Con có năng khiếu giao tiếp và ngôn ngữ thì làm gì?

RMIT & Cha Mẹ xin giới thiệu loạt bài viết mới về hướng nghiệp được thực hiện bởi tác giả Lê Tuấn Anh – cựu sinh viên loại giỏi chuyên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp của Đại học RMIT và hiện đang theo đuổi lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh và sinh viên.

Tuấn Anh đã tham gia giảng dạy nhiều lớp kỹ năng dành cho sinh viên các trường đại học lớn; và là tác giả cuốn sách “Nhắm mắt bắt được việc” và “Định vị bản thân”. Anh hiện đang công tác tại công ty Tâm Lý Hồn Việt với vị trí Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp.

Nếu con mình rất thích giao tiếp với người khác, có khả năng diễn đạt ý tưởng rất tốt, rất ham học và thích thú với các loại ngoại ngữ – ba mẹ nên hướng con theo nghề gì?

Trong bài viết này, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp Tuấn Anh sẽ giải đáp câu hỏi trên cho ba mẹ và các em.

Cách nhận diện con có năng khiếu về giao tiếp và ngôn ngữ?

Các bạn trẻ có năng khiếu về giao tiếp và ngôn ngữ thường có thể nhận diện thông qua một vài biểu hiện sau đây:

  • Các em rất thích và có khả năng học tốt các môn ngoại ngữ ở trường.
  • Các em thích, có khả năng trình bày tốt ý tưởng của bản thân với người khác. Có em thoải mái hơn khi nói, có em thoải mái hơn khi viết, hoặc cả hai.
  • Các em rất tò mò và luôn luôn tìm tòi thông tin về một ngôn ngữ mới, đất nước mới hoặc một nền văn hóa mới.
  • Các em có nhóm Xã Hội cao nhất khi làm trắc nghiệm Mật Mã Holland.
Thực trạng hướng nghiệp hiện nay của các bạn trẻ nhóm ‘ngôn ngữ’?

Hiện nay trong hướng nghiệp, có một bộ phận các bạn trẻ thuộc nhóm ‘ngôn ngữ’ này đang khổ sở và căng thẳng vì chọn sai ngành ở trường đại học. Điểm chung ở các em là thường bị ba mẹ ‘ép’ phải chọn các ngành kinh tế như Quản trị kinh doanh, Kế toán, Ngân hàng – những ngành các em không hề thích và không có năng khiếu, dẫn đến việc các em có thành tích học tập kém và tâm lý bị ảnh hưởng tiêu cực.

Các em trong nhóm ngành ‘ngôn ngữ’ này thường đi kèm với việc sống rất cảm xúc, vậy nên việc phải học một ngành sai hay không đúng khả năng làm ảnh hưởng đến các em rất nhiều. Ba mẹ và các em cần lưu ý đến điều này.

Vậy có những năng khiếu này thì có thể làm nghề gì?

Đặc điểm chung của các nghề liên quan đến nhóm năng khiếu này là ‘có vẻ mơ hồ’ trong mắt các bậc phụ huynh và các em. Để giúp ba mẹ và các em bớt mơ hồ hơn, Tuấn Anh sẽ chia sẻ về một vài nghề mà các em có thể làm.

1.  Copywriter (người viết ý tưởng quảng cáo)

Là một nghề mới xuất hiện ở thị trường Việt Nam vài năm gần đây, đi song song cùng với sự phát triển của Marketing và quảng cáo. Copywriter là một phiên bản ‘cao hơn’ của nghề phóng viên viết thời trước. Nếu phóng viên chỉ viết bài cho báo, thì một Copywriter có thể viết nhiều thể loại hơn tùy theo yêu cầu của công ty. Copywriter có thể viết bài quảng cáo 1000 từ, viết một câu khẩu hiệu 10 từ, nghĩ ra tên cho chương trình, sự kiện và làm nhiều việc khác.

Lương trung bình sau khi ra trường 1-3 năm: 10 – 15 triệu/ tháng

(+) Nghề Copywriter không bị bó buộc về mặt thời gian theo giờ hành chính. Các bạn làm Copywriter cần có thời gian và không gian riêng tự do để nghĩ ra nhiều ý tưởng hơn.

