thiết kế RMIT

Bài viết thuộc Chuỗi bài viết: Hiểu đúng về nghề Thiết kế để hướng nghiệp cho con

Nói về sự thuận lợi trong sự nghiệp, người ta thường nói có khi người chọn nghề, và cũng có khi nghề chọn người. Có một số tố chất giúp chúng ta dễ thành công hơn trong những ngành nghề nhất định. Vậy thiết kế thì sao? Nếu con có ít nhất 3 trong các tố chất dưới đây thì con có thể sẽ hợp với nghề Thiết kế.

🍀 Trí tò mò cùng óc quan sát

Những nhà thiết kế lỗi lạc rất tò mò về thế giới xung quanh. Họ luôn quan sát, thích thú với việc ngắm nghía con người, hay các hệ thống vận hành, và thấy điều đó thật thú vị. Họ cũng hay có thói quen ghi nhớ và so sánh những gì mình quan sát được.

Việc không ngừng quan sát giúp bộ não được rèn luyện một cách tự nhiên, phân tích, nhìn nhận ra vấn đề xung quanh.

🍀 Lắng nghe, tìm hiểu

Không chỉ quan sát một cách thụ động, khi có cơ hội, con bạn có thói quen hỏi han kỹ hơn, sâu hơn về các sự vật, hiện tượng con thấy? Biết trò chuyện, và đặt câu hỏi tốt giúp con hiểu sâu hơn về một vấn đề, ít đoán mò và từ đó có cơ sở cho các suy luận, giải pháp. Lắng nghe cũng là một tố chất thường ít được nhắc đến song cực kỳ giá trị. Khi biết đặt câu hỏi và biết lắng nghe, con sẽ có khả năng thông hiểu, thấu cảm, đặc biệt trong một xã hội nhiều tiếng động và lắm thông tin như hiện nay. Những mảng thiết kế cần sự tương tác với người dùng như UX và UI sẽ dùng khá nhiều đến kỹ năng này

🍀 Luôn muốn tìm phương án tốt hơn

Đây là lý do vì sao một số nhà thiết kế giỏi tự coi là mình lười. Vì họ luôn tìm cách cải tiến công đoạn để làm nhanh hơn, tốt hơn. Họ sẽ tốn nhiều thời gian vào tìm hiểu điều đó, nhưng một khi tìm ra, họ thích thú vì mọi thứ được tự động hoá, hay chỉ cần theo đúng chuẩn đã đặt ra chẳng hạn. Luôn muốn chỉnh sửa làm mọi thứ tốt hơn, thuận tiện hơn chính là “tín hiệu” cho thấy con bạn phù hợp bước chân vào sự nghiệp này.

🍀 Thích công năng, nhưng phải … đẹp

Đây là một đặc điểm thường thấy ở những người làm thiết kế. Nếu thích sản phẩm, đồ dùng hữu dụng, song không được thô kệch xấu xí, mà phải đẹp, có tính thẩm mỹ cao thì con cũng có thể phù hợp với nghề. Yêu cầu duy mỹ này không chỉ là sở thích cá nhân, mà khi bước chân vào con đường thiết kế, nó sẽ trở thành yêu cầu thường gặp trong công việc.

🍀 Say mê

Nếu con là người mà khi nghiên cứu, bắt tay vào làm gì, con luôn say mê, hứng thú, hướng tâm trí về nó, không thấy mệt mỏi, thậm chí làm việc quên thời gian và tự mình muốn thực hiện nó tới xong thì thôi thì con cũng đã có một đặc điểm phù hợp với người làm thiết kế. Sự say mê này khiến công việc trôi qua nhẹ nhàng, hứng khởi và giúp con trau dồi kỹ năng một cách tự nhiên.

🍀 Không ngừng học hỏi

Một trong những ‘năng lực’ của người thiết kế giỏi là khả năng liên tục phát triển. Năm sau nhìn lại thấy mình có những điểm đã hơn năm trước. Tố chất này cần thiết trong ngành thiết kế bởi đây là ngành song hành cùng công nghệ, vốn có tốc độ phát triển nhanh. Cụ thể, con sẽ cần nắm bắt được xu hướng mới, dự đoán được mảng nào tiếp tục phát triển mảng nào sẽ trở nên ít cơ hội hơn, sẽ học các phần mềm, công cụ mới, sẽ có cơ hội thử nghiệm các mô hình công việc mới. Do đó khả năng thích nghi và không ngừng học hỏi gần như là một phần tất yếu trong công việc.

