hồ sơ tìm việc

Với thế hệ những người làm cha làm mẹ chúng ta, trước đây có thể tìm việc làm thông qua thi công chức, gửi sơ yếu lý lịch hoặc thông qua sự giới thiệu của người quen. Thị trường việc làm ngày nay với sự bùng nổ của các công việc mới và của mạng Internet đã có rất nhiều thay đổi trong cách thức tìm việc, bài viết này chúng tôi giới thiệu về những công cụ tìm việc một bạn trẻ nên có hiện nay để cha mẹ hiểu hơn và có thể hỗ trợ các con khi cần.

Đặc thù thị trường lao động hiện nay

Đầu tiên, cha mẹ cần hiểu về cách một doanh nghiệp tìm kiếm nhân tài cho công ty. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin tập trung vào khối công việc văn phòng và nhân lực qua đào tạo đại học, không nói về lao động phổ thông.

Một doanh nghiệp có thể tìm ứng viên cho công ty thông qua nhiều cách như: nhờ giới thiệu từ nhân viên nội bộ hoặc người quen, đăng ký dịch vụ săn đầu người (là các cá nhân hoặc công ty hỗ trợ tuyển dụng), tham gia các sự kiện tuyển dụng tại các trường đại học hoặc đăng tin lên website công ty hoặc các trang tuyển dụng lớn như TopCV, Vietnamwork, CareerBuilder.

Từ các phương pháp trên có thể thấy, để con có được cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường, ngoài các yếu tố nằm trong công thức tuyển dụng mà chúng tôi đã chia sẻ trong bài viết này là chuyên môn và xây dựng các mối quan hệ, các con cần chuẩn bị một bộ hồ sơ tìm việc thật tốt để gây ấn tượng cùng công ty.

Một bộ hồ sơ tìm việc tốt cần có những gì?

Khác với thời trước đây, bây giờ các con không cần chuẩn bị in ấn nhiều giấy tờ, thay vào đó bộ hồ sơ tìm việc có thể làm hoàn toàn trực tuyến trên máy tính. Một bộ hồ sơ tìm việc tốt cần có:

1️⃣ CV hay Resume: hay còn gọi tiếng Việt là Sơ yếu lý lịch. Đây là một văn bản ngắn gọn trong khoảng 1-2 trang đề cập về các thông tin liên lạc, kỹ năng, học vấn và kinh nghiệm làm việc của con. Đây là hồ sơ rất quan trọng, bởi nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào đây đầu tiên để lọc chọn ra những ứng viên tốt giữa hàng trăm ngàn ứng viên. Tại RMIT có phòng Job Shop với các chuyên gia có thể giúp các bạn sinh viên chuẩn bị một bản CV chỉn chu nhất nộp đơn cho công ty.

2️⃣ Cover Letter: hay còn gọi tiếng Việt là thư giới thiệu hoặc thư ứng tuyển. Thư này viết ngắn gọn trong khoảng 1-2 trang A4 (200 – 500 từ), chia sẻ về lý do tại sao một người lại ứng tuyển vào vị trí hay công ty đó. Để viết thư này hay, con cần hiểu rõ bản thân mình muốn gì và biết cách tìm hiểu các thông tin cần thiết về công ty. Tại RMIT có chương trình Career Mentoring kết nối sinh viên đang học cùng các anh chị nhân sự và quản lý cấp cao của công ty, khi con đã trở thành sinh viên RMIT, cha mẹ hãy khuyến khích con tham gia chương trình này để có cơ hội học hỏi cách viết thư giới thiệu này từ các anh chị trong nghề.

3️⃣ Portfolio: tên tiếng Việt là hồ sơ năng lực cá nhân, hoặc cha mẹ có thể hiểu là một tài liệu tổng hợp các sản phẩm thực tế một cá nhân đã làm ra. Ví dụ một bạn thích chụp ảnh thì Portfolio là những bức hình đã chụp, bạn học thiết kế thì Portfolio là các sản phẩm đã vẽ và thiết kế. Bạn học Truyền thông thì Portfolio là các sự kiện đã tổ chức hoặc các bài viết đã viết. Bạn học Tài chính – Ngân hàng thì Portfolio là các bài luận, bài phân tích điểm cao tại trường. Bất kỳ ngành nghề gì cũng có thể làm Portfolio. Portfolio là một loại hình mới trong bộ hồ sơ tìm việc, cha mẹ nên khuyến khích con tìm hiểu thêm vì có Portfolio sẽ giúp bộ hồ sơ tìm việc của con nổi bật và khác biệt hơn, từ đó thu hút nhiều hơn sự quan tâm của nhà tuyển dụng.

Trên đây chúng tôi đã chia sẻ đến cha mẹ ba loại hồ sơ quan trọng và cần thiết trong bộ hồ sơ tìm việc của một bạn trẻ hiện nay, dù học bất kỳ ngành nghề gì. Với một em học sinh cấp 3, cha mẹ có thể hỗ trợ ngay từ thời điểm này bằng cách:

✅ Chia sẻ cho con bài viết hoặc các lớp học hướng dẫn cách làm hồ sơ tìm việc để con biết được các khái niệm trên.

✅ Khuyến khích con nộp đơn thử vào các chương trình hoạt động ngoại khoá, các câu lạc bộ để con có cơ hội thực hành viết hồ sơ tìm việc.

✅ Khuyến khích con khám phá bản thân để tìm ra sở thích và điểm mạnh, trau dồi việc học kiến thức tại trường và học thêm các lớp kỹ năng mềm để có thêm thông tin bổ sung vào hồ sơ tìm việc.

✅ Cuối cùng, nếu con trở thành sinh viên RMIT, cha mẹ có thể khuyến khích con tìm đến hỗ trợ của phòng Hướng nghiệp tại RMIT để các thầy cô chuyên gia ở đây hỗ trợ con tốt nhất.


👉 Tìm hiểu Công thức Tuyển dụng để giúp con hướng nghiệp hiệu quả

👉 Đọc thêm các bài viết hay về chủ đề Hướng nghiệp

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.