Con có năng khiếu vẽ thì làm gì?

Cha mẹ là người đã bên con từ khi con mới chào đời, nuôi dạy con lớn khôn. Tuy nhiên, đôi lúc cha mẹ lại khá lúng túng trong việc hướng nghiệp cho con, dù nắm rất rõ sở trường, sở đoản của con mình. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ với cha mẹ những ngành nghề phù hợp và một vài gợi ý về việc hướng nghiệp cho các con có năng khiếu về vẽ.

Cách nhận diện con có năng khiếu về vẽ?
  • Con có gu thẩm mỹ rất tốt về những thứ đẹp như người đẹp, ảnh đẹp, khung cảnh đẹp, một bức tranh đẹp.
  • Con giàu cảm xúc, cảm xúc dễ lên xuống, dễ xúc động và bày tỏ cảm xúc.
  • Con có khả năng không gian và hình học tốt.
  • Con thích màu sắc, thường dành thời gian rảnh để vẽ ký họa, vẽ thời trang, vẽ các nhân vật trong phim hoặc truyện mà con thích.
  • Con thường để ý và đánh giá cao những người có gu thẩm mỹ tốt.
  • Con có thể thiên về nghệ thuật, sống thoải mái bừa bãi và bốc đồng.
Thực trạng hướng nghiệp hiện nay của các bạn trẻ nhóm ‘vẽ’?

Khi nghe đến chuyện ‘vẽ’, chắc hẳn nhiều cha mẹ sẽ nghĩ ngay đến nghề họa sĩ. Và chắc chắn cha mẹ cũng ngay lập tức lo lắng rằng làm họa sĩ thì sẽ ‘không có tiền’ và ‘không ổn định’ giống như các ngành nghề khác. Đó cũng là lý do chính gây ra những xung đột, tranh cãi, bất đồng trong việc chọn ngành chọn nghề giữa cha mẹ và các bạn trẻ trong nhóm này.

Đôi khi chính vì chính sự lo lắng về ‘công việc ổn định tương lai’ cho con mà cha mẹ ép các bạn trẻ nhóm này phải học những ngành liên quan đến kinh tế, tài chính – không phải là sở trường của các bạn. Điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy về thành tích học tập kém hay bất ổn về tâm lý ở các bạn trẻ nhóm này.

Vậy có năng khiếu vẽ có thể học ngành gì và làm nghề gì?

Thị trường việc làm ở thời điểm hiện tại phát triển đa dạng về các ngành nghề hơn rất nhiều so với thời điểm 10-20 năm trước của các phụ huynh. Những ngành nghề liên quan đến ‘vẽ’ và ‘nghệ thuật’ thường rất mới và lạ lẫm với các bậc cha mẹ, vì vậy bài viết này xin chia sẻ đến cha mẹ một vài ngành nghề phổ biến nhằm giúp cha mẹ có thể định hướng cho con tốt hơn.

1. Ngành Thiết kế Ứng dụng sáng tạo

Với việc phát triển rất nhanh của công nghệ hiện nay, các công ty đang dần dần bỏ tiền ra để quảng cáo rất nhiều trên các nền tảng công nghệ như mạng xã hội Facebook, công nghệ thực tế ảo, quảng cáo điện thoại thông minh, máy tính bảng và các công cụ khác. Chính vì lý do này các công ty quảng cáo và cả các công ty tập đoàn đa quốc gia rất ‘khát’ một người vừa có khả năng vẽ mà lại được đào tạo về những kiến thức công nghệ cơ bản. Nghề thiết kế không còn như cha mẹ nghĩ là chỉ làm tờ rơi, biển hiệu,… mà hiện tại đã phát triển rộng mở hơn để tích hợp cả công nghệ, con người và xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề kinh doanh.