🍀 Phóng khoáng, không trói buộc bản thân

Nếu cha mẹ và con đã từng xem hoặc đọc truyện Harry Potter, hẳn chúng ta đều nhớ Harry là một người rất chính trực lại cũng là người sẵn sàng “phá rào”, không tuân theo luật lệ khi cần? Làm thiết kế cũng vậy, thông thường chúng ta luôn có rất nhiều các quy định, yêu cầu, đòi hỏi cố định đến từ khách hàng, marketing… Nhưng thay vì răm rắp theo đúng yêu cầu, chỉ đâu đánh đấy thì người giỏi thiết kế sẽ luôn giữ một cái nhìn rộng mở khi tìm hiểu vấn đề và đưa ra các phương án khác nữa. Thiết kế giỏi coi các quy luật như là guidelines hướng dẫn và không bao giờ tự giới hạn khả năng cũng như sự sáng tạo của chính mình.

🍀 Khả năng liên kết, nhìn bao quát

Khi ngắm một quả táo đặt trên bàn, người bình thường sẽ miêu tả: ‘Tôi thấy một quả táo, một cái bàn, và một cái cửa sổ”. Người làm thiết kế sẽ cho biết: “Tôi thấy một quả táo đặt trên chiếc đĩa sứ nhỏ ở góc trái bàn. Phía sau nó là cửa sổ hướng Tây vì mặt trời hiện đang chiếu thẳng vào quả táo”. Tức là người làm thiết kế giỏi sẽ biết kết nối sự việc, biết rằng các sự việc không tồn tại rời rạc mà luôn có liên quan tới nhau. Cũng như trong công việc, họ hiểu rằng thay đổi một chi tiết ở artwork đây sẽ đồng nghĩa với việc phải in thử lại, phải đổi lại tất cả các thiết kế có dùng artwork đó, sẽ phải trao đổi lại với bên in ấn cũng như các đội nhóm liên quan, sẽ mất ít nhất 2 tuần v.v. Tức là họ nắm được rõ tổng thể của một chuỗi việc trong thực tế và quyết định dựa trên cân nhắc sự tổng thể ấy, chứ không phải chỉ 1 chi tiết thiết kế. Đây cũng là tố chất cần có nếu các bạn muốn tách ra hoạt động độc lập. 

🍀 Giỏi giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng mềm, đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành chứ không riêng gì ngành thiết kế. Một người thiết kế tốt sẽ làm ra được những sản phẩm thuyết phục, song một người thiết kế giỏi giao tiếp sẽ có thể đặt sản phẩm đó trước mặt những người cùng làm việc và trao đổi về những cái hay dở của mỗi phương án, đồng thời biết trò chuyện tìm hiểu để có được chỉnh sửa tốt hơn. Giỏi giao tiếp bắt đầu đơn giản bằng việc tự tin trao đổi suy nghĩ, kéo mọi người cùng tham gia, cho đến việc thuyết phục, trình bày và bảo vệ ý tưởng.

Nếu con chưa tự tin lắm với kỹ năng giao tiếp thì sao? Đừng lo quá vì rất may mắn đây lại là một kỹ năng có thể học và rèn luyện được. Trong chương trình học thiết kế tại RMIT, các con sẽ phải làm việc nhóm và thuyết trình rất nhiều, thông qua đó, con sẽ có thêm nhiều cơ hội để rèn luyện kỹ năng này.


▪ Đọc thêm các bài thuộc Chuỗi bài viết: Hiểu đúng về nghề Thiết kế để hướng nghiệp cho con

Hướng nghiệp cho con thuộc nhóm Nghệ thuật theo trắc nghiệm Holland

Điều cha mẹ có thể làm để con thành công trong ngành Thiết kế

▪ Tìm hiểu ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạongành Thiết kế Truyền thông số của RMIT

Chia sẻ bình luận của bạn

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.