí mật nào là không thể nói ra không?

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.