(-) Vì không bị bó buộc về thời gian, nên một bạn Copywriter đi làm sớm về khuya là chuyện rất bình thường. Ngoài ra, để ra được ý tưởng và bài viết chất lượng theo yêu cầu khách hàng, người làm copywriter phải đào sâu nghiên cứu và có tính nhẫn nại rất lớn, vì sản phẩm của các bạn sẽ liên tục được yêu cầu thay đổi/điều chỉnh, đôi khi không theo hướng các bạn mong muốn.

2. Phóng viên

Phóng viên không cứ nhất thiết là liên quan đến viết lách. Là một phóng viên, các em có thể chuyên về viết, chụp hình, quay video hoặc phỏng vấn người khác.

Phóng viên trước đây làm việc trực tiếp tại tòa soạn các tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, An Ninh Nhân Dân, Thanh Niên. Tuy nhiên ở thời buổi Internet phát triển hiện tại, ngoài các tòa soạn báo truyền thống, các em có thể làm cho rất nhiều các trang báo mạng, ví dụ như VnExpress, Kênh14, Yeah1 và nhiều trang tin tức khác.

Tùy thuộc vào đối tượng và chủ đề mà các bạn phóng viên sẽ làm việc với các đối tượng khác nhau. Có bạn phóng viên chuyên viết về những người nổi tiếng trong lĩnh vực Âm Nhạc, Điện Ảnh, có bạn chuyên làm tin thể thao, có bạn lại chuyên chia sẻ các tin nóng trong ngày.

Hơi khác một chút với Copywriter hay nhà văn cần có nhiều kĩ năng sáng tạo, các em làm phóng viên cần có khả năng nhạy bén với tin tức, hiểu tâm lý người đọc và cần chịu khó tham gia thực tiễn để hiểu sâu hơn về chủ đề viết.

Lương trung bình sau khi ra trường 1-3 năm: 10 – 15 triệu/tháng

(+) Nghề phóng viên mang lại cho các bạn trẻ cơ hội được trải nghiệm nhiều địa danh, đất nước khác nhau và có cơ hội quen biết với những người nổi tiếng và có quyền lực.

(-) Vì đặc thù của nghề, các em làm phóng viên cũng không có giờ giấc làm việc cụ thể, đi sớm về khuya là chuyện rất bình thường.

3. Chuyên viên Marketing

Lĩnh vực truyền thông Marketing là một lĩnh vực rất rộng nhưng đang có tốc độ phát triển rất nhanh ở Việt Nam, vậy nên ba mẹ và các em không lo thiếu cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này. Tùy vào khả năng của mỗi em, các em có thể đảm nhiệm các vị trí như Chuyên viên quan hệ khách hàng, Trợ lý giám đốc Marketing, Chuyên viên nghiên cứu thị trường, Chuyên viên tổ chức sự kiện, và rất nhiều tên công việc khác.

Đặc thù của các vị trí trong Marketing là đòi hỏi các em có khả năng làm việc tốt với con người và ý tưởng. Tuy nhiên tùy vào từng vị trí mà các em cần có những kỹ năng phụ khác nữa. Ví dụ chuyên viên nghiên cứu thị trường cần có khả năng nghiên cứu. Trợ lý giám đốc cần có khả năng sắp xếp. Chuyên viên Marketing cần có khả năng lập kế hoạch.

Lương trung bình sau khi ra trường 1-3 năm: 12 – 17 triệu/ tháng

(+) Truyền thông/ Marketing là một lĩnh vực rất năng động và sáng tạo, mang đến cho các em cơ hội được kết nối với nhiều người, làm việc trong môi trường có cơ hội thăng tiến nhanh, sếp và đồng nghiệp trẻ và giỏi.

(-) Vì sự phát triển nhanh của lĩnh vực này, môi trường làm việc ở các công ty truyền thông hoặc Marketing thường khá áp lực, đòi hỏi các em phải biết cách cân bằng tốt về thời gian cho cá nhân và công việc.

4. Nhà văn

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhà văn trẻ thành công. Có những bạn mới chỉ 20 – 21 tuổi nhưng đã có trong tay 6-7 cuốn sách được xuất bản. Thị trường sách bây giờ rất rộng và tiềm năng, chỉ cần các em có khả năng viết và đam mê viết ở một chủ đề nhất định, các em hoàn toàn có thể kiếm sống bằng nghề viết sách. Bản thân người viết hiện cũng đã xuất bản 2 cuốn sách ở độ tuổi 25.