Hiện nay trên thị trường tuy có nhiều bạn học thiết kế nhưng lại rất thiếu những nhân lực vừa có thể thiết kế, vừa hiểu về nền tảng lý thuyết và vừa có khả năng ngoại ngữ tốt. Những bạn tốt nghiệp ngành Thiết kế Ứng dụng sáng tạo có thể ra trường làm rất nhiều công việc khác nhau như Thiết kế đồ họa, Vẽ minh họa, Thiết kế 3D, khi có kinh nghiệm hơn, các bạn có thể làm Giám đốc sáng tạo, thậm chỉ chủ doanh nghiệp thiết kế, in ấn…

Lương khởi điểm cho các vị trí này vào khoảng 6-7 triệu học việc, 10-15 triệu khi đã có một hai năm kinh nghiệm và có thể đạt tới con số 25-35 triệu/tháng khi nhận các dự án lớn (theo diễn đàn Viet Designer).

2. Ngành Thiết kế Thời trang

Nhờ sự phát triển của giới giải trí cùng rất nhiều các gameshow truyền hình lớn, nhu cầu cần những người thiết kế thời trang lại ngày càng nhiều hơn. Học thời trang không chỉ đơn giản là vẽ nguệch ngoạc trên giấy những bộ quần áo đẹp, các em còn phải học các kỹ thuật may, cách sử dụng các phần mềm thiết kế trên máy vi tính, khả năng nghiên cứu và tìm tòi về các loại vải cùng nhiều kỹ năng phụ khác.

Thời trang gồm rất nhiều lĩnh vực, ví dụ như đồ dùng hằng ngày, đồ lót, trang phục thể thao, trang phục dệt kim, thiết kế trang sức, thiết kế phụ kiện, vân vân – mỗi lĩnh vực lại có vô vàn những cơ hội nghề nghiệp khác nhau.

Hiện nay, Việt Nam được coi là một trong những nước có sự phát triển mạnh về may mặc. Các em học ngành này có thể làm chuyên viên thiết kế, quản lý thương hiệu tại các công ty thiết kế, các thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế; chuyên gia nghiên cứu, quản lý và dự báo xu hướng thời trang; chuyên gia tư vấn tạo mẫu, nhà tạo mẫu độc quyền tại các công ty thời trang.

Mức lương trung bình cho nhân viên thiết kế thời trang khi mới ra trường có thể rơi vào khoảng 7-12 triệu (theo CareerBuilder). Những bạn giỏi và có khiếu kinh doanh thậm chí có thể tự bắt đầu kinh doanh ngay khi ngồi trên ghế nhà trước.

3. Ngành Kiến trúc

Nói đơn giản, Kiến trúc là ngành nơi các em được học cách sáng tạo sắp xếp mặt bằng, không gian, hình thức, cấu trúc của một công trình để cung cấp giải pháp phụ thuộc vào nhu cầu thực tế như kinh doanh, nhà ở, giải trí, vân vân.

Với các em thích vẽ và có thêm khả năng về kỹ thuật, bên cạnh việc được dạy những kỹ thuật vẽ trong kiến trúc, các em sẽ được học thêm các môn như công tác quy hoạch – thiết kế đô thị, khả năng lĩnh hội nghệ thuật kiến trúc, phương pháp luận sáng tạo, phương pháp sáng tác kiến trúc. Đó là lý do ngành kiến trúc bên cạnh khả năng vẽ, cần có thêm khả năng tốt về Toán học và không gian.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, giai đoạn 2013-2015 kéo dài đến 2020-2025, kiến trúc được dự đoán là 1 trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều lao động nhất tại TP.HCM, với khoảng 10.800 người/năm.

Các em sinh viên tốt nghiệp Kiến trúc có thể làm kiến trúc sư thiết kế, thi công, giám sát các công trình kiến trúc dân dụng, công nghiệp; quy hoạch xây dựng các điểm dân cư, cao ốc, công trình đô thị và nông thôn tại các công ty tư vấn kiến trúc, các viện trực thuộc Bộ, ngành, các tổng công ty lớn của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa,…

Mức lương khởi điềm của một kiến trúc sư có thể bắt đầu từ 10.1 triệu đến 16 triệu (theo CareerBuilder).

Trên đây chỉ là một danh sách rất ngắn mang tính tham khảo dành cho cha mẹ. Điều quan trọng nhất khi hướng nghiệp cho con vẫn là quan sát, tìm hiểu những điểm mạnh, điếm yếu, đồng thời cùng con trải nghiệm nhiều hơn để tìm ra nhóm ngành mà mình yêu thích.

Tuấn Anh

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.