Thu nhập trung bình: 20 – 25 triệu cho một cuốn sách được xuất bản

(+) Nhà văn không đòi hỏi thời gian làm việc cố định, vậy nên sẽ có nhiều thời gian riêng cho gia đình và bản thân. Ngoài ra, việc có sách được xuất bản cũng là một cách để giúp các bạn trẻ có thương hiệu cá nhân tốt hơn, trở nên nổi tiếng hơn trong mắt công chúng.

(-) Vì thời gian làm việc không cố định, các bạn trẻ theo đuổi nghề nhà văn phải tập làm quen với việc chủ động công việc, làm việc độc lập và phải biết cách kỷ luật bản thân tốt để không bị chây ì.

5. Hướng dẫn viên du lịch

Với những em thích được nói chuyện với mọi người, thích du lịch khám phá các vùng đất mới, có khả năng thích nghi và thay đổi tốt, nghề hướng dẫn viên du lịch là một nghề rất phù hợp. Nghề này đòi hỏi các em phải có một số tố chất như: hoạt bát, hòa đồng với mọi kiểu người, dễ dàng thích nghi với môi trường mới, ham học và yêu thích tìm tòi về các nền văn hóa mới và có khả năng ghi nhớ thông tin tốt. Một số em sau khi làm hướng dẫn viên du lịch một vài năm, có mạng lưới chuyên nghiệp và kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng mềm đủ rộng có thể dễ dàng chuyển ngành sang nhiều mảng công việc khác nhau hoặc thăng tiến làm Nhà điều hành tour/Nhà thiết kế tour du lịch; hoặc thành lập doanh nghiệp lữ hành riêng.

Thu nhập trung bình: 10 – 30 triệu/ tháng kể cả hoa hồng.

(+) Nghề này mang đến cơ hội được du lịch nhiều nơi, ăn nhiều món ngon, gặp gỡ nhiều người mới và giúp các em trở nên tự tin, năng động hơn rất nhiều trong việc giao tiếp.

(-) Vì phải đi lại nhiều nên các em làm nghề này phải đặc biệt chú ý đến vấn đề sức khỏe và đòi hỏi phải có khả năng thích nghi rất tốt.

6. Nhân viên kinh doanh

Nhân viên kinh doanh là nghề luôn luôn ‘hot’ và rất cần người trên thị trường. Nghề này đôi khi bị xã hội ‘đánh đồng’ bằng những suy nghĩ không hay, tuy nhiên với một bạn trẻ có khả năng giao tiếp tốt và nhiều tham vọng, việc theo đuổi lĩnh vực sales là rất phù hợp. Đặc biệt, về đường dài, những người làm sales sẽ dễ có khả năng thăng tiến nhanh hơn và nắm giữ các vị trí chủ chốt trong tổ chức/công ty.

Nghề Sales đòi hỏi các bạn trẻ phải nhanh nhẹn, hoạt bát, có khả năng giao tiếp trực tiếp tốt, có khả năng nắm bắt được tâm lý của người đang nói chuyện cùng. Người làm người Sales đôi khi cũng cần sức khỏe tốt, do tính chất công việc có thể đòi hỏi phải đi lại nhiều.

Thu nhập trung bình: 10 – 20 triệu/ tháng

(+) Nghề Sales phải tiếp xúc với nhiều người nên sẽ rèn luyện rất tốt cho các em khả năng giao tiếp và đối mặt với áp lực. Ngoài ra với các bạn chăm chỉ, nghề sales có mức thu nhập tốt hơn nhiều so với các nghề khác.

(-) Các bạn sẽ phải đối mặt với áp lực doanh số nên cần phải luôn giữ vững tinh thần để chịu được áp lực tốt.

Lời kết

Trên đây chỉ là một vài gợi ý về những nghề thông dụng hiện nay trên thị trường phù hợp với các bạn có khiếu ngôn ngữ và giao tiếp – mỗi nghề sẽ phù hợp với những bạn có tố chất và tính cách khác nhau. Để biết rõ hơn con mình hợp với lĩnh vực nào, ba mẹ và các em nên dành thời gian làm thêm trắc nghiệm Mật mã Holland  để có câu trả lời chi tiết hơn.

